Thứ sáu, 29/03/2024, 08:22 [GMT+7]

Vai trò kinh tế tập thể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 30/10/2020 - 14:45'
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh cùng các đồng chí Viện Phát triển kinh tế hợp tác thăm mô hình nuôi cá lồng tại Hợp tác xã Thanh niên Thẩm Phé (huyện Than Uyên).

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh cùng các đồng chí Viện Phát triển kinh tế hợp tác thăm mô hình nuôi cá lồng tại Hợp tác xã Thanh niên Thẩm Phé (huyện Than Uyên).

5 năm qua, KTTT đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về tổ chức cũng như hoạt động thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Năm 2016 toàn tỉnh có 287 HTX, số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp 62 HTX (chiếm 21,6% tổng số HTX), với vai trò hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, đảm bảo dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ sản xuất, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò là “bà đỡ”, là cầu nối giữa các thành viên, làm tốt những việc mà kinh tế hộ không làm được, hoặc thực hiện nhưng kém hiệu quả. Đến hết tháng 9/2020 toàn tỉnh có 324 HTX, có 108 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp (chiếm 33,3% so với tổng số HTX), các HTX thu hút 1.038 thành viên và 1.359 lao động, chiếm 42% tổng số thành viên và lao động trong khu vực KTTT, HTX. Tổng vốn đăng ký kinh doanh là 229,83 tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng số vốn đăng ký kinh doanh của HTX. Thu nhập bình quân thành viên đạt 3,15 triệu đồng/người/tháng. Trong nhiệm kỳ qua ngày càng có nhiều HTX hoạt động đa ngành với các dịch vụ thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của thành viên và thị trường. Hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đã hướng đến thị trường, gắn với lợi ích kinh tế của thành viên và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Xuất hiện các mô hình HTX tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị: HTX xây dựng Thanh Xuân (huyện Than Uyên), HTX Quyết Tâm (thành phố Lai Châu); sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; đồng thời khai thác, phát huy giá trị sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: gạo, cây dược liệu Atiso và sản phẩm làng nghề truyền thống.

Vai trò, hiệu quả hoạt động của các HTX trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp được khẳng định, thể hiện rõ nét thông qua là cầu nối trong việc tiếp thu, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bước đầu phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lao động theo hướng tích cực, đảm bảo nhiều khâu dịch vụ mà các hộ thành viên không làm được hoặc làm được nhưng hiệu quả không cao như: cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, công nghệ mới trong sản xuất và đặc biệt là chế biến, bảo quản sản phẩm. Điển hình như: HTX Thanh Xuân, HTX Thanh niên Thẩm Phé (huyện Than Uyên); HTX Quyết Tâm (thành phố Lai Châu); HTX Long Vũ (huyện Mường Tè)... Qua đó, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Thông qua các hoạt động của HTX, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được chuyển giao ứng dụng trong sản xuất, đã hình thành một số mô hình như: chăn nuôi bò nhốt, gà ác sinh sản, lợn nái siêu nạc, mô hình bảo vệ rừng, mô hình trồng chuối cấy mô... đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, phần nào giải quyết việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên HTX và người dân khu vực nông thôn; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái ở nông thôn; giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Các HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần đảm bảo tiêu chí nâng cao thu nhập, chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất cho người nông dân khu vực nông thôn (tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 13 về các hình thức tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới). Thể hiện cụ thể như các HTX đã cùng với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động thành viên và Nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa để có những vùng đất sản xuất tập trung tạo ra sản phẩm hàng hóa, tham gia ý kiến vào quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho phù hợp: HTX Việt Hoàng (huyện Tân Uyên). HTX huy động được nhiều nguồn lực từ các thành viên HTX và cộng đồng dân cư tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như: làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, các công trình điện, nước... phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống của thành viên và cộng đồng. Nhiều hộ thành viên HTX và người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công để thực hiện chương trình nông thôn mới. Đồng thời, HTX tích cực tham gia vào phát triển ngành nghề nông thôn, từng bước giải quyết yêu cầu về cung ứng nguyên liệu đầu vào tiến tới tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên. Một số HTX tham gia dịch vụ vệ sinh môi trường, đô thị, nông thôn, giúp cho việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái ở nông thôn và bảo vệ sức khỏe người dân.

Các tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp đã từng bước khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ như: thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, giúp kinh tế thành viên tăng sức cạnh tranh thị trường và nâng cao năng lực hoạt động kinh tế, giúp các thành viên sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn, tiếp nhận được những thông tin, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ.

Hiện nay, việc phát triển KTTT còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại như: nhận thức về bản chất HTX trong cán bộ quản lý, thành viên, người lao động chưa sâu. Hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển HTX chưa đồng bộ, nguồn lực hỗ trợ còn ít, quy hoạch giao đất, cho HTX thuê đất còn chậm và gặp khó khăn. Sự liên kết hợp tác giữa HTX, doanh nghiệp và nông dân trong ký kết hợp đồng sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm còn rất ít.

Để phát huy vai trò KTTT trong thời gian tới, các HTX cần quan tâm, tăng cường các hoạt động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương. Cùng với đó trong quan điểm chỉ đạo cần thống nhất: “Trình độ sản xuất tới đâu thì mô hình tổ chức sản xuất tương ứng tới đó”, Nhà nước tạo môi trường thuận lợi và có chính sách hỗ trợ để các HTX phát huy nội lực phát triển. Tập trung củng cố, đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX hiện có. Phát triển đa dạng các hình thức KTTT trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Chú trọng phát triển HTX ở những vùng chuyên canh có nhiều sản phẩm hàng hóa để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, từng bước nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, gắn với triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bùi Xuân Thu - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lai Châu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...