Thứ bảy, 20/04/2024, 09:11 [GMT+7]
Ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật

Phát huy vai trò giáo dục, quản lý của gia đình

Thứ sáu, 31/12/2021 - 16:44'
Những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm trong thanh thiếu niên có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Thủ đoạn phạm tội của nhiều đối tượng có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng, thậm chí đã hình thành các băng nhóm nguy hiểm. Đây là hiện tượng rất đáng báo động, cần có những giải pháp quyết liệt để xử lý, ngăn chặn.

Liều lĩnh và manh động

Nhiều người hẳn chưa quên vụ việc chị Lê Thị Tr. (39 tuổi, quê ở huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa), làm việc tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) bị cướp xe gắn máy vào một đêm tháng 8-2021. Hôm đó, trong lúc di chuyển đến nơi thu gom rác tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), chị bị 4 thanh niên mới 18, 19 tuổi uy hiếp rồi cướp xe, mặc cho chị khóc lóc, van xin. Hay như vụ việc xảy ra tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên tháng 1-2021, do mâu thuẫn cá nhân, hai nhóm thanh niên của xã Tân Lập và xã Trung Hòa đã xô xát. Hậu quả là Lê Văn Hai, sinh năm 2003 tại xã Trung Hòa bị đối tượng Nguyễn Văn Nhớ, sinh năm 2001 tại xã Tân Lập đâm tử vong. Đối tượng Nguyễn Văn Nhớ khai nhận: "Hôm đó tôi đang đi chơi, tới vòng xuyến huyện Yên Mỹ thì xô xát với Lê Văn Hai. Tôi đã định bỏ đi nhưng Hai tiếp tục chửi nên tôi bức xúc cầm dao đâm Hai rồi bỏ chạy...".

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2018 đến quý I-2021, cả nước ghi nhận hơn 10.000 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.000 đối tượng có liên quan. Trong đó, nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm đến 95%. Riêng tại Hưng Yên, từ tháng 12-2020 đến tháng 11-2021 xảy ra 53 vụ vi phạm trật tự xã hội, trong đó có 227 đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đại úy Nguyễn Xuân Hưng, Đội trưởng Đội chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết: "Thời gian vừa qua, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật xảy ra nhiều trên địa bàn tỉnh. Đã có cháu bị khởi tố hình sự, thậm chí khởi tố về tội giết người”.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, phạm tội đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này là do các em đang trong độ tuổi trưởng thành, ham chơi, thiếu hiểu biết và dễ bị kích động, trong khi sự giáo dục, quản lý của gia đình, nhà trường còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Ngoài ra, định hướng xã hội đối với thanh thiếu niên còn mờ nhạt, chưa có nhiều sân chơi bổ ích, thiếu các chương trình giải trí lành mạnh...

vv


Cơ quan điều tra lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Văn Nhớ. 

Đẩy mạnh giáo dục từ gia đình

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Hiện nay, các bạn trẻ tiếp nhận thông tin từ internet, mạng xã hội nhanh, nhiều nhưng lại thiếu bộ lọc thông tin và đôi khi chính sự thờ ơ của cha mẹ đã vô tình đẩy con trẻ đến những hành động tiêu cực. Cần phải quan tâm làm tốt công tác tâm lý, truyền thông, giáo dục kỹ năng sống để trang bị cho thanh thiếu niên bộ lọc này. Nhà trường ngoài việc trang bị kiến thức phải chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh; công tác tham vấn trong học đường cũng phải được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh giáo dục, quản lý từ mỗi gia đình”.

Cùng quan điểm, Đại úy Nguyễn Xuân Hưng cho rằng, nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, gia đình, nhà trường và cả xã hội phải quan tâm quản lý, giáo dục con em mình bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. 

Luật sư Trần Văn Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định: “Hiện nay, những thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội đã ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ, hành động của một bộ phận thanh thiếu niên, là một trong những nguyên nhân khiến các em có hành vi vi phạm pháp luật. Các bậc phụ huynh cần quản lý, định hướng con em để hạn chế ảnh hưởng xấu từ internet. 

Theo quy định, nếu trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật mà chưa đến mức xử lý hình sự hoặc hành chính thì có thể hòa giải ở cơ sở nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩm của người chưa thành niên. Để giáo dục người chưa thành niên phạm tội, giúp đỡ các em sửa chữa sai lầm, hình thành nhân cách, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã có nhiều thay đổi trong quy định xử lý người chưa thành niên phạm tội. Đó là những quy định mang tính khoa học, nhân văn, góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong độ tuổi này”.

Cập nhật: 30/12/2021 08:27/ Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - THU THỦY/https://www.qdnd.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...