Thứ sáu, 19/04/2024, 09:46 [GMT+7]
Bài dự thi Giải Búa liềm vàng lần thứ IV, năm 2019

“Tiếp lửa” vùng biên

Thứ tư, 02/10/2019 - 09:46'
(BLC) - Với sự ưu tiên hỗ trợ, đầu tư các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước cùng quyết tâm chính trị cao, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, ý thức tự vươn của đồng bào các dân tộc nơi vùng biên giới, tỉnh Lai Châu nói chung, huyện Nậm Nhùn nói riêng từng ngày khởi sắc. Và, một trong những nhân tố “tiếp lửa” trong hành trình gian khó ấy là những người lính quân hàm xanh tăng cường về làm cán bộ xã. Nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm, các anh không phụ sự kỳ vọng của đơn vị, chính quyền, bám bản, bám dân, tham mưu những quyết sách đúng, trúng để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Báo Laichau Online đăng tải loạt bài về hiệu quả từ chủ trương đưa cán bộ biên phòng về tăng cường tham gia cấp ủy các xã biên giới huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu).

Bài 1: Tròn sứ mệnh

Là xã vùng cao, biên giới của huyện Nậm Nhùn với 14,873km đường biên, 2 mốc chính và 3 mốc phụ, giúp huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Hua Bum từng một thời được gắn mác với những cụm từ nghe thật chua xót: Nghèo đói, lạc hậu, an ninh tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, bởi có quá nhiều khó khăn đặc thù không dễ xóa bỏ hay thay đổi. Với sự tiếp sức của những người lính quân hàm xanh, Hua Bum đang có những bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế xã hội. 

Một thời khó chồng khó

Xã Hua Bum có 6 bản, 441 hộ dân và 2.074 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc thiểu số, chủ yếu là Mông và Hà Nhì. Dân số ít, số lượng bản không nhiều, chắc chắn là điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, lãnh chỉ đạo. Vậy nhưng với Hua Bum hoàn toàn khác, bởi thời điểm 2010, khó chồng khó, vướng chồng vướng.

Trung tá Nguyễn Văn Minh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hua Bum chủ trì Hội nghị Đảng ủy ra Nghị quyết lãnh đạo.

Nguyên nhân chúng tôi tìm hiểu và được các thế hệ người cao niên trong xã khẳng định không phải đồng bào không chịu khó, không yêu quê hương mà chính ở điều kiện khách quan: địa hình núi cao, độ đốc lớn, chia cắt giao thông. Thậm chí từ bản này không thể thấy bản kia bởi vướng dãy núi cao trước mặt. Đất dốc, mỗi mùa mưa qua đi, màu vàng của đất lại nhạt thêm mấy phần, cũng vì thế cây ngô, lúa nương chỉ lớn được khi còn nhỏ và lụi dần về cuối vụ. “Đói đầu gối phải bò”, đồng bào đành “nuốt nước mắt vào trong” để xuống tay phát đi những cánh rừng tái sinh, đốt thêm thảm cỏ làm nơi cày cấy, gieo hạt. Nương bạc màu cũng vì thế thêm rộng, rừng vàng thu hẹp và sự khốn khó trong cuộc sống vẫn thường trực bủa vây.

Nghèo khó thường luôn làm bạn đồng hành với lạc hậu, thất học và đôi bạn ấy khiến cho cuộc sống của bà con chỉ nỗ lực với mục tiêu lớn nhất là: có nhiều hơn những bữa no. Và no để không nghe tiếng khóc của con trẻ khi đến bữa, no để vợ chồng không bất hòa vì chuyện cơm áo gạo tiền, để không đau ốm phải mời thầy mo, thầy cúng làm lí đuổi con ma; không còn nghiện hút và trộm cắp... chứ chưa hề dám mong ước cao sang hơn.

Ông Phùng Chừ Giá - Trưởng bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum từng một thời rất trăn trở với sự nghèo của dân bản nhưng cũng “bất lực” bởi cộng dồn nhiều cái khó từ cả chủ quan lẫn khách quan. Ông Giá phân trần: Dân khổ bản thân mình cũng thấy có lỗi, nhưng khả năng có hạn. Khi ấy nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ sản xuất nhiều chứ nhưng quan trọng là dân không biết làm và duy trì hiệu quả. Tôi luôn mong có cán bộ về bản biết cách nói để dân hiểu nhanh, làm dễ.

Và, nguyên nhân sâu xa hơn là Đảng chưa thực sự làm “tròn” sứ mệnh soi đường, chỉ lối bởi hệ thống chính trị của xã cơ bản hoạt động nề nếp nhưng thiếu về số lượng, hạn chế chất lượng. Một số cán bộ, đảng viên trình độ văn hóa thấp, chưa qua đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị. Số ít đảng viên còn vi phạm Điều lệ Đảng, thiếu tính chủ động, hiệu quả, chất lượng công tác chưa cao. Đặc biệt là tình trạng bản “trắng” chi bộ, chi bộ hoạt động yếu kém dẫn đến không có đảng viên để phát huy vai trò tiền phong và đảng viên nói dân không tin, làm dân không nghe. Hệ quả là chủ trương, nghị quyết không đưa được vào cuộc sống. Thời điểm đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới trên 80%. Phong tục tập quán lạc hậu, đời sống khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên đồng bào dễ bị các thế lực thù địch, phần tử xấu lôi kéo, lợi dụng vi phạm pháp luật, sa vào tệ nạn xã hội …

Nỗ lực xóa “yếu”, giảm “trắng”

Xác định vai trò tiên phong của Đảng, chia sẻ khó khăn với vùng khó, tháng 5/2010, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phân công, điều động Trung tá Nguyễn Văn Minh - nhân viên Đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Hua Bum về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Hua Bum. Không đầy 2 ngày sau khi nhận quyết định, Trung tá Minh khoác ba lô men theo con đường mòn trơn trượt về nơi “thị nhậm” mới - trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hua Bum.

Chiều hôm đó, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương đón anh bằng tiệc ngọt nhẹ nhàng với sự kỳ vọng thêm “luồng gió mới” giúp xã nghèo đổi thay. Từ “vị ngọt” của ngày đầu gặp gỡ ấy, người lính biên phòng thêm quyết tâm bám trụ và tự nhủ “làm gì đó cho quê hương thứ 2 này”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Minh kể: Ngay trong buổi làm việc đầu tiên, ngoài những thông tin có được khi còn công tác tại đơn vị, qua báo cáo sơ bộ và sự nặng lòng trăn trở của các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã, tôi cảm nhận rõ nhất là sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù là xã biên giới nhưng Hua Bum không phải “trắng tay” về tiềm năng phát triển kinh tế mà nhiều lợi thế: đồng đất rộng, nguồn nhân lực dồi dào, có thể khai thác tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và chăn nuôi theo nhóm hộ tập trung. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư lớn của Chính phủ, tỉnh thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo và đề án 3 dân tộc đặc biệt khó khăn, xây dựng nông thôn mới... là tiền đề nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân. Vậy sao Hua Bum vẫn có tỷ lệ hộ nghèo cao? Câu hỏi ấy khiến Trung tá Nguyễn Văn Minh nhiều đêm thao thức, đôi lúc lại giật mình tỉnh giấc vì giấc mơ đổi thay Hua Bum khó thành.

Hằng đêm, trong căn phòng nhỏ nơi hẻm núi, anh vặn to ngọn đèn dầu rồi lật giở tất cả tài liệu, báo cáo của xã, đề án do tỉnh, huyện triển khai thời gian qua liên quan đến địa phương để tìm lời giải cho bài toán đã làm khó biết bao thế hệ lãnh đạo của xã. Nghiên cứu thực tế qua báo cáo, tổ chức họp bàn nắm tình hình rồi tìm hiểu tại cơ sở, anh cũng đúc kết và chứng minh chân lý: vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng không thể phủ nhận trong mọi thời điểm, hoàn cảnh. Và, Hua Bum đang thiếu điều này, giờ đây thực sự cần xây dựng Đảng bộ xã với những đảng viên đúng nghĩa từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân phục vụ.

Sau rất nhiều cân nhắc, anh mạnh dạn trình bày quan điểm với Thường trực Đảng ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, nhất là chi bộ trực thuộc. Đột phá là phát triển đội ngũ, nâng cao tính chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên thông qua tạo nguồn, bồi dưỡng nhân tố tích cực để chi bộ xem xét, kết nạp; bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Nhận được sự đồng thuận cao, để triển khai, anh tham mưu Đảng ủy cụ thể hóa nghị quyết, ban hành và thực hiện quy định đảm bảo chặt chẽ, đúng nguyên tắc về công tác cán bộ. Trong đó, chú trọng rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Từ năm 2010 đến nay, xã đã cử 15 lượt cán bộ đi đào tạo về chuyên môn và lý luận chính trị. Chất lượng quy hoạch nâng lên đảm bảo cả quy hoạch cán bộ trước mắt và lâu dài. Công tác đánh giá, nhận xét cán bộ dân chủ, minh bạch, đúng quy trình, quy định. Năm 2011, số cán bộ công chức cấp xã chưa qua đào tạo chiếm 65,2% thì hiện nay cơ bản đã qua đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tập trung đóng góp trí và lực cho xã nghèo khởi sắc.

Giải quyết cơ bản khó khăn về đội ngũ cán bộ, công chức trong xã, anh Minh đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã họp bàn, thông qua đối với việc khắc phục tình trạng “trắng” đảng viên, “yếu” chi bộ. Đảng viên luôn đóng vai trò nòng cốt, tiên phong đối với các hoạt động, phong trào tại cơ sở, vậy nên trắng đảng viên đồng nghĩa với vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ không thể phát huy. Chi bộ yếu không thể lãnh đạo Nhân dân đối với các nhiệm vụ chính trị. Cùng với cử các đồng chí Đảng ủy viên, phân công đảng viên là giáo viên, công chức xã tham gia sinh hoạt cùng chi bộ bản để hướng dẫn tổ chức sinh hoạt định kỳ, ghi sổ nghị quyết và đưa nghị quyết vào cuộc sống, Đảng bộ chỉ đạo các chi bộ, đoàn thể xã, bản phát động phong trào thi đua, tuyên truyền, vận động, khuyến khích đoàn viên, hội viên, quần chúng tích cực hưởng ứng để tìm nhân tố giới thiệu cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp.

Mặc dù hiện thực hóa chủ trương đó không hề dễ dàng nhưng đến thời điểm này, Đảng bộ xã Hua Bum đã có 10 chi bộ với 110 đảng viên, đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm trên 76% (tăng 4 chi bộ, 35 đảng viên so với năm 2010). 100% bản, trường học, trạm y tế thành lập được chi bộ. Hầu hết các chi bộ cơ sở đều khẳng định được vai trò lãnh đạo toàn diện, phát huy được tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Trong sự khởi sắc ở mỗi bản làng luôn có bóng dáng của những người lính quân hàm xanh. Trong ảnh: Cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hua Bum hướng dẫn người dân bản Chang Chảo Pá (xã Hua Bum) nhận biết về mốc quốc giới.

Trong sự khởi sắc ở mỗi bản làng luôn có bóng dáng của những người lính quân hàm xanh. Trong ảnhCán bộ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hua Bum hướng dẫn người dân bản Chang Chảo Pá (xã Hua Bum) nhận biết về mốc quốc giới.

Ông Pờ Lò Po - Bí thư Đảng ủy xã Hua Bum khẳng định: “Với sự tham gia góp sức của đồng chí Minh và lực lượng bộ đội biên phòng, hệ thống chính trị từ xã đến bản được củng cố, kiện toàn. Phương thức lãnh đạo từng bước đổi mới, việc ban hành nghị quyết của cấp ủy sát hơn, trúng hơn. Năng lực lãnh đạo, điều hành của HĐND, UBND hiệu quả, đúng và trúng; chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước nâng lên. Các đoàn thể chính trị xã hội đổi mới phương thức hoạt động. Công tác phát triển Đảng, xóa bản trắng đảng viên được quan tâm. Xã Hua Bum được thực hiện nhất thể hóa đối với chức vụ Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND xã, do đó công việc điều hành chỉ đạo của Đảng ủy, sự thống nhất về chủ trương khi đưa ra các quyết sách của địa phương được thuận lợi và có tính thống nhất cao, mang lại hiệu quả tích cực và rõ rệt trong thời gian qua. Hua Bum thực sự khởi sắc sau gần 10 năm nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hơn hết là đổi thay tích cực trong tư duy của đồng bào các dân tộc nơi đây".

Khi đến thăm nhà và thể hiện sự ngưỡng mộ đối với những đóng góp trong xây dựng nông thôn mới của cá nhân ông Lò A Lơi (dân tộc Mảng, người uy tín ở bản Pa Cheo, xã Hua Bum), ông tủm tỉm: Nhờ cán bộ Minh khuyến khích, động viên, hướng dẫn cả đấy. Mình là thế hệ cũ, học không bao nhiêu lại già rồi tiếp thu cái mới cũng khó, phải nhờ những cán bộ trẻ như đồng chí Minh hướng dẫn nhiều lần rồi mới về tự làm và đúc rút kinh nghiệm để tuyên truyền, chỉ cho bà con áp dụng đúng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Thêm nữa là vận động 15 gia đình hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng 200m đường bê tông nội bản, huy động ngày công xây dựng nhà văn hóa bản, tu sửa nhà trẻ, trường mẫu giáo... trong xây dựng nông thôn mới. Vì nông thôn mới là mình làm mình hưởng, đâu có thiệt.

Có người từng ví Đảng bộ xã là “cái đầu tầu” với sứ mệnh dẫn dắt, sao cho đời sống Nhân dân ngày một no ấm hơn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo và nhất là góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền biên giới phần lãnh thổ Quốc gia. Và, Đảng bộ xã Hua Bum đã hiện thực hóa điều đó. Từ chỗ phải hỗ trợ cứu đói hàng năm, đến nay bà con chủ động được lương thực tại chỗ; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng (tăng gần 6 triệu đồng so với năm 2012), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 40,77%. 4/6 bản có điện lưới Quốc gia, được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường; tỷ lệ che phủ rừng đạt 64%...Trên địa bàn xã còn thành lập được 18 tổ tự quản an ninh trật tự, 4 tổ tự quản đường biên cột mốc, bà con chung sức, đồng lòng cùng bộ đội biên phòng giữ vững chủ quyền an ninh biên giới. 

Ghi nhận những đóng góp của Trung tá Nguyễn Văn Minh là những tấm giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành, nhưng với anh, vinh dự, tự hào hơn cả là đã đóng góp được “chút gì đó” cho biên cương.

(Còn nữa)

Nguyễn Hồng Đức

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...