Thứ năm, 25/04/2024, 12:52 [GMT+7]

Đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Thứ tư, 20/07/2022 - 09:41'
(L.T.S): Do tình hình dịch Covid-19 được khống chế, nhiều người dân từng mắc Covid-19 có tâm lý chủ quan không tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 hoặc không tiếp tục tiêm chủng các mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Về vấn đề này, phóng viên Báo Lai Châu đã có cuộc phỏng vấn Thầy thuốc Nhân dân, bác sỹ chuyên khoa II Bùi Tiến Thanh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu.

Phóng viên (P.V): Hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh chủ quan không đi tiêm nhắc lại vì cho rằng: đã tiêm 2 mũi vắc-xin cơ bản và bị Covid-19 tương đương bằng 2 liều vắc-xin nên không cần phải tiêm thêm nữa. Đồng chí nhận định thế nào về quan điểm trên?

Bác sỹ Bùi Tiến Thanh: Hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh tâm lý chủ quan đã tiêm 2 mũi vắc-xin cơ bản và bị mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc-xin tiếp theo là có thật, dẫn đến họ không đồng ý tiêm do có ý nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Quan điểm này hoàn toàn không đúng vì: khi đã tiêm 2 mũi vắc-xin cơ bản và sau mắc Covid-19 kháng thể được sinh ra không có tác dụng bền vững mà bị suy giảm dần theo thời gian; có thể sẽ không đáp ứng được đối với vi rus SARS-CoV-2 (đặc biệt là biến thể mới).
Về lý thuyết thì sau khi khỏi bệnh Covid-19, cơ thể sẽ có kháng thể để chống lại virus gây bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ai cũng có được kháng thể đủ tốt bởi việc nhiễm virus là khác nhau tuỳ vào chủng, tình huống nhiễm, mức độ nhiễm và đặc điểm của cơ thể.
Thực tế cho thấy có khá nhiều trường hợp nhiễm và tái nhiễm nhiều lần do kháng thể tạo ra không đủ tốt hoặc nhiễm lần đầu chỉ ở dạng thoáng qua sau đó lần nhiễm lại mới gặp tình trạng nặng.

Cán bộ Trạm Y tế phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) khám sức khỏe cho trẻ em từ 5-12 tuổi trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Cán bộ Trạm Y tế phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) khám sức khỏe cho trẻ em từ 5-12 tuổi trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Ngoài ra, bằng các chứng khoa học cho thấy khi đã nhiễm tự nhiên mà được tiêm vắc-xin thì kháng thể bảo vệ được tạo ra sẽ cao hơn rất nhiều và góp phần hạn chế tái nhiễm cũng như hạn chế các tình trạng hậu Covid-19.
Chính vì vậy mà đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc tiêm đủ liều cơ bản người dân vẫn tiếp tục tiêm chủng để hoàn thành phác đồ tiêm nhằm khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 bởi những người đã tiêm vắc-xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm (tức là khoảng 3-4 tháng sau tiêm).

P.V: Xin đồng chí cho biết tại sao đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 rồi mà vẫn phải tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4)?

Bác sỹ Bùi Tiến Thanh: Trước hết, để tránh nhầm lẫn khi nhắc đến tiêm mũi nhắc lại, chúng ta tách ra mũi cơ bản (1, 2 hay 3 mũi tuỳ từng loại vắc-xin và tuỳ đối tượng tiêm) và mũi nhắc lại. Tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 được hiểu là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 1. Tiêm vắc-xin mũi 4 là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 2 cho thống nhất cách gọi.
Việc tiêm mũi nhắc lại thứ 1 và 2 vắc-xin Covid-19 giúp duy trì miễn dịch ở mức độ cao cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản; mũi nhắc 1 và nhắc 2 có thể sử dụng loại vắc-xin tiêm cùng loại với mũi tiêm liều cơ bản hoặc dùng vắc-xin mRNA hoặc vắc-xin Astrazeneca nếu tiêm phối hợp. Lưu ý khoảng cách tiêm mũi nhắc lần 1 này cách ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản và mũi nhắc lần 2 cách 4 tháng sau mũi nhắc lần 1. Riêng mũi nhắc lần 2 cần lưu ý cách thời gian xác định bị Covid-19 tối thiểu 3 tháng, điều này không đặt ra với mũi nhắc lần 1.
Vì vậy, việc tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cơ bản thì kháng thể không có tác dụng bền vững như một số vắc-xin khác mà bắt đầu suy giảm dần ở tuần 10-19 sau tiêm tức là khoảng 3-4 tháng sau tiêm mũi 2. Việc tiêm các vắc-xin Covid-19 mũi nhắc lại (mũi 3, 4) là cần thiết để khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Bởi, những người đã tiêm vắc-xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19 nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu thì cần được tiêm bổ sung mũi 3 sớm hơn (khoảng 28 ngày sau khi tiêm mũi 2) để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra nếu chẳng may bị nhiễm bệnh.
P.V: Thực tế thời gian qua đã chứng minh việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 góp phần bảo vệ người dân không mắc bệnh và giảm nguy cơ bệnh nặng, tử vong như thế nào, thưa đồng chí?

Bác sỹ Bùi Tiến Thanh: Trước khi triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, chúng ta đã chứng kiến những ổ dịch tại các địa phương trên cả nước (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương...) gây tình trạng nặng và tử vong do Covid-19 với số lượng rất lớn gây đau thương, tổn thất cho nhiều gia đình. Chính phủ và Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ nhằm kiểm soát nguồn lây, tốc độ lây lan trong cộng đồng gây nhiều tổn thất cho xã hội. Trong thời gian này, tỉnh Lai Châu đã thực hiện thành công trong việc kiểm soát, truy vết nguồn lây triệt để để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ.
Trong quý I/2022 khi tỷ lệ bao phủ vắc-xin trên địa bàn tỉnh chưa cao, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đỉnh điểm có ngày ghi nhận gần 3.000 ca mắc. Từ đầu quý II đến nay, tỷ lệ bao phủ vắc-xin trên địa bàn tỉnh được nâng lên thì số ca mắc liên tục giảm sâu; đến nay trung bình dưới 10 ca trên ngày, đặc biệt đã có ngày không ghi nhận ca bệnh. Tổng số ca khỏi bệnh chiếm trên 99% tổng số ca mắc, số đang điều trị không có bệnh nhân nặng, nguy kịch, đặc biệt không có trường hợp tử vong do dịch.

P.V: Xin đồng chí cho biết tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này? Đồng chí đánh giá gì về tỷ lệ trên?

Bác sỹ Bùi Tiến Thanh: Tính đến 18 giờ ngày 12/7/2022 tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 trên địa bàn toàn tỉnh như sau:Đối tượng từ 18 tuổi trở lên:
+ Tiêm mũi 3 là: 193.105/261.410 đạt 73,9%, đứng thứ 23/63 tỉnh/thành phố, tuy nhiên vẫn chưa đạt 90% theo chỉ đạo của Bộ Y tế;
+ Tiêm được mũi 4 là: 18.278/60.796 đạt 30,1% (đối tượng thuộc diện ưu tiên của Bộ Y tế), đứng thứ 43/63 tỉnh/thành phố.
Đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi: tiêm được mũi 3 là: 9.979/52.540 đạt 19%, đứng thứ 19/63 tỉnh/thành phố.
Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tỷ lệ tiêm mũi 3 trong cả nước: đối tượng từ 18 tuổi trở lên trung bình 68,9%, đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi 14,3%. Tỷ lệ tiêm mũi 4 trung bình 28,8%. Như vậy, tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 của Lai Châu không thấp so với cả nước.
Tuy nhiên, tiến độ tiêm các liều nhắc lại chậm hơn so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ do gặp nhiều khó khăn hơn do các nguyên nhân như:
Tình hình dịch bệnh hiện tại đã cơ bản được kiểm soát; số ca mắc Covid-19 thời gian qua giảm mạnh và hầu hết các ca mắc ở mức độ nhẹ, không triệu chứng dẫn đến tâm lý lơ là, chủ quan của người dân cho rằng họ đã có miễn dịch phòng bệnh và không muốn đi tiêm chủng.
Nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, sợ ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của con nên không đồng ý cho con tiêm phòng Covid-19. Các phụ huynh cũng e ngại các tác hại lâu dài của vắc-xin đối với trẻ em trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em ở độ tuổi này tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ... còn ở mức thấp.

P.V: Hiện nay, tuy dịch Covid-19 được kiểm soát, nhưng biến chủng phụ mới xuất hiện BA.4, BA.5 lây nhanh nên nguy cơ dịch bùng phát là mối đe dọa với cả nước. Theo đồng chí, giải pháp quan trọng nhất để phòng dịch lúc này là gì?

Bác sỹ Bùi Tiến Thanh: Hiện nay, tuy dịch Covid-19 được kiểm soát, nhưng biến chủng phụ mới xuất hiện BA.4, BA.5 lây nhanh nên nguy cơ dịch bùng phát là mối đe dọa với cả nước, do vậy chúng ta không được chủ quan, lơ là vì dịch vẫn diễn biến khó lường, có nguy cơ quay lại tăng số mắc, trên thực tế một số quốc gia đã tăng ca bệnh trở lại. Vì thế, việc tiêm vắc-xin là giải pháp quan trọng nhất của phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.
Ngoài ra tiếp tục triển khai quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 (2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc+ điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác) với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị, gắn với thực hiện tốt khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

P.V: Để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng đồng chí có khuyến cáo gì đến người dân?

Bác sỹ Bùi Tiến Thanh: Tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ, đúng lịch. Người dân tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch bệnh khác bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên… Bên cạnh đó, người dân khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 cần tự theo dõi sức khỏe. Nếu test nhanh dương tính phải khai báo y tế tại cơ sở y tế gần nhất.
P.V: Xin cảm ơn bác sỹ!

Phạm Vũ

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...