Thứ năm, 25/04/2024, 22:44 [GMT+7]

Cảnh giác phòng, chống cháy, nổ

Thứ năm, 15/09/2022 - 08:30'
Vụ cháy quán karaoke An Phú ở phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương ngày 6/9 vừa qua làm 32 người chết tại chỗ, một người bị thương chết trong bệnh viện sau đó cùng 17 người bị thương, khiến dư luận, người dân cả nước bàng hoàng, xót xa. Vụ việc đau lòng này xảy ra sau vụ cháy quán karaoke cao 5 tầng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến ba cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an quận Cầu Giấy hy sinh chỉ hơn một tháng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc để những vụ việc đau lòng tương tự không còn xảy ra.

Tập huấn nâng cao công tác phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: BỘ CÔNG AN

Tập huấn nâng cao công tác phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: BỘ CÔNG AN

Hoảng hồn với vi phạm về PCCC của quán karaoke

Thông tin về công tác kiểm tra và giám sát của lực lượng chức năng đối với quán karaoke An Phú ngay sau sự việc đau lòng trên, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An khẳng định: Công an địa phương thường xuyên kiểm tra đối với cơ sở này trong quá trình hoạt động. Cụ thể, ngày 8/10/2019, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an thị xã Thuận An (trước đây) đã tiến hành kiểm tra, ghi nhận việc chấp hành quy định an toàn về PCCC và tiếp tục hướng dẫn cơ sở này duy trì các điều kiện an toàn PCCC. Năm 2021, lực lượng chức năng thực hiện hai lượt kiểm tra công tác PCCC và CNCH, qua đó đã kiến nghị 10 nội dung để buộc cơ sở phải thực hiện nhằm bảo đảm an toàn về PCCC. Gần đây nhất, ngày 27/4 vừa qua, lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp tục kiểm tra, ghi nhận việc chấp hành quy định về an toàn PCCC của quán karaoke An Phú.

Sau đợt kiểm tra này, Cảnh sát PCCC và CNCH địa phương cũng lại tiếp tục hướng dẫn cơ sở phải duy trì các điều kiện an toàn PCCC theo quy định. Tuy nhiên, khi xảy ra cháy tại đây, cửa thông gió để tạo sự thông thoáng và lối thoát hiểm cho những người bên trong quán trong trường hợp xảy ra cháy nổ vẫn không thấy đâu. Bằng chứng là đã có rất nhiều người phải nhảy từ trên các tầng cao xuống phía dưới và trong số 17 nạn nhân bị thương, đã và đang được điều trị, có hai người bị thương rất nặng, đối mặt với nguy cơ tàn phế suốt đời do chấn thương sọ não và chấn động cột sống vì phải nhảy từ trên cao xuống để thoát thân.

Ngoài vi phạm về PCCC, theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Công an TP Thuận An cũng đã tổ chức kiểm tra hành chính về an ninh trật tự năm lần đối với quán karaoke này. Qua kiểm tra, công an cũng đã ra quyết định xử phạt tiền về các hành vi hoạt động quá giờ, không giao kết hợp đồng lao động… Chứng kiến hình ảnh Cảnh sát PCCC và CNCH đưa những nạn nhân xấu số với thi thể bị cháy đến biến dạng từ phía trong quán karaoke An Phú ra ngoài, ông T.H - một người dân địa phương thở dài cho hay: “Sẽ từ bỏ thú vui hát hò, tiêu khiển ở karaoke hay quán bar vì chả biết chỗ nào an toàn, chỗ nào là không an toàn”.

 Tập huấn nâng cao công tác pccc tại các khu công nghiệp.


Tập huấn nâng cao công tác pccc tại các khu công nghiệp.

Sau vụ cháy gây hậu quả thảm khốc trên, nhiều tỉnh, thành phố đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra các điều kiện kinh doanh, nhất là việc bảo đảm an toàn về PCCC của quán karaoke. Từ việc đồng loạt ra quân kiểm tra 135 quán karaoke trên địa bàn vào tối 7/9, Công an tỉnh Đồng Nai đã kịp phát hiện đến 50 quán vi phạm các quy định về PCCC. Trong đó, tại địa bàn đô thị đông dân cư là TP Biên Hòa, công an phát hiện có đến 29 quán vi phạm. Tiếp đến là địa bàn huyện Tân Phú có năm quán, Định Quán có bốn quán, Long Khánh có ba quán, Nhơn Trạch ba quán, Trảng Bom hai quán, Cẩm Mỹ một quán, Xuân Lộc một quán, Vĩnh Cửu một quán và Long Thành một quán.

Như vậy, hầu hết các huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai đều có quán karaoke vi phạm khi bị kiểm tra. Các lỗi vi phạm chủ yếu của những quán karaoke được kiểm tra là thiếu kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy và chữa cháy định kỳ; chưa lắp đặt hệ thống báo cháy tự động; chưa lắp đặt bảng chỉ dẫn thoát nạn; đèn chiếu sáng sự cố hỏng; chưa trang bị bổ sung máy bơm chữa cháy dự phòng; máy bơm chữa cháy hoạt động không bảo đảm; cửa thoát nạn, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn, đường thoát nạn không đủ kích thước, số lượng theo quy định; chưa thiết kế, lắp đặt hệ thống báo cháy tự động; hàng hóa, vật tư chắn lối thoát nạn; hệ thống báo cháy không hoạt động; chưa xây dựng phương án cứu nạn. Thậm chí có một số cơ sở còn chưa được thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC, chưa trang bị đầy đủ thiết bị, công cụ PCCC tại chỗ nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Để xử lý các quán karaoke vi phạm quy định về PCCC, ngoài xử phạt theo quy định, cơ quan chức năng yêu cầu các chủ kinh doanh karaoke phải khắc phục trong vòng bảy ngày. Nhưng đặt vấn đề nếu trong vòng bảy ngày này, các quán karaoke vi phạm xảy ra cháy trong khi vẫn được hoạt động, thì hậu quả sẽ ra sao?

Hoạt động kinh doanh, karaoke được đánh giá là lĩnh vực “nhạy cảm” nên nó đòi hỏi khá nhiều điều kiện đi kèm nếu muốn kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong đó có giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC là chướng ngại mà tất cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke phải vượt qua.


Xử phạt và vẫn tồn tại?

Đến nay, bài học về PCCC và CNCH vẫn còn nguyên giá trị sau 20 năm xảy ra vụ cháy gây hậu quả thảm khốc tại tòa nhà ITC ở trung tâm TP Hồ Chí Minh. Mặc dù tòa nhà chỉ cao bảy tầng, diện tích 6.500m2 với bốn mặt tiền đường lớn, nhưng vụ cháy xảy ra bên trong đã khiến 60 người chết, 70 người bị thương. Nguyên nhân gây cháy cũng hết sức đơn giản là vảy hàn từ việc sửa chữa vũ trường Blue bên trong tầng 3 tòa nhà gây cháy.

Tiếp đó là vụ cháy xảy ra tại chung cư Carina ở quận 8 vào năm 2018 làm 13 người chết, 60 người bị thương cũng do vi phạm về quy định về PCCC. Vụ cháy xảy ra tại quán karaoke An Phú xảy ra tối 6/9 vừa qua tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh không thể quên với cả xã hội. Song, những hồi chuông cảnh tỉnh như thế này còn kéo dài đến khi nào thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Bởi nguy cơ cháy nổ vẫn đang hiện hữu hằng ngày, đe dọa đến an toàn tài sản, tính mạng của người dân, nhất là ở các đô thị lớn.

Báo cáo về tình hình cháy, nổ và công tác CNCH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI và Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an Thành phố cho biết, trong vòng 5 năm gần đây, tại thành phố đã xảy ra 4.813 vụ cháy làm 75 người chết, 209 người bị thương. Ngoài ra, còn có sáu vụ nổ làm ba người chết và chín người bị thương. Trong đó, số vụ cháy do sự cố, sơ suất trong quá trình sử dụng các hệ thống, thiết bị điện chiếm đến gần 39,5%. Trong số này, dù số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng chỉ có 88 vụ, nhưng đã tăng đến 38 vụ so với giai đoạn trước đó làm 75 người chết, 84 người bị thương cũng như gây thiệt hại đến 80 nghìn m2 diện tích nhà xưởng của doanh nghiệp, nhà dân. Các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng này cũng chủ yếu xảy ra vào ban đêm, thời điểm dừng hoạt động của doanh nghiệp và lúc người dân nghỉ ngơi do sự cố các hệ thống, thiết bị điện sinh hoạt, sản xuất.

Mặc dù những năm qua, công tác phòng, chống cháy, nổ luôn được các cấp, ban, ngành, chính quyền đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, nhưng thực tế hiểm họa từ cháy nổ vẫn cứ rình rập quanh cuộc sống của người dân. Vì vậy, đã đến lúc chính quyền các địa phương, nhất là các cấp chính quyền cơ sở cần hy sinh một phần lợi ích kinh tế cũng như nhu cầu của người dân để kiên quyết dừng hoạt động đối với những cơ sở kinh tế và các địa điểm vui chơi, giải trí tập trung đông người không bảo đảm an toàn. Bởi nói như một người dân chứng kiến vụ chữa cháy, cứu nạn ở quán karaoke An Phú, thì “muốn vui chơi, giải trí hay tiêu khiển gì cũng phải bảo đảm an toàn tính mạng trước đã”.

 Công tác phòng cháy cần được chú trọng. Tránh để xảy cháy sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.


Công tác phòng cháy cần được chú trọng. Tránh để xảy cháy sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Tập trung tuyên truyền cho người dân

Sau một thời gian chống chọi với dịch bệnh, cho tới thời điểm hiện tại thì hầu hết các loại hình vui chơi giải trí của Thủ đô đều rục rịch tái khởi động nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí đang rất cao của người dân Thủ đô cũng như của khách du lịch. Những bức xúc từ khi còn đại dịch rõ ràng ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người dân. Vậy, nên nhu cầu tham quan, đi lại và sử dụng các dịch vụ vui chơi giải trí là nhu cầu thực tế, cần thiết và cần được đáp ứng.

Nhận định từ phía cơ quan chức năng cho thấy, khi xã hội càng phát triển thì nhu cầu vui chơi giải trí đương nhiên ngày một tăng cao. Việc giải tỏa bớt những điều stress trong cuộc sống nhằm cân bằng trạng thái tinh thần chính là nguyên nhân karaoke được nhiều người sử dụng. Chính nhu cầu sử dụng âm thanh có cường độ cao, ở trong môi trường không gian đô thị khiến cho thực tế tất cả các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này đều có đặc điểm kiến trúc khá đặc biệt. Tất cả các cơ sở đều phải cách âm rất kín để tránh gây tiếng ồn ra các khu vực lân cận. Chưa kể, trên thực tế, mặt trước công trình hầu hết đều được che chắn bởi hệ thống biển quảng cáo tấm lớn có hệ thống dây điện chằng chịt. Điều kiện thông gió gần như không có. Những nguyên vật liệu sử dụng để cách âm hầu hết là bông thủy tinh, xốp, hệ thống rèm thảm là thứ rất dễ bén lửa, tạo nhiều khói và có tốc độ lan cháy cực nhanh. Những thứ vật liệu này vừa dễ cháy, vừa tạo ra khói và khí độc khiến cho không gian khu vực xảy cháy trở thành vùng khói lửa tử thần đối với những người có mặt trong không gian ấy.

Chưa kể tới việc sử dụng các loại thiết bị điện, điện tử với công suất lớn và hoạt động cường độ cao như điều hòa, thiết bị âm thanh, ánh sáng dễ dẫn đến tình trạng quá tải, chập mạch gây xảy cháy. Có thể thấy thực tế là nhiều quán karaoke tại Hà Nội đều được cải tạo công năng từ nhà ở. Với dạng nhà ống được xây dựng san sát, công tác chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn là điều khó khăn với cơ quan chức năng.

Cho đến tận bây giờ, vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tại 68 Trần Thái Tông, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy (Hà Nội) ngày 1/1/2016 đã khiến cho 13 người thiệt mạng vẫn còn là một bài học đau lòng đối với công tác PCCC của Thủ đô. Những tưởng các cố gắng để công tác PCCC trong môi trường kinh doanh dịch vụ này được bảo đảm nhằm hạn chế hết mức thiệt hại về người ở thành phố này thì vụ cháy ở cơ sở karaoke 231 Quan Hoa khiến cho ba cán bộ chiến sĩ công an Hà Nội hy sinh một lần nữa cho thấy nguy cơ chết người luôn hiện hữu.

Như đã nói ở trên, để thực hiện công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh ở Hà Nội khó, nên cho tới thời điểm hiện tại, khá nhiều cơ sở đang phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa nhằm chuẩn hóa các yêu cầu của cơ quan chức năng. Điều này là đòi hỏi đương nhiên từ thực tế nếu như không muốn nói rằng, đáng ra các yêu cầu này phải được thực hiện từ trước khi có hậu quả tồi tệ xảy ra. Bởi những yêu cầu về công tác PCCC trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện chẳng phải bây giờ mới có.

Nhìn lại hầu hết các vụ cháy liên quan tới dịch vụ karaoke, hầu hết đều từ những lý do sửa chữa, bắn tia lửa hàn hay chập điện. Những bất cẩn từ phía người sử dụng lao động gây cháy là nguyên nhân trực tiếp khiến cho các vụ hỏa hoạn xảy ra, song thực tế cũng đòi hỏi phải có những chế tài cụ thể và phù hợp đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi rõ ràng là chức năng giám sát, kiểm tra của các cơ quan này chưa được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tới tính mạng con người.

Nhìn từ thực tế trong công tác PCCC của Thủ đô, những khuyến cáo từ chính quyền đối với người dân khi tham gia các hoạt động vui chơi giải trí trong không gian kín là cần thiết. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xây dựng những chế tài cụ thể và chặt chẽ hơn đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện. Thí dụ như đề xuất các cơ sở này phải có thiết kế ban đầu phù hợp, tránh việc hoán cải, cơi nới dễ gây hỏa hoạn mà lại khó cho công tác cứu hộ khi xảy ra những sự vụ đáng tiếc trong thời gian gần đây.

Cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt lớn về người như vậy, nhưng con số được Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng đưa ra còn khiến không ít người phải giật mình: Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 41.500 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và 12.481 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Ngoài ra, còn có đến 890 cơ sở hoạt động từ trước năm 2001 (thời điểm Luật PCCC có hiệu lực) chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC cùng 467 công trình xây dựng và cơ sở hoạt động chưa bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC tồn tại từ những giai đoạn trước!

Cập nhật, Thứ ba, ngày 13/09/2022/ THẮNG ĐỨC, MAI TÂM HIẾU/nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...