Thứ năm, 28/03/2024, 16:59 [GMT+7]

Cầu nối giúp người nghiện hoàn lương

Thứ hai, 18/06/2018 - 15:31'
Hiện, toàn tỉnh có 3.296 người nghiện ma túy. Những năm qua, nhờ triển khai tốt các giải pháp và sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương đã giúp nhiều người nghiện từ bỏ ma túy, tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, công tác cai nghiện ma túy đang gặp không ít khó khăn, bất cập, tỷ lệ tái nghiện cao và cần có giải pháp tháo gỡ.

Để Những mảnh đời hồi sinh

Tháng 6, chúng tôi có mặt tại Trung tâm điều trị cai nghiện bắt buộc (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) - nơi những người lầm lỗi đang cải tạo mong ngày trở về với gia đình, cộng đồng. hiện trung tâm tổ chức cai nghiện, giáo dục 96 đối tượng. Người đầu tiên chúng tôi gặp và tiếp xúc là anh Vàng Văn Hoàn ở bản Đồng Tâm (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường). Nhìn cách anh khéo léo chăm sóc vườn rau ít ai ngờ anh từng nghiện ma túy 20 năm. Anh nghẹn ngào nhớ lại: “Ngày trước người dân truyền tai nhau làm thuê ở bãi vàng Chinh Sáng (xã Khun Há) kiếm được rất nhiều tiền, vì vậy mình bàn với vợ vào đó làm với mong muốn thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhưng tuổi trẻ bồng bột, nông nổi nên mình bị bạn bè rủ rê, lôi kéo vào con đường nghiện ma túy. Làm được đồng nào, đều mua ma túy, có lúc không có tiền còn về bán các đồ vật trong nhà, bao nhiêu của cải vợ chồng tiết kiệm đều “đội nón ra đi”. Được gia đình khuyên răn, địa phương, công an huyện đưa lên trung tâm để từ bỏ ma túy. 6 tháng cai nghiện, ngoài được cán bộ quan tâm, dạy bảo tận tình, mình còn được học nghề xây dựng, vui chơi thể thao, đọc sách báo để nâng cao hiểu biết. Mình sẽ cố gắng cai nghiện thật tốt đợi ngày về với vợ con làm lại cuộc đời”.

Học viên Trung tâm điều trị cai nghiện bắt buộc chăm sóc vườn rau.

Còn với vợ chồng anh Hảng Già Khớ ở bản Cô Lô Hồ (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè), những ngày tháng chìm đắm trong “khói thuốc trắng” (anh 10 năm nghiện thuốc phiện còn vợ mới nghiện 2 năm) đã khiến gia đình tan nát, các con khổ sở. Anh Khớ tâm sự: “Lúc đầu chỉ có mình nghiện nhưng nhiều lần vợ đi làm nương về kêu đau lưng, đau bụng nên cho vợ dùng thử thấy không đau nữa. Lâu dần vợ nghiện lúc nào không biết. Cuộc sống đã nghèo lại càng túng quẫn hơn, trung bình mỗi ngày vợ chống tôi mất một trăm nghìn đồng mua thuốc để hút. Thời gian đầu mới vào trung tâm, ngày đêm vợ chồng mình quằn quại trong cơn thèm thuốc nhưng nghĩ tới 5 con đang bơ vơ ở nhà lại quyết tâm vượt qua. Sau 2 tháng, được giáo dục nhận biết tác hại ma túy, hướng dẫn lao động, giúp đỡ cắt cơn nên mình đã dần đoạn tuyệt với ma tuý, quyết tâm làm lại cuộc đời”.

Anh Mai Văn Tùng - Giám đốc Trung tâm điều trị cai nghiện bắt buộc cho biết: “Để giúp học viên bỏ được ma tuý là quá trình gian nan, vất vả; giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc là khó khăn nhất. Trung tâm chia các đối tượng thành 3 nhóm: nhóm mới vào, nhóm ổn định, nhóm chuẩn bị rời trung tâm nhằm tư vấn, giáo dục và chữa trị. Trong đó tập trung ở nhóm mới vào, khi đối tượng mới vào, trung tâm cho uống thuốc cắt cơn nghiện từ 3 đến 5 ngày. Sau đó chuyển sang giai đoạn phục hồi sức khoẻ bằng cách cho học viên nghỉ ngơi, đọc sách báo, xem tivi. Khi đã ổn định về mặt tâm lý, sức khoẻ thì cho đi lao động. Trung tâm giáo dục, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi, lối sống được trung tâm đặt lên hàng đầu. Qua khảo sát, kiểm tra, sau khi điều trị tại trung tâm, tỷ lệ không sử dụng lại ma túy đạt trên 90%”.

Ngoài các đối tượng cai nghiện tại Trung tâm điều trị cai nghiện bắt buộc, hiện nay toàn tỉnh có 2.040 người tham gia điều trị bằng thuốc thay thế Mathadone, 630 người cai nghiện tại cộng đồng. Hình thức cai này có nhiều điểm thuận lợi, giảm chi phí cho Nhà nước và bản thân. Sau một thời gian điều trị, không có trường hợp biến chứng bất thường, bệnh nhân cải thiện sức khỏe, giảm gánh nặng cho gia đình.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đưa đối tượng nghiện ở các huyện về cai tại Trung tâm điều trị cai nghiện bắt buộc không đảm bảo chỉ tiêu. Điển hình năm 2017 chỉ tiêu giao 100 nhưng trung tâm chỉ tiếp nhận được 82 học viên; năm 2018 chỉ tiêu giao 100 nhưng đến thời điểm này mới tiếp nhận được 31 học viên. Lý giải về nguyên nhân này, theo anh Mai Văn Tùng - Giám đốc Trung tâm điều trị cai nghiện bắt buộc cho hay: Do những vướng mắc về quy trình, thủ tục lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ và quyết định đưa người vào cai nghiện bắt buộc. Trước đây, đối tượng nghiện sau khi được phát hiện chỉ cần có xác minh của Công an là đưa vào trung tâm cai nghiện. Tuy nhiên, áp dụng theo Nghị định 221/NĐ-CP, đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện phải có quyết định của tòa án sau khi qua các bước thẩm tra của Công an, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nên mất nhiều thời gian. Có những đối tượng sau khi có quyết định của tòa án đã trốn khỏi địa bàn. Ngoài ra, quá trình thực hiện cai nghiện, trung tâm gặp nhiều khó khăn do lực lượng cán bộ mỏng mà phải chia cán bộ, học viên thành 2 khu nên lực lượng trực quản lý học viên thiếu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp trầm trọng, nhất là ở Khu B (tiếp nhận từ cơ sở cai nghiện của thành phố).

Theo ông Nùng Văn Nim - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2017, chỉ tiêu cai nghiện 730 người tại các huyện, Trại tạm giam (Công an tỉnh), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhưng chỉ cai được cho 630 người. Hiện nay, hình thức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hiệu quả thấp, tỷ lệ tái nghiện cao. Nguyên nhân do thời gian cai nghiện ngắn, không có địa điểm cai, công tác quản lý, giám sát, giúp đỡ người sau cai tại gia đình và cộng đồng hạn chế. Tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người sau cai nghiện khó khăn do trên địa bàn tỉnh số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ít; các xã, phường, thị trấn chưa thành lập các câu lạc bộ, nhóm tự quản, các tổ làm kinh tế để giúp học viên sau cai khi tái nhập cộng đồng. Mặc dù, 100% số đối tượng sau cai nghiện tại trung tâm được tư vấn các biện pháp phòng chống tái nghiện, được quản lý sau cai dựa vào gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, khi trở về gia đình, cộng đồng, đa số vẫn bị kỳ thị. Điều đó dẫn đến sớm nảy sinh tiêu cực, nhớ đến bạn nghiện, nhớ đến sử dụng ma túy và không có việc làm ổn định, không được học nghề, khiến tỷ lệ tái nghiện sau cai sớm hơn, cao hơn. Sau 6 tháng đến một năm sau cai có người tái nghiện.

Để công tác cai nghiện và quản lý sau cai đạt hiệu quả rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong việc chung tay giúp người nghiện hoàn lương. Cùng với đó, quan tâm tạo việc làm, hỗ trợ qua các kênh vay vốn giúp cho đối tượng sau cai có công việc, từng bước ổn định cuộc sống, sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...