Thứ bảy, 20/04/2024, 06:27 [GMT+7]

Linh hoạt biện pháp cứu nạn cứu hộ

Thứ sáu, 03/01/2020 - 18:17'
(BLC) - Dũng cảm, linh hoạt trong xử lý các tình huống, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an tỉnh được các cấp, chính quyền, Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Là tỉnh vùng cao, Lai Châu có địa hình hiểm trở, nhiều hang động, vực sâu. Các sông, hồ có diện tích mặt nước lớn kèm theo độ sâu; thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tai nạn, sự cố về: đuối nước, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… Thực hiện Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg, ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC, Ban Giám đốc Công an tỉnh tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 619/QĐ-UBND, ngày 6/6/2013 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 44 trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh tích cực vào cuộc, phát huy vai trò nòng cốt.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thực hiện công tác CNCH khi xảy ra sự cố, tai nạn bất ngờ theo nguyên tắc tiến hành kịp thời bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ. Khi CNCH phải đảm bảo an toàn đối với người, phương tiện tham gia cũng như nạn nhân và trước hết phải ưu tiên cho việc cứu người, hạn chế thấp nhấp thiệt hại về tài sản. Đại úy Vũ Văn Hùng – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết: “Điều kiện trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác CNCH còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, đơn vị chú trọng cập nhật những văn bản, nội dung mới, sát thực với đặc điểm, tình hình địa phương liên quan đến công tác CNCH để CBCS nắm và triển khai tập luyện nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác CNCH”.

Cán bộ chiến sỹ Phòng cảnh sát PCCC&CNCH diễn tập tình huống cứu người trong môi trường nhiều khí độc.

CBCS Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH diễn tập tình huống cứu người trong môi trường nhiều khí độc.

Hàng năm, Phòng tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ CNCH cho các lực lượng: dân phòng, PCCC cơ sở. Giao cho các đội nghiệp vụ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác CNCH; tổ chức tuyên truyền, xây dựng phong trào quần chúng tham gia CNCH. Phối hợp với Báo Lai Châu đăng tải trên 200 tin, bài về công tác PCCC&CNCH; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng 8 video clip tuyên truyền, cảnh báo về công tác PCCC&CNCH, hướng dẫn thoát nạn phát trên sóng truyền hình tỉnh. Nhờ vậy, thu hút sự vào cuộc của Nhân dân trong công tác CNCH. CBCS trong đơn vị nắm chắc, thực hành nhuần nhuyễn kỹ năng CNCH trong các tình huống, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Từ năm 2015 đến nay, CBCS tham gia CNCH 8 vụ. Cứu 6 người bị thương; tìm kiếm, trục vớt 3 thi thể tử vong do điện giật rơi xuống ao, đuối nước và giúp nhiều người dân 2 huyện: Sìn Hồ, Tam Đường di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở an toàn.

Điển hình vào hồi 20 giờ ngày 26/6/2018, nhận được tin báo tại Km46 + 700 quốc lộ 12 (thuộc địa phận xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ) xảy ra sạt lở đất đá nghiêm trọng làm 2 máy xúc của Công ty Cổ phần xây dựng và quản lý đường bộ 1 đang thi công thông tuyến đường rơi xuống vực sâu. Trong đó có 2 nạn nhân là: Phạm Văn Sáng (SN 1983) và Lò Văn Kiệm (SN 1988) - công nhân lái máy xúc của Công ty. Anh Kiệm may mắn nhảy kịp ra khỏi máy xúc và bị thương nhẹ; anh Sáng bị đất đá đẩy theo cùng máy xúc rơi xuống vực với độ sâu khoảng 100m. Không chậm trễ, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã cử 1 xe CNCH, 1 xe chỉ huy cùng 15 CBCS tới hiện trường và phối hợp cùng các lực lượng triển khai biện pháp cứu người bị nạn. Khi tiếp cận được, nạn nhân đã bị rách phần bụng, mất máu, đa chấn thương và có biểu hiện kiệt sức. CBCS kịp thời sử dụng dây, đai bảo hộ cố định nạn nhân vào lưng của 1 chiến sỹ cố gắng hợp sức đưa nạn nhân lên vị trí an toàn. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã đưa được nạn nhân lên vị trí an toàn.

Trước đó, vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 9/1/2016, nhận được tin báo tại hang Cống Nước thuộc địa phận xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ) xảy ra vụ tai nạn của nhóm thám hiểm hang động. Trong đó, 1 nạn nhân là anh Tạ Nam Long (SN 1981, thường trú tại quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) khi thám hiểm xuống hang đá có độ sâu 600m gặp sự cố tụt dây bảo hiểm nên rơi xuống độ sâu gần 40m. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động 3 xe CNCH, chỉ huy, chở CBCS tới hiện trường phối hợp cùng Công an huyện Phong Thổ và các lực lượng khác triển khai biện pháp cứu nạn.

“Do địa điểm xảy ra tai nạn cách quốc lộ 4D khoảng 2 giờ đi bộ theo đường rừng, núi có địa hình đặc biệt hiểm trở; khoảng cách người bị nạn rơi xuống xa, trong hang chật hẹp, không gian chỉ vừa cho 1 người qua lại kèm theo điều kiện thiếu ánh sáng, đa số phương tiện, dụng cụ chuyên dụng trên xe cứu nạn cứu hộ không thể mang theo. Bản thân người bị nạn bị gãy xương đùi, chấn thương cột sống, cổ chân trật khớp, xây xát nhiều vị trí nên việc cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải sử dụng đèn pin, dùng dây cứu người, đai bảo hộ cố định nạn nhân vào cáng cứu thương, đồng thời hợp sức người và bộ tời dây đưa nạn nhân lên vị trí an toàn trong hang. Đến 9 giờ 30 phút ngày 10/1/2016, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã đưa được nạn nhân ra khỏi cửa hang, giao cho lực lượng cứu thương 115 an toàn” – anh Hùng kể.

Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, CNCH kịp thời, hiệu quả, CBCS Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân, xây dựng phong cách người cảnh sát Nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...