Thứ năm, 25/04/2024, 17:31 [GMT+7]
Lằn ranh sinh - tử: Hối tiếc muộn màng

Kỳ 1: Muôn nẻo u mê

Thứ tư, 26/10/2022 - 16:40'
Có vô vàn con đường dẫn đến phạm tội, có những cái chết đã được báo trước; có sự tự tước đoạt con đường sống của chính mình; có những sự lựa chọn sai lầm dẫn đến sa lầy và cả sự liều mạng đưa chân vì không còn con đường nào khác. Nhưng đau xót hơn, kẻ phạm tội còn kéo theo cả con, anh, chị, em thân tộc trong gia đình cùng cuốn vào con đường hiểm nguy đó. Dù biện minh thế nào, pháp luật cũng không nhân nhượng bất cứ hành vi phạm pháp nào.

Túng quẫn, cùng cực, hay thiếu hiểu biết?
Trời mới sang thu nhưng cái lạnh đã len lỏi khắp vùng quê phố núi San Thàng (thành phố Lai Châu) – nơi trụ sở Trại tạm giam Công an tỉnh nép mình dưới chân núi. Lạnh lẽo hơn, phía sau hàng dây thép gai chằng chịt như xé toạc bầu trời ấy là những kẻ phạm tội lắt lay chờ ngày trả án. Cái chết đang cận kề, giờ đây mỗi ngày thức giấc, được nhìn thấy ánh sáng mặt trời với họ cũng là một ân huệ của cuộc đời, bởi sự sống chỉ tính bằng ngày, bằng giờ.
T. T. D (43 tuổi, trú tại bản Pa Mu, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn) dẫu đậm đà, khỏe khoắn hơn cả chục lần so với ngày đầu nhập trại, song làn da xanh xao, thần thái mệt mỏi, bước đi chậm chạp sau nhiều ngày tháng mất tự do trong buồng giam. Nhưng so với thời điểm chưa bị bắt, sức khỏe D. vẫn khá hơn trước nhiều, bởi lúc đó cả hai mẹ con D. đều nghiện hút. Chồng mất, một mình gánh nhiệm vụ cả cha lẫn mẹ của 3 đứa con; của cải làm ra chẳng đủ nướng vào khói thuốc. Sức khỏe sa sút, tinh thần u mê, những phút giây tỉnh táo để kiếm tiền nuôi các con có lẽ chỉ thoảng qua như cơn gió.
Sau kết quả xử án của Tòa án Nhân dân tỉnh Lai Châu tuyên ngày 30/9 vừa qua, D. mang bản án tử hình do phạm tội mua bán trái phép chất ma túy với 6 bánh hêrôin, tổng trọng lượng 2.117gam. D. đã mua số hêrôin với giá 300 triệu đồng và tìm được người mua với giá 360 triệu đồng. Những tưởng D. làm D. chịu, ai ngờ, sau khi trao đổi thành công, D. đã rủ con trai là G.A.T đi giao hàng và cả 2 mẹ con đều bị bắt giữ khi đang trên đường đi tiêu thụ. T. bị Tòa tuyên án tù chung thân ở độ tuổi như cây măng rừng đang thoát bẹ tự vươn mình làm chủ cuộc đời.

Sự hối hận muộn màng của  một tử tù.

Sự hối hận muộn màng của một tử tù.

Tâm sự chúng tôi, D. như quên đi phút giây phải ngừng sự sống trong nay mai, kể tường tận quá trình gây án của mình cũng như tự đưa con trai mình vào chỗ chết. Cuộc sống đã dồn D. vào chỗ cùng cực, túng quẫn để rồi lựa chọn một con đường hiểm nguy mà không mảy may ý thức được.
Còn với số phận tử tù G.T.C (thường trú tại xã Dào San, huyện Phong Thổ) lại khác, song cũng không kém phần bi đát. Tuy chưa đầy 30 tuổi nhưng C. đã có 2 đời chồng với 5 đứa con. Người chồng đầu tự tìm đến cái chết, bỏ lại hết những đớn đau, thiếu thốn và gánh nặng là 3 đứa con cho C. 14 tuổi lấy chồng, nên lúc chồng ra đi, C. chưa hình dung hết những gian nan cực nhọc khi phải sống cuộc đời chồng góa, con côi. Những lo toan, vất vả không thể một mình vượt qua, C. quyết định đi bước nữa với người đàn ông khác sau 2 năm góa bụa. Có thêm người gánh vác, C. tiếp tục sinh thêm 2 con. Vậy là gánh nặng kinh tế nhân lên gấp bội với 5 đứa con thơ dại.
Trong 1 lần có người rủ đi chơi, được cho tiền, C. đã bị cuốn hút vào “miếng mồi” mà những kẻ gieo rắc “cái chết trắng” giăng bẫy. Thấy số lượng “hàng” lớn, C. tiếp tục rủ chị gái là G.T.V đồng hành. Trên chặng đường đó, nhiều lúc chị em C. muốn rút chân lại nhưng đã sa vào vũng lầy quá sâu, đành phải “theo lao”. Và điều gì đến sẽ đến, 2 chị em C. lần lượt phải chịu bản án nghiêm khắc của pháp luật về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”. C. chịu mức án tử hình, còn chị gái chịu mức án chung thân sau kết quả xét xử của Tòa cuối tháng 9 vừa qua. Giờ đây, 5 đứa con của C. sẽ ra sao khi mất mẹ, trong đó có 3 con mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cuộc sống của chúng sẽ ra sao? Chồng của V. (chị gái C.) cũng đang chấp hành án đặc biệt nghiêm trọng. Những đứa trẻ bơ vơ không còn nơi nương tựa sẽ đi về đâu?
Tình mẫu tử đánh thức lương tri
Sự hồn nhiên vô tư lự của phạm nhân T.T.D chỉ vụt tắt khi tôi hỏi về những đứa con của thị, trong đó có đứa con gái út năm nay mới 7 tuổi. Từ đó, câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng nấc nghẹn không cất nên lời. Khi tôi hỏi, người thân có thường xuyên đến thăm không, thị chỉ lắc đầu, những giọt nước mắt lã chã rơi, nỗi buồn thẳm sâu trong đôi mắt người mẹ. “Giờ tôi không biết con tôi ở đâu?, ai nuôi nó?. Thương lắm, nhiều đêm tôi không ngủ được, nghĩ đến con mà héo ruột, héo gan” – D. nghẹn ngào nói không thành tiếng. Có lẽ, ngay cả cái chết cận kề cũng không hãi hùng bằng nỗi lo khi thị đi rồi, 3 đứa con, 1 đứa án chung thân, ở tù đến hết đời, còn lại 2 đứa lấy ai làm điểm tựa khi cả 2 bố mẹ đều lần lượt ra đi. Trong nỗi tiếc thương con, tôi biết, D. cũng như hàng trăm, hàng nghìn phạm nhân nữ đã sinh con, họ chỉ ước thời gian quay ngược để được làm lại, sống cuộc đời người mẹ dung dị như bao cuộc đời khác; không vô tình “giết con” bằng cách bắt con trai mình lĩnh án chung thân, nhưng, mọi sự “giá như” đều có giá rất đắt.
Cũng với lương tâm giằng xé sau nhiều đêm suy nghĩ, đôi mắt thâm quầng, nước mắt giàn dụa, G.T.C giãi bày với sự ăn năn day dứt không nguôi. Với sự hoạt ngôn của mình, mỗi lời nói của C. đều là những tiếng kêu xé lòng của người mẹ: “Giờ chắc cũng vào năm học mới rồi, không biết con tôi có được cắp sách đến trường? Có được ai chăm sóc, cho ăn, uống, ngủ, nghỉ hay không? Tôi biết mình đã quá sai rồi, vì tôi mà chị gái, bố mẹ, chồng, các con tôi phải khổ. Giờ tôi mới 28 tuổi, tôi còn trẻ, tôi khát khao được sống, được hoàn lương, được làm một người bình thường để con tôi có mẹ… Mỗi tiếng nấc là mỗi lần đôi bàn tay của C. vò vào nhau nhàu nát, vẫn ở trong cái vòng luẩn quẩn ấy, không tìm được lối ra, hoàn toàn bế tắc bất lực, là dấu chấm hết cho một số phận.
Không biện minh cho tội ác của mình song C. đã nhận ra được rằng, do mình thiếu hiểu biết, không được học hành, không biết phải trái nên đã sa vào con đường lầm lỡ. Hai từ “giá như” của C. cũng muộn màng, đắng chát.
Tôi rời khỏi khu giam dành cho người bị kết án tử hình khi bóng chiều đen kịt, hàng trăm câu nói uất nghẹn của hai người mẹ cứ văng vẳng bên tai suốt đoạn đường dài. Cái cảm giác rờn rợn lúc đầu khi bước chân vào khu vực trại đã tan biến, thay vào đó là một nỗi buồn sâu thẳm, một sự nuối tiếc không thể cất lời. Vẫn biết, không còn lâu nữa, những tử tù trước mặt tôi sẽ phải đền tội, tôi vẫn ước “giá như” trước khi bước chân vào vòng xoáy tội ác, những người mẹ ấy có chút thời gian nghĩ về những người thân ruột thịt, về những đứa con, chúng sẽ sống ra sao khi cuộc đời không còn cha mẹ trên đời? Và cả những tự ti, tủi hổ khi bố mẹ chúng đã có những “vết nhơ” không bao giờ rửa sạch…
(Còn nữa)

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...