Thứ sáu, 19/04/2024, 23:24 [GMT+7]
Lằn ranh sinh - tử: Hối tiếc muộn màng

Kỳ 2: Thân tộc phạm tội - Nỗi đau còn mãi

Thứ sáu, 28/10/2022 - 14:22'
Trong 1 gia đình, dòng tộc có tới 2 người phạm trọng tội và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, là thực trạng đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua. Làm thế nào để nâng cao hiểu biết cho những đối tượng đang có ý định phạm tội thấy rõ tính nghiêm minh của pháp luật là nhiệm vụ nặng nề của các cấp, ngành. Giải quyết được phần gốc sẽ giảm được nhiều gánh nặng, hệ lụy cho xã hội.

*Kỳ 1: Muôn nẻo u mê

Ngỡ ngàng những con số
Số đối tượng bị kết án tử hình đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh khiến chúng tôi thực sự ngỡ ngàng, đau xót. Theo số liệu thống kê, hiện tại có đến 49 án tử hình; trong đó, từ năm 2020 đến nay, ghi nhận 12 vụ có các đối tượng phạm tội là người thân trong gia đình bao gồm: mẹ, con đẻ, mẹ vợ, con rể, chị em ruột, anh em họ, anh em rể, tăng 33% so với giai đoạn trước. Đáng chú ý là có 91,6% số vụ phạm tội về ma túy (43/49 án tử hình liên quan đến ma túy).
Chúng tôi được tiếp cận thông tin của một vụ án xảy ra tại bản Pa Mu, xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) vào ngày 14/7/2021. Sau nhiều ngày mật phục, theo dõi, lực lượng công an phối hợp với bộ đội biên phòng bất ngờ đồng loạt áp sát nơi ở của L.T.M (mẹ vợ) và P.V.B (con rể) phát hiện 2 đối tượng có hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 1 bánh hêroin. Trong vụ án này, hơn 150 cán bộ, chiến sỹ của 2 lực lượng đã được huy động thực hiện nhiệm vụ. Tiến hành khám xét khẩn cấp, lực lượng phá án tiếp tục thu giữ thêm 1 gói ma túy tổng hợp dạng hồng phiến, 6 gói thuốc phiện và 1 khẩu súng kíp. B. khai nhận đã mua 1 bánh hêrôin của một người đàn ông với giá 100 triệu đồng và cất giấu tại nhà mẹ vợ, dự định bán với giá 140 triệu đồng. Với khối lượng tang vật thu giữ, M. và B phải trừng trị đích đáng và chấp nhận mức án nghiêm khắc của pháp luật. Như vậy, trong 1 gia đình có tới 2 người phạm trọng tội, nỗi đau, sự tủi hổ và danh dự của người ở lại lấy gì để lấp đầy những năm tháng còn lại?

Lực lượng phá án bắt giữ đối tượng P.V.B.

Lực lượng phá án bắt giữ đối tượng P.V.B.

Đại tá Nguyễn Văn Luy - Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh phân tích, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng loại tội phạm này hầu hết là do nhận thức pháp luật hạn chế nên không tường tận được sự nguy hại do việc mình gây ra. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết đời sống khó khăn, thu nhập thấp, trong khi mua bán, vận chuyển ma túy đều mang lại lợi nhuận lớn nên các đối tượng không kiểm soát được lòng tham và bản lĩnh vượt qua cám dỗ, bị cuốn theo cơn lốc xoáy của đồng tiền. Trong số những đối tượng phạm tội, có kẻ phạm tội nhiều lần, sau khi ra trại lại bị rủ rê, lôi kéo, không thể đoạn tuyệt, từ chối những mối quan hệ trước nên tiếp tục sai lầm đi theo con đường cũ.
Qua nhiều vụ việc cho thấy, đồng bào các dân tộc có sự cố kết dòng họ cao; do đó, khi một người tham gia vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đều muốn lôi kéo người thân thực hiện cùng. Từ đó sẽ hình thành các ổ nhóm, đường dây ma túy khép kín trong gia đình, dòng họ. Điều này không những gây hậu quả nghiêm trọng, khôn lường, khi lực lượng công an phá thành công đường dây tội phạm thì sẽ có rất nhiều người trong gia đình, dòng họ bị liên lụy. Hậu quả là, nhiều gia đình tan vỡ; kẻ phạm tội phải đền tội, còn những người ở lại chịu nhiều tổn thất về tinh thần, vật chất, uy tín, danh dự. Nhiều vùng quê có định kiến với tội phạm, người thân của họ phải bỏ đi xứ khác sinh sống, tránh thị phi vây bủa.
Cũng chính thực trạng vi phạm pháp luật trong thân tộc, dòng họ đã gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, thu thập thông tin của lực lượng công an. Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm càng không dễ dàng khi các đối tượng kích động, dụ dỗ gia đình, dòng họ chống đối lại lực lượng chức năng.
Dẫn lối hoàn lương
Phía sau song sắt của cánh cửa trại giam bao giờ cũng là sự hối tiếc muộn màng với hàng trăm, hàng ngàn điều ước “giá như”. Nhưng không phải đối tượng nào bước qua song sắt đó cũng đều nhận ra hành vi phạm tội của mình, mà nhiệm vụ giáo dục, cải tạo phạm nhân, để họ nhận thức được hành vi mình gây ra cho xã hội là nguy hiểm, thậm chí là tội ác, để từ đó hoàn lương, biết đúng, biết sai lại có công sức rất lớn của cán bộ, chiến sỹ tại Trại Tạm giam Công an tỉnh. Bởi theo như trung tá Trần Xuân Dũng - Phó Giám thị Trại thì, không phải đối tượng thuộc diện tạm giam, tạm giữ nào vào trại cũng “thuần nết”, tu tâm, chấp hành quy định cải tạo. Dù họ không phá phách, quấy rối hay gào thét, nhưng mỗi đối tượng có những biểu hiện tâm lý khác nhau. Đối với những đối tượng án cao biết mình “tận số” thường bất cần, không hợp tác với cán bộ trại, không chấp hành nội quy cải tạo; bỏ cơm, tìm cách trốn trại hoặc tự tử, kết liễu đời mình. Thế nhưng với lương tâm và trách nhiệm của mỗi cán bộ tại Trại, nhiều đối tượng đã dần ổn định tâm lý, tập trung giáo dục, cải tạo tốt, sớm hoàn lương.
Cũng như trải lòng của trung úy Đặng Đình Chuyên - Quản giáo Trại Tạm giam: Làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục đối tượng tạm giam, tạm giữ tại trại, tôi phải nắm thật chắc tình hình diễn biến tâm lý. Hầu hết thời gian đầu mới nhập trại, tâm lý không ổn định, ngủ ít, họ nghĩ nhiều về hành vi phạm tội của mình. Những đối tượng biết mình mang trọng tội, đặc biệt là nữ thường nghĩ về con, buồn bã, khóc nhiều. Đặt mình vào tâm lý tội phạm, chúng tôi một phần chia sẻ với những hoàn cảnh đó, quan tâm đến chế độ ăn uống, tạo điều kiện thăm gặp thân nhân tiếp tế nên những đối tượng giam giữ tại đây cũng được an ủi phần nào. Lời trung úy Chuyên khiến tôi nhớ lại lời của tử tù G.T.C.: “Khi em vào trại, em mới biết nói tiếng phổ thông. Em được cán bộ trại động viên tinh thần, đưa cơm đầy đủ. Cán bộ ở đây càng đối xử tốt, em lại càng hối hận về những sai lầm…”.
Được biết, công tác giáo dục pháp luật, chính trị, tư tưởng cho các đối tượng tạm giam, tạm giữ cũng được Trại đặc biệt chú trọng. Mục đích cuối cùng là để các đối tượng nhận ra mình đã mắc những lỗi lầm gì? Tính chất, mức độ vi phạm của mình đã gây tổn hại đến gia đình, dòng tộc, xã hội ra sao? Để từ đó nghĩ đúng, làm đúng, chấp nhận trả giá cho những hành động sai lầm của chính mình.
Tôi nhớ rõ câu nói của đại tá Phạm Hải Đăng - Phó Giám đốc Công an tỉnh trong một cuộc trò chuyện mới đây: Trách nhiệm đấu tranh, phòng ngừa, phòng chống tội phạm là nghĩa vụ của mọi công dân, cơ quan, tổ chức, khi thấy có những dấu hiệu của tội phạm, mặc dù đó là người thân trong gia đình nhưng trách nhiệm của mọi người trước hết là phải ngăn chặn, khuyên giải, tố giác, báo với cơ quan công an phối hợp xử lý. Hành vi phạm tội không thể che giấu được mãi, sẽ bị phanh phui, chỉ là sớm hay muộn, đừng để suy nghĩ bồng bột phút chốc mà ảnh hưởng đến những người thân trong gia đình. Muốn phòng ngừa tội phạm, trước tiên phải từ trong gia đình, làng bản, dòng họ; từ thôn xóm tới khu dân cư… Tức là phải từ đơn vị thấp nhất, căn bản nhất của xã hội thì mới có hiệu quả. Đó cũng là cái gốc để xử lý vấn đề trong mối quan hệ với người thân phạm tội.
Không ai có quyền tước đoạt sự sống của bất cứ người nào, trừ khi đó là chính họ. 49 án tử hình đang treo lơ lửng trên đầu những kẻ phạm tội là do chính họ gây ra. Pháp luật Việt Nam luôn khoan hồng, nhân đạo, mở đường cho những ai lạc lối. Ngược lại, cũng sẽ trừng trị thích đáng cho mọi sai lầm, dẫu có trăm nghìn lý do.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...