Thứ năm, 25/04/2024, 17:08 [GMT+7]

Quân dân một lòng bảo vệ biên giới

Thứ ba, 24/01/2023 - 15:36'
Hình ảnh bộ đội biên phòng (BĐBP) cùng Nhân dân phát triển kinh tế, tuần tra biên giới hay dạy bà con học tiếng phổ thông trở nên quen thuộc và gần gũi ở những xã biên giới trên địa bàn tỉnh. Đó là minh chứng rõ nét nhất khẳng định “Thế trận biên phòng toàn dân” ngày càng vững chắc. Khi quân - dân đồng lòng, chung sức, thì chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới luôn được đảm bảo và giữ vững.

Với phương châm: “Gần dân, hiểu dân, học dân, sát cơ sở, thường xuyên nắm tình hình Nhân dân”, BĐBP tỉnh thực hiện “4 cùng” với Nhân dân thông qua nhiều chương trình, việc làm cụ thể. Trong đó, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những hoạt động được các đồn biên phòng triển khai thường xuyên, bất kể ngày hay đêm, trời mưa hay nắng. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới.
Trung tá Vàng A Lử - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) chia sẻ: Thời gian qua, Đồn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền đến bà con về các nội dung liên quan đến Luật Biên phòng Việt Nam; các văn kiện pháp lý về biên giới - đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vận động bà con không xuất cảnh trái phép, không buôn lậu gian lận thương mại qua biên giới hay phá hàng rào trên khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) cùng Nhân dân tuần tra biên giới.

Tỉnh Lai Châu có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dài trên 265km thuộc địa phận 4 huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè với 13 đồn biên phòng quản lý 22 xã biên giới. Với đặc thù ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đời sống của Nhân dân các xã biên giới nhiều thiếu thốn; không chỉ về cơ sở vật chất, hệ thống đường giao thông khó khăn; mà trình độ dân trí thấp, canh tác nông nghiệp – ngành kinh tế chủ lực còn lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ. Để xây dựng “Thế trận biên phòng toàn dân vững chắc”, phát huy vai trò của mỗi người dân là cột mốc sống, các đồn tập trung thực hiện các mô hình giúp dân phát triển kinh tế dựa trên các nguồn lực xã hội hoá và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia. Tiêu biểu là phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ triển khai có hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; duy trì hoạt động các mô hình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”…
Chị Giàng Thị Hoan ở bản Pa Tần 2, xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) phấn khởi: Gia đình tôi được Đồn Biên phòng Pa Tần, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ hỗ trợ lợn để nuôi. Gia đình tôi được cán bộ, chiến sỹ của đồn hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại; nhờ đó lợn phát triển khoẻ mạnh. Đây là nguồn sinh kế lớn giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế để có điều kiện nuôi các con ăn học đầy đủ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con được các đồn biên phòng trong tỉnh triển khai thường xuyên.

Ngoài ra, khi vụ mùa đến, tất cả các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh cử lực lượng xuống giúp Nhân dân cấy, gặt lúa, chăm sóc ngô, thu hoạch khoai sọ… Bất cứ việc gì Nhân dân cần giúp đỡ, những người lính quân hàm xanh đều có mặt. Đại tá Lê Công Thành - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Chúng tôi giới thiệu 108 cán bộ đảng viên BĐBP tham gia sinh hoạt tại 108 chi bộ bản còn những yếu kém, khó khăn để “cầm tay chỉ việc” giúp cho chi bộ bản hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt phát huy được vai trò của ban công tác mặt trận, tổ chức hội, đoàn thể, địa phương. Giới thiệu gần 300 cán bộ, phụ trách, giúp đỡ cho gần 2.000 hộ gia đình khu vực biên giới có khó khăn về kinh tế; gia đình ở địa bàn trọng điểm. Bằng những việc làm, hành động nhỏ cho thấy sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của BĐBP với Nhân dân. Từ đó, quần chúng tích cực tham gia bảo vệ biên giới; xây dựng luỹ thép biên phòng vững chắc.
Với sự nhiệt huyết, trách nhiệm của người lính biên phòng, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh coi các anh là những người thân trong gia đình. Nhiệm vụ của BĐBP chính là nhiệm vụ của họ.
Ông Hoàng Chỉn Mìn - bản Hùng Pèng (xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ) hồ hởi: BĐBP tốt lắm, luôn thương dân. Bà con trong bản ai cũng quý bộ đội. Vì vậy, mỗi khi có buổi tuyên truyền, hay tuần tra biên giới chúng tôi có mặt đầy đủ. Các hộ trong bản đều ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới là bảo vệ sự tự do, bình yên cuộc sống của mình nên hộ nào cũng tự nguyện đăng ký bảo vệ đường biên, cột mốc. Khi phát hiện ai vi phạm, xâm phạm bất hợp pháp, chúng tôi báo với chính quyền, với đồn cùng phối hợp giải quyết.
Từ việc trọng dân, lấy dân làm gốc, đến nay, trên địa bàn biên giới của tỉnh đã xây dựng được 52 tổ, với 635 hộ, 1.168 cá nhân đăng ký tự quản trên 223km đường biên giới; 43 tổ, 647 hộ, 1.025 cá nhân đăng ký tự quản 77 mốc giới, 2 công trình biên giới, 211 tổ tự quản an ninh trật tự với hơn 1.090 thành viên. Thông qua những tin tố giác tội phạm của Nhân dân, BĐBP tỉnh đã phá được nhiều chuyên án, vụ án lớn về ma tuý, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu qua biên giới.
Tình quân - dân ngày càng gắn bó keo sơn, sắt son một lòng bảo vệ biên giới; chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới luôn được giữ vững, ổn định. Đồng thời, thúc đẩy quan hệ đối ngoại biên phòng giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong tình hình mới trên tinh thần “Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...