Thứ sáu, 19/04/2024, 06:39 [GMT+7]
Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Vượt khó, tận tâm bảo vệ công lý

Thứ năm, 23/12/2021 - 10:06'
(BLC) - Hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua các trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước (Sở Tư pháp) đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong hoạt động tố tụng (HĐTT).

Khó khăn nhiều mặt

Hiện Trung tâm TGPL Nhà nước của Lai Châu là một trong những đơn vị được giao ít biên chế nhất so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Nếu như tỉnh bạn Lào Cai được giao 31 biên chế với 17 TGVPL hoặc tỉnh Điện Biên được giao 23 biên chế với 11 TGVPL... thì nhiều năm nay, Trung tâm được giao có 7 biên chế, trong đó chỉ có 3 TGVPL. Trong khi đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách TGPL miễn phí trên địa bàn tỉnh nhiều, nhu cầu TGPL của các đối tượng ngày càng tăng. Hơn nữa, tỉnh ta địa bàn rộng, giao thông khó khăn, các huyện cách xa nhau nên TGVPL phải bố trí thời gian, sắp xếp tham gia thực hiện các vụ việc ở nhiều địa bàn khác nhau rất vất vả.

Tuyên truyền pháp luật tới người dân.

Trợ giúp viên pháp lý truyền thông pháp luật tại cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Công Thiếp - Phó Giám đốc Sở Tư pháp chia sẻ: Với số lượng biên chế viên chức được giao như hiện nay cho Trung tâm TGPL Nhà nước không đủ để đáp ứng nhu cầu TGPL nói chung, TGPL trong HĐTT nói riêng và cũng không đủ nguồn viên chức cần thiết để thực hiện công tác đào tạo, bổ nhiệm TGVPL. Không chỉ khó khăn về con người mà nguồn lực tài chính đầu tư, kinh phí cấp cho hoạt động TGPL còn hết sức khiêm tốn. Năm 2021, Trung tâm chỉ được cấp 400 triệu đồng chi cho TGVPL và luật sư ký kết hợp đồng để tham gia đại diện, bào chữa, như vậy mới đáp ứng được 50% số vụ việc tham gia.

Hơn nữa, Trung tâm chưa có phòng tiếp công dân riêng biệt. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo… ở vùng sâu, vùng xa còn chưa biết về quyền được hưởng TGPL miễn phí của mình hoặc nếu biết thì cũng chưa hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác TGPL, còn tâm lý e dè khi đến yêu cầu TGPL. Cán bộ, công chức thụ lý giải quyết vụ việc tại các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số địa phương thực hiện việc giải thích cho bị can, bị cáo, đương sự về quyền được hưởng TGPL còn mang tính hình thức... Nhiều trường hợp các bị can, bị cáo hoặc đương sự trong tố tụng không biết chữ hoặc có nhận thức pháp luật rất hạn chế.

Đặc biệt năm qua, dịch Covid-19 bùng phát mạnh cũng làm cho TGVPL gặp khó khi tác nghiệp, đi lại, gặp gỡ, tiếp xúc với đối tượng TGPL, nhiều vụ việc bị hoãn xét xử nhiều lần... Dẫu vậy, các TGVPL không chùn bước, nỗ lực vượt qua mọi trở ngại, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đóng góp tích cực trong hoạt động tố tụng

Khó khăn là thế song TGVPL của tỉnh Lai Châu luôn được đánh giá, xếp loại trong số đội ngũ TGVPL có chất lượng cao với 2/3 TGVPL có hơn 10 năm kinh nghiệm tham gia tố tụng. Nhờ sự tham gia của TGVPL góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, là chỗ dựa về tinh thần và về pháp luật, giúp cho các bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự có tâm lý an tâm, tự tin hơn khi đối diện với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Đồng thời, góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật; trong các vụ án hình sự không để xảy ra tình trạng làm oan, sai cho người vô tội. TGVPL tham gia tranh tụng tại phiên tòa cũng giúp đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng trong xét xử. Do đó, việc xét xử vụ án không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng và dựa trên hồ sơ của cơ quan tiến hành tố tụng đã được lập sẵn mà còn phụ thuộc vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Trợ giúp pháp lý tại phiên tòa.

Trợ giúp viên pháp lý bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng được TGPL tại phiên tòa.

Đồng chí Nguyễn Công Hưởng - Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước (Sở Tư pháp) cho biết: Năm 2021, Trung tâm thụ lý 333 vụ việc cho 333 người, trong đó đã kết thúc 287 vụ việc cho 287 người, bao gồm 250 vụ việc bào chữa, 21 vụ việc bảo vệ quyền lợi cho đối tượng được TGPL, 16 vụ việc tư vấn pháp luật. 100% các vụ việc tham gia tố tụng đều được các trợ giúp viên đánh giá, thẩm định sau khi hoàn thành. Ngoài ra, trong năm các TGVPL còn tham gia, thực hiện hoạt động truyền thông pháp luật ở cơ sở tại 41 xã trên địa bàn tỉnh, thu hút 3.145 lượt người tham dự.

Một trong những vụ án TGVPL tham gia thực hiện bào chữa, bảo vệ thành công cho người được TGPL và quan điểm, đề nghị của TGVPL được Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận là vụ án Lý Phủ H. mua bán trái phép chất ma túy. Ngày 7/12/2020, Lý Phủ H. cùng đồng phạm lên huyện Sìn Hồ mua 646,97 gam methamphetamine với giá 100 triệu đồng rồi vận chuyển về huyện Phong Thổ nhằm bán kiếm lời. Khi đang chờ giao dịch để mua bán trái phép chất ma túy thì Lý Phủ H. bị bắt và bị khởi tố về hành vi mua bán trái phép chất ma túy theo Khoản 4, Điều 251 Bộ luật Hình sự.

Sau khi nhận được đơn yêu cầu TGPL của Lý Phủ H., Trung tâm đã cử TGVPL tham gia vụ án từ giai đoạn điều tra vụ án. Tại phiên tòa, kiểm sát viên thực hành quyền công tố luận tội và đề nghị HĐXX tuyên phạt Lý Phủ H. phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, xử phạt tử hình. Trợ giúp viên đã phân tích, đánh giá về nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, hậu quả tội phạm gây ra, nhân thân của bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho Lý Phủ H. được hưởng mức án tù chung thân và đề nghị này đã được HĐXX chấp nhận. Đó chỉ là một trong hàng trăm vụ án mà các TGBPL đã dày công sức, tâm huyết để TGPL cho người dân thời gian qua.

Cũng chính nhờ không ngừng nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm nên trong danh sách 20 TGVPL trên toàn quốc và 10 luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL có nhiều vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả nhất trong 3 năm (2018 - 2020) thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý được Cục Trợ giúp pháp lý Nhà nước (Bộ Tư pháp) công bố năm 2021 thì Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở Tư pháp Lai Châu có tới 2 TGVPL, 1 luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL có tên trong danh sách này. Đây là kết quả rất đáng tự hào bởi lẽ Trung tâm chỉ có 3 TGVPL và số luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý cũng không nhiều (4 người).

Kết quả đó đã phần nào ghi nhận những công lao các TGVPL và luật sư ký hợp đồng không ngừng cố gắng nỗ lực, tận tâm với nghề vì mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL – đồng chí Nguyễn Công Thiếp khẳng định.

Để TGPL tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công, thời gian tới cần tăng cường hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL trong HĐTT theo quy định. Quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về TGPL, nhất là năng lực, trình độ mọi mặt của TGVPL để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của của đối tượng được TGPL. Về lâu dài, mong tỉnh quan tâm bổ sung biên chế viên chức cho Trung tâm TGPL Nhà nước, đồng thời bố trí, phân bổ kinh phí cần thiết đáp ứng nhu cầu TGPL của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Thảo Nguyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...