Thứ năm, 25/04/2024, 10:55 [GMT+7]

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật

Thứ ba, 24/11/2020 - 14:58'
(BLC) - Sáng nay (24/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.

Tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND, Thường trực HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh dự.

Tại Hội nghị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày báo cáo tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016 - 2020. Thực tế, hệ thống pháp luật của nước ta giai đoạn 2016 - 2020 không ngừng hoàn thiện, trên mọi lĩnh vực. Hầu hết, các lĩnh vực của đời sống, xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.

Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 112 văn bản, trong đó có 71 luật, 2 pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội, 17 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (giảm 8 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015). Chính phủ ban hành 745 nghị định (tăng 24 nghị định so với giai đoạn 2011 - 2015). Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định (giảm 129 quyết định so với giai đoạn 2011 - 2015). Các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch (giảm 201 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015) và địa phương ban hành 92.799 văn bản gồm: 16.341 văn bản cấp tỉnh, tăng 2.552 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015.

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, số lượng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm so với giai đoạn 2011 - 2015. Điều đó, thể hiện chuyển dần theo hướng chỉnh tinh hệ thống pháp luật, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các luật, pháp lệnh, nghị định, đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế, xã hội.

Đối với văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tăng so với giai đoạn trước cho thấy trách nhiệm, vai trò của các tư lệnh ngành được đề cao theo sự phân cấp trong quản lý chỉ đạo, điều hành đối với ngành, lĩnh vực. Hay như Bộ Tư pháp, từ năm 2016 đến hết tháng 11/2020 đã thẩm định 1.516 văn bản, trong đó có 1.295 dự thảo, 137 đề nghị, 92 điều ước quốc tế. Ngoài việc thẩm định các dự án, dự thảo nêu trên, Bộ Tư pháp còn thẩm định các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định và thẩm định dự thảo nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Tham luận tại Hội nghị tập trung vào các chủ đề lớn như: thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật - thực tiễn và giải pháp; công tác lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thẩm tra, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện phản biện xã hội trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật - thực trạng và giải pháp; cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; một số vấn đề về công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật và kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao kết quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của cả nước thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Việc thể chế pháp luật là nhiệm vụ đột phá mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định cần thực hiện đúng quy định, kỷ cương trong văn bản pháp luật. Quy trình, mức độ ưu tiên đảm bảo chất lượng, tiến độ có sự phối hợp của các cơ quan trong việc lấy ý để hoàn thiện văn bản pháp luật.

Giai đoạn 2021 - 2030, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục quán triệt đầy đủ, thể chế hóa, phát huy vai trò trong tham mưu, đề xuất với Chính phủ những vấn đề cơ bản của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Tăng cường công tác phối hợp việc xây dựng luật, có dự báo sát với tình hình; đổi mới hoàn thiện các cơ chế, thực hiện tốt các quy định của luật. Rà soát theo dõi thi hành pháp luật đảm bảo nghiêm minh trong việc kiểm tra văn bản. Bộ Tư pháp xây dựng dự án luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Bộ Tài chính nghiên cứu giải pháp đảm bảo tài chính, nguồn lực cho xây dựng, thi hành pháp luật. Đẩy mạnh tăng cường công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong tình hình mới nhằm đưa đất nước tiến lên bằng thể chế pháp luật.  

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...