Thứ sáu, 29/03/2024, 07:36 [GMT+7]

Nỗ lực hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới

Thứ sáu, 08/05/2020 - 14:16'
Với diện tích rộng, nhiều bản xa trung tâm, người dân sống không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo còn cao dẫn tới nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn). Thời gian này, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, chính quyền xã tích cực tuyên truyền người dân phát huy nội lực từng bước khắc phục khó khăn, xây dựng bền vững NTM.

Nằm xa trung tâm xã gần 20km, bản Huổi Van II có hơn 70 hộ (chủ yếu đồng bào dân tộc Mông). Bản chia làm 3 nhóm hộ, sống cách nhau từ 2 - 3km, cùng với địa hình đồi núi khó khăn dẫn tới việc đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống điện đến bản chưa thực hiện được. Thiếu các công trình dân sinh, khiến kinh tế của bản phát triển chậm, nhiều hộ dân chưa có nhà đảm bảo tiêu chí 3 cứng.
Ông Vừ A Cá - Trưởng bản Huổi Van II cho biết: “Bản sống không tập trung khiến các chương trình xây dựng bản khó thực hiện, qua các buổi họp bản, tuyên truyền người dân về việc chuyển nơi ở, sống tập trung, bà con hiểu và đồng tình. Từ thực tế, bản mong muốn chính quyền các cấp sớm có phương án sắp xếp lại bản sao cho phù hợp, tạo điều kiện kiến thiết bản, nâng cao đời sống người dân”.
Khác với bản Huổi Van II, bản Nậm Cầy với 225 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu lại hạn chế về đất ở. Tuyến đường nội bản và các ngõ nhỏ được bà con chung sức cùng Nhà nước đổ bêtông cứng hóa, sát mép đường là cột, vách của những ngôi nhà gỗ, nhà sàn. Có đường bêtông nhưng do mặt đường hẹp và nhà dân gần lề đường nên rất dễ xảy ra va chạm nếu người lái xe không cẩn thận. Quanh bản, những ngôi nhà “mặt đường” đều chỉ cần bước một bước là có thể từ nhà ra đường, còn với những ngôi nhà lui vào trong thì gần như không có ngõ hay lối đi rõ ràng vì toàn bộ mặt bằng có thể tận dụng bà con đã làm nhà ở. Theo lời bà con, mỗi khi vào mùa thu hoạch lúa, ngô cả bản phải phơi nông sản ngay ngoài ruộng vì có mang về cũng không có chỗ mà phơi, đến lúc phơi khô đem về những hộ gần đường thuận lợi hơn một chút. Còn những hộ ở sâu phải rất vất vả, tốn nhiều công sức mới mang về được tới nhà. Ông Cà Văn Ngoan - Trưởng bản Nậm Cầy cho biết: Diện tích đất ở hạn chế nên ngoài thiếu ngõ đi lại bà con trong bản còn gặp khó khăn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, đến nay bản không có hệ thống thoát nước thải chung, nhiều nhà không có đất để xây nhà vệ sinh, nhà tắm hay có đất xây nhưng cũng không xây được vì nếu xây lại ở ngay trước mặt nhà hàng xóm. Việc giãn dân, tạo điều kiện mở rộng bản là mong muốn của hầu hết bà con trong những năm qua”.

Một buổi tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại bản Phiêng Luông II (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn).                                             Ảnh tư liệu

Một buổi tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại bản Phiêng Luông II (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn).

Tập trung nguồn lực xây dựng NTM, thời gian qua, xã Nậm Hàng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2011 đến nay, Nhân dân trong xã đã góp trên 9.000 ngày công lao động, hiến 26.560m2 đất làm đường, sân vận động, nhà văn hóa, đường giao thông nội bản, nội đồng. Công tác xóa đói giảm nghèo được chỉ đạo quyết liệt, hình thành nhiều mô hình sản xuất mới áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có giá trị kinh tế cao như: mô hình cam tại bản Phiêng Luông I, cánh đồng trồng 1 - 2 giống lúa tập trung ở bản Nậm Cầy, phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hết năm 2019, thu nhập bình quân toàn xã tăng lên 25 triệu đồng/người (tăng gần 20 triệu đồng so với năm 2012), tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình hơn 4% mỗi năm. Đến nay, xã đạt 14/19 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt bao gồm: môi trường, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, thông tin và truyền thông. Đây đều là các tiêu chí khó thực hiện vì điều kiện của nhiều bản chưa đáp ứng được.
Thực tế cho thấy, dù xã Nậm Hàng có các mô hình kinh tế phát huy hiệu quả nhưng chưa được mở rộng, mới chỉ tập trung ở các bản thuận lợi về giao thông. Tổ chức sản xuất ở một số bản phần lớn chỉ mang tính tự cung tự cấp, chưa phát triển theo hướng hàng hóa. Một bộ phận Nhân dân còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư từ Nhà nước chưa có tinh thần phấn đấu, tự nguyện như hiến đất, góp ngày công lao động, vì mục tiêu, lợi ích chung. Các bản vùng xa có đường trục bản chưa hoàn chỉnh nên khi đầu tư bêtông hóa công vận chuyển cao, vốn để cải tạo nền đường hạn chế dẫn đến việc bêtông hóa đường trục bản, liên bản, nội bản khó khăn. Việc tuyên truyền hướng dẫn Nhân dân giữ vệ sinh môi trường khu dân cư là một việc làm khó, cần có thời gian.
Đồng chí Đinh Văn Xanh - Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng cho biết: “Xác định được những khó khăn trong xây dựng NTM, thời gian tới, xã tập trung tuyên truyền người dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường; tham mưu cấp trên phân bổ nguồn vốn giúp các bản sắp xếp lại dân cư. Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm ăn theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, xã phấn đấu hết năm 2020 hoàn thành thêm 2 tiêu chí về hộ nghèo và nhà ở dân cư”.

NGỌC DUY

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...