Thứ sáu, 29/03/2024, 05:36 [GMT+7]

Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc

Thứ năm, 02/03/2023 - 15:06'
(BLC) - Quản lý tuyến biên giới dài hơn 265km, trải dài trên 4 huyện biên giới với 22 xã/211 bản biên giới, bằng nhiều việc làm cụ thể, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lai Châu đã góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Pa Tần là xã biên giới của huyện Sìn Hồ với gần 13km đường biên giới tiếp giáp với Trấn Thèn Phà, huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Toàn xã có 14 bản với hơn 1.000 hộ dân tộc Kinh, Thái, Mông, Mảng cùng sinh sống.

Cán bộ, chiến sỹ các Đồn Biên phòng thường xuyên cùng với lực lượng dân quân tự vệ, Nhân dân tuần tra biên giới.

Cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng thường xuyên cùng với lực lượng dân quân tự vệ, Nhân dân tuần tra biên giới.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Pa Tần đã cùng Đồn Biên phòng Pa Tần phối hợp triển khai, thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Từ năm 2022 đến nay, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra biên giới được 91 lượt, với 455 lượt người tham gia. Xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Gắn kết tình quân dân khu vực biên giới; kịp thời ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được; hướng tới chào mừng kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống BĐBP (3/3/1959 – 3/3/2023) và 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 – 3/3/2023), Ủy ban MTTQ Việt Nam, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh vừa phối hợp với huyện Sìn Hồ lựa chọn xã Pa Tần tổ chức điểm Ngày hội Biên phòng toàn dân năm 2023. Đây là hoạt động ý nghĩa thiết thực động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pa Tần cùng đồng bào các dân tộc địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia vững mạnh toàn diện trong tình hình mới.

Cùng với chỉ đạo tổ chức đồng loạt Ngày hội biên phòng toàn dân tại các xã biên giới, các đồn biên phòng còn triển khai nhiều mô hình, phần việc ý nghĩa để Nhân dân khu vực biên giới cùng hưởng ứng tham gia, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Có thể kể đến mô hình nuôi gia súc tập trung (Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, Pa Ủ); trồng chuối thương phẩm (Đồn Biên phòng Huổi Luông); nuôi dê sinh sản tại các xã Pa Vây Sử, Mồ Sì San; nuôi cá tầm, cá hồi tại xã Pa Vây Sử (Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải); mô hình trồng cây sa nhân, mắc-ca tại địa bàn các đồn biên phòng tuyến Mường Tè… Và, gần đây nhất là “Lũy tre biên thùy” của Đồn Biên phòng Huổi Luông phối hợp với UBND xã Huổi Luông, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phong Thổ, thành phố Lai Châu tổ chức.

Mô hình “Lũy tre biên thùy” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ biên giới.

Mô hình “Lũy tre biên thùy” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ biên giới.

“Lũy tre biên thùy” là mô hình trồng tre Bát Độ trên biên giới. Phạm vi trồng tre dọc theo đường biên giới, từ mốc giới số 57 đến mốc giới số 60, dài gần 3km, thuộc bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông. Với mục đích phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Giúp người dân dễ nhận biết đường biên giới, tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép; tạo sinh kế. Do đó, toàn bộ diện tích được bàn giao cho các hộ dân của bản Hồ Thầu chăm sóc, quản lý.

Không chỉ triển khai mô hình kinh tế theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, những người lính quân hàm xanh còn thực hiện “4 cùng” tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới Nhân dân; giúp đỡ hộ dân có hoàn cảnh khó khăn về ngày công lao động; tham gia xây dựng nông thôn mới…

Tích cực đồng hành và thực hiện hiệu quả công tác dân vận, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh còn ký kết chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Dân tộc, Hội Nông dân tỉnh vận động hội viên phụ nữ, hội viên nông dân và Nhân dân các dân tộc tham gia phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Từ việc trọng dân, lấy dân làm gốc, đến nay, trên địa bàn biên giới của tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 203 tổ “Tự quản an ninh, trật tự bản” với 1.219 thành viên; 88 nhóm hộ với 649 thành viên đăng ký, tham gia “Tổ tự quản đường biên, cột mốc” và đang tự quản 223,189km đường biên giới, 77 cột mốc, 2 kè biên giới. Vận động 1.218 hộ dân ký cam kết không tham gia, không tiếp tay cho các hoạt động xuất, nhập khẩu trái phép, trộm cắp, phá hoại công trình bảo vệ biên giới. Thông qua những tin tố giác tội phạm của Nhân dân, BĐBP tỉnh đã phá được nhiều chuyên án, vụ án lớn về ma tuý, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu qua biên giới.

Những việc làm thiết thực và hiệu quả, khối đoàn kết quân – dân trên địa bàn các xã biên giới của tỉnh Lai Châu ngày càng gắn bó bền chặt. Đó chính là cơ sở tạo sức mạnh “thế trận lòng dân” vững chắc để tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia ngay từ cơ sở. 

Phương Ly - Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...