Thứ năm, 28/03/2024, 21:59 [GMT+7]

Công tác tuyển quân ở Bộ CHQS tỉnh: Địa phương thực hiện “tròn khâu”

Thứ tư, 20/10/2010 - 10:10'
(BLC) - Từ nhiều năm nay nhờ thực hiện “tròn khâu” trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân hàng năm của Bộ CHQS tỉnh.
Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh thăm hỏi, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ.

Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, tuyển quân đợt 2 năm 2010 và các năm tiếp theo, địa phương thực hiện “tròn khâu” từ tuyển chọn đến giao quân.

Thực hiện hướng dẫn trên, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Hội đồng NVQS tỉnh chỉ đạo các địa phương trong toàn tỉnh giao, nhận đủ 100% quân số với chỉ tiêu, chất lượng chiến sĩ mới bảo đảm theo quy định.

Thượng tá Phan Minh Đức - Trưởng Ban Quân lực cho biết: “So với các đợt tuyển quân trước, chất lượng chính trị, sức khoẻ, trình độ văn hoá và tỷ lệ đảng viên tăng hơn. Thanh niên lên đường nhập ngũ đủ thành phần các dân tộc, tỷ lệ đảng viên chiếm 0,25%. Đặc biệt trong quá trình tuyển quân, tỉnh Lai Châu được Bộ Quốc phòng đánh giá là một trong số ít địa phương không có trường hợp phải loại trả”.

Tuy nhiên, nhiều địa phương trong tỉnh gọi khám tuyển quá tỷ lệ theo quy định (không quá 10%); một số xã, phường, thị trấn chất lượng sơ tuyển còn hạn chế, gây khó khăn cho cấp trên và tốn kém ngân sách; thủ tục hồ sơ NVQS của công dân chưa đầy đủ, phiếu tự khai còn sơ sài.

Tình trạng trên có nguyên nhân do mới triển khai phương thức “tròn khâu”, không ít địa phương còn lúng túng, tổ chức thực hiện chưa hợp lý, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương cơ sở chưa đầy đủ… Bên cạnh đó, do địa bàn rộng, chia cắt, đường sá đi lại khó khăn, đời sống và trình độ dân trí của nhân dân không đồng đều, cơ sở trang thiết bị y tế ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ qui định.

Đại tá Trần Việt Hà - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng - Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Việc giao cho địa phương làm “tròn khâu” trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là một chủ trương đúng, phù hợp với tình hình mới; tạo điều kiện cho địa phương, đơn vị chủ động trong thực hiện nhiệm vụ tuyển quân và các nhiệm vụ khác; phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ sở địa phương, tiết kiệm chi phí tuyển quân…

 Bộ Quốc phòng đã ban hành văn bản số 3854/BQP giao cho địa phương thực hiện “tròn khâu” theo hướng dẫn cấp huyện, quận không tổ chức khung thâm nhập “3 gặp, 4 biết” mà giao cấp xã, phường phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở để tuyển chọn và phân rõ trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân. Cấp xã, phường trực tiếp tuyển chọn thông qua các bước ở cơ sở, phát huy dân chủ, bình cử, công khai từ thôn, bản và chịu trách nhiệm về chất lượng, chỉ tiêu quân giao. Xã có trách nhiệm cung cấp cho huyện các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, tư tưởng không ổn định để thông báo cho đơn vị nhận quân biết để động viên, quản lý ngay từ đầu nhập ngũ. Theo chủ trương “tròn khâu” không có ý nghĩa “phó mặc” cho địa phương mà các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ trong tiếp xúc hồ sơ, trao đổi ý kiến về các vấn đề liên quan, chốt danh sách để địa phương phát lệnh gọi…

Niềm vui của chiến sĩ khi mặc trên mình bộ quân phục mới.
Đợt 2 năm 2010, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, kiên quyết không tuyển chọn, gọi công dân mắc tật khúc xạ về mắt (cận thị, viễn thị); tăng cường tuyển chọn học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, dạy nghề, cao đẳng, đại học… vào phục vụ quân đội theo quy định, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, nâng cao tỷ lệ thanh niên nhập ngũ có trình độ văn hóa cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyển quân, trong thời gian tới cùng với việc thực hiện công khai, dân chủ, công bằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để dân hiểu và tự giác chấp hành, thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội, nhất là gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Công tác tuyển quân cần gắn với tuyên truyền phổ biến Luật NVQS bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng địa bàn, chú trọng phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là vào thời điểm tuyển quân và các dịp sinh hoạt cộng đồng của nhân dân các dân tộc địa phương.
Bên cạnh đó cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động cho nhân dân các dân tộc hiểu rõ và nắm chắc về Luật Nghĩa vụ quân sự bằng việc cử trực tiếp cán bộ xuống cơ sở chỉ đạo các xã thông báo các văn bản, hướng dẫn. Tổ chức khám tuyển nghiêm túc ngay từ đầu, đặc biệt là xét nghiệm HIV/AIDS. Cán bộ Ban CHQS huyện, thị phải tăng cường bám nắm, theo dõi, giúp đỡ cơ sở; tổ chức tập huấn cho các đối tượng tham gia tuyển quân, nhất là cán bộ Hội đồng NVQS cấp xã, phường, thị trấn. Giải quyết tốt chế độ chính sách, đào tạo việc làm cho quân nhân sau khi xuất ngũ trở về địa phương, gửi quân nhân đi đào tạo nghề tại trường Quân sự Quân khu; đào tạo lớp xã, phường đội trưởng làm nguồn cán bộ kế cận...

 

Thế Thành

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...