Thứ năm, 28/03/2024, 18:59 [GMT+7]

Bộ đội biên phòng giúp dân phát triển kinh tế

Thứ sáu, 26/11/2021 - 15:32'
Huyện Phong Thổ có đường biên giới dài hơn 97km, giáp với huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Trên địa bàn huyện có 6 đồn biên phòng: Dào San, Sin Suối Hồ, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, Huổi Luông và Ma Lù Thàng, quản lý 12 xã biên giới. Cùng với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ, các đồn biên phòng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hiệu quả giúp Nhân dân biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Mỗi chuyến công tác lên các xã vùng biên huyện Phong Thổ, chúng tôi không khó để gặp hình ảnh bộ đội biên phòng cùng Nhân dân lao động sản xuất nông nghiệp. Nào là cuốc đất trồng chè; chăm sóc chè, chuối; chăn nuôi gia súc, gia cầm; rồi cấy lúa, trồng ngô; thu hoạch thóc về nhà… Minh chứng cho tình cảm “quân với dân” ngày càng đoàn kết, gắn bó keo sơn.

Chị Sùng Thị Sinh (bản Sân Bay, xã Sin Suối Hồ) chia sẻ: Gia đình tôi trồng hơn 4.000m2 chè cách đây gần 3 năm rồi. Từ lúc trồng cho đến bây giờ, CBCS Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ thường xuyên xuống hỗ trợ làm đất trồng chè; hướng dẫn cách chăm sóc; kỹ thuật hái... để bán được giá cao. Mỗi tháng, lúc nhàn rỗi, các chiến sỹ xuống giúp đỡ gia đình tôi hái chè. Trung bình 1 tháng, vợ chồng tôi thu hoạch được gần 1 tạ búp chè tươi, mang xuống thành phố bán với giá 10 nghìn đồng/kg.

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ giúp người dân bản Sân Bay (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) làm cỏ chè.

Trao đổi với chúng tôi, thiếu tá Nguyễn Văn Đạt - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ cho biết: Đồn quản lý 3 xã (Sin Suối Hồ, Bản Lang và Nậm Xe) với chiều dài đường biên giới hơn 9km. Thời gian qua, Đồn tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương 3 xã tổ chức nhiều hoạt động giúp dân phát triển kinh tế. Hàng năm, Đồn cử CBCS xuống hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng bệnh trên cây trồng, vật nuôi; khuyến cáo các hộ chăn nuôi dọn vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Khi đến mùa cấy, gặt lúa, Đồn hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách về ngày công lao động.

Không chỉ riêng Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, những năm qua các đồn biên phòng trên địa bàn huyện Phong Thổ tích cực giúp đỡ Nhân dân biên giới phát triển kinh tế bằng ngày công lao động, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị kết nghĩa trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.

Điển hình như năm 2017, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải phối hợp với Hội LHPN thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) triển khai mô hình nuôi bò sinh sản cho 4 nhóm hộ gia đình (mỗi nhóm 3 hộ), theo đó mỗi nhóm được 1 con bò với tổng giá trị 50 triệu đồng. Năm 2018, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ phối hợp với Hội LHPN huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản cho 4 gia đình hội viên nghèo của Chi hội Phụ nữ bản Sàng Mà Pho (xã Sin Suối Hồ) với số lượng dê giống ban đầu là 45 con. Cách đây hơn 3 năm, Đồn Biên phòng Dào San hỗ trợ gia đình anh Giàng A Chảo (ở bản Lèng Chư) lần đầu tiên đưa giống dâu tây vào trồng trên đất xứ lạnh với diện tích 1.000m2. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản cho các hộ dân bản biên giới Hùng Pèng (xã Ma Li Pho) theo chương trình di dân ra khu vực biên giới.

Từ các mô hình này, nhiều hộ dân nơi biên giới huyện Phong Thổ có nguồn lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Chị Tẩn Mỹ Hà (ở bản Nhóm 2, xã Vàng Ma Chải) phấn khởi: Gia đình tôi và 2 hộ khác trong bản được nhận 1 con bò sinh sản từ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải hỗ trợ. Nhờ CBCS trong Đồn thường xuyên quan tâm, hướng dẫn chăm sóc bò, đến nay, bò giống đã sinh sản được 2 con. Chúng tôi luân phiên nhau lấy giống để nuôi. Mong sao, tới đây, bò phát triển khỏe mạnh, nhân đàn nhanh, bà con có thu nhập, trang trải cuộc sống.

Cùng với đó, các Đồn Biên phòng thường xuyên thực hiện tăng gia sản xuất ở đơn vị. Qua đó, không chỉ đảm bảo về nguồn lương thực, thực phẩm đáp ứng bữa ăn hàng ngày cho CBCS mà còn là mô hình kinh tế để Nhân dân biên giới học và làm theo.

Thiếu tá Trần Huy Huỳnh - Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng cho hay: Hiện nay, Đồn chia khu tăng gia sản xuất theo từng khu vực (trồng rau, ao cá, chăn nuôi). Hằng ngày, hết giờ làm việc, CBCS trong đơn vị trực tiếp tham gia tưới rau, nhổ cỏ, cho đàn vật nuôi ăn, dọn vệ sinh chuồng trại. Thời điểm này, Đồn nuôi 23 con dê, 200 con gà vịt ngan, 25 con lợn, 20 con thỏ; có 4 ao cá với diện tích trên 300m2, vườn rau hơn 200m2. Ngoài ra, từ vườn tăng gia sản xuất này, Đồn hỗ trợ cây, con giống cho bà con phát triển kinh tế gia đình.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các đồn biên phòng trên địa bàn huyện Phong Thổ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động giúp dân phát triển kinh tế hơn nữa với nhiều mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất của địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển; đồng thời giúp các đồn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Bởi lẽ, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì an ninh trật tự trên địa bàn đảm bảo; tệ nạn xã hội được đẩy lùi; tình trạng xuất nhập cảnh trái phép hạn chế; chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững.

Ngân Khánh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...