Thứ sáu, 29/03/2024, 12:53 [GMT+7]

Thấy gì từ nghề trồng nấm ở Vĩnh Bảo?

Thứ năm, 14/04/2011 - 17:58'
(BLC) - Được đến thăm quan thực tế các mô hình trồng nấm của người dân huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) chúng tôi nhận thấy công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Vĩnh Bảo nói riêng, của Hải Phòng nói chung đã đi đúng hướng.

“Nghề hót”

Đến Vĩnh Bảo trong những ngày đầu tháng tư, đâu đâu cũng thấy không khí lao động khẩn trương. Không phải trồng lúa, cũng chẳng phải chăm sóc cây thuốc lào mà là trồng nấm. Người người làm nấm, nhà nhà trồng nấm.

Bà Nguyễn Thị Chính – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Bảo giới thiệu về mô hình trồng nấm linh chi của Trung tâm.

Nghề trồng nấm ở đây đang được coi là một “nghề hót” bởi mức đầu tư ban đầu thấp, nhanh có thu nhập, dễ thu hồi vốn kiểu “một vốn bốn lời”. Hơn nữa thị trường ổn định, thu hút được nhiều lao động ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, trong lúc nông nhàn, nghề trồng nấm đã giải quyết được việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn nông dân nơi đây.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn nấm của gia đình, ông Nguyễn Văn Thắng – một trong những hộ trồng nấm đầu tiên ở xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo không ngớt lời khoe: Trồng nấm đơn giản, nhanh giầu, kiếm tiền thật dễ, chúng tôi làm thường không đủ để cho thương lái thu mua… Ông bảo: nhờ trồng nấm (thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng) mà gia đình ông có được cơ ngơi như ngày hôm nay, con cái ăn học đầy đủ, trưởng thành.

Ghé thăm gia đình bà Phạm Thị Lương – xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, mặc dù đã chiều muộn, song vợ chồng bà vẫn mải mê đóng rơm vào túi. Nhìn bà thoăn thoắt cuộn rơm, gieo mầm, buộc túi… đủ thấy bà là người trồng nấm chuyên nghiệp.

Bà Lương tâm sự: Có nghề trồng nấm, gia đình bà chẳng lo không có việc làm thêm những lúc nông nhàn, đầu tư ít, chủ yếu là tận dụng những phế phẩm từ đồng ruộng sau thu hoạch. Không tính toán nhưng bà Lương cũng chẳng ngại mà khoe rằng, 2 vụ nấm một năm cũng giúp cho gia đình bà có thêm một khoản tiền kha khá để ổn định cuộc sống.

Không chỉ gia đình ông Thắng, bà Lương mà hàng trăm hộ gia đình khác ở Vĩnh Bảo hiện nay đều sống nhờ nghề nấm. Với họ, nghề nấm như chiếc phao cứu sinh, giúp họ có được việc làm và thu nhập ổn định. Chính vì dễ làm, đầu tư ít, lợi nhuận cao và sự ổn đinh của thị trường mà nghề trồng nấm ở Vĩnh Bảo hiện được người dân coi là “nghề hót”, thu hút hàng nghìn lao động mọi lứa tuổi ở địa phương.

Cách làm hợp lý

Không tính toán số hộ cụ thể, song nói đến số lượng đơn vị các xã thì ông Nguyễn Văn Quynh – Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo khẳng định, 23/30 xã của huyện có nghề trồng nấm. Trong đó trồng nhiều nhất là 2 xã: Tam Đa và Trung Lập.

Các học viên thực hành trồng nấm tại Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Bảo.

Ông Quynh cho biết: Nghề trồng nấm bắt đầu có ở Vĩnh Bảo khoảng 5 năm nay, ban đầu chỉ có một vài hộ được các xã chọn đưa đi học trồng nấm ở Hà Nội. Sau khi học về, hầu hết các hộ đều làm tốt. Thấy hiệu quả từ thực tế do chính dân mình làm, có thể nhân rộng, lãnh đạo huyện đã xác định đây là một nghề mới có thể giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động nông thôn lúc nông nhàn. Vì vậy huyện đã ra chủ trương, chỉ đạo các đơn vị xã vận động người dân tham gia trồng nấm. Chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề huyện vào cuộc bằng cách thuê thầy, thuê thợ, mở nhiều lớp đào tạo nghề trồng nấm ngắn hạn cho người dân. Trong đó chú trọng vào việc mời những người dân đã trồng nấm thành công đến hướng dẫn các học viên mới. Cứ thế, người này nhìn người kia thoát nghèo, vươn lên từ nấm, không bảo nhưng hộ nào cũng muốn học nghề trồng nấm.

Để nghề trồng nấm phát triển ổn định và bền vững, ngoài chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân hợp lý, huyện Vĩnh Bảo còn rất quan tâm đến thị trường đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể bằng việc tổ chức nhóm hộ sản xuất, trong đó nhóm trưởng có trách nhiệm đứng ra thu mua, gom sản phẩm cho những hộ gia đình trong nhóm rồi xuất lại cho thương nhân ở trong và ngoài tỉnh. Vì vậy mà đến nay, mặc dù sản phẩm nấm làm ra rất nhiều nhưng người dân Vĩnh Bảo chưa bao giờ phải lo lắng về đầu ra cũng như sự bất ổn của thị trường. Nhiều người dân trồng nấm ở đây khi được hỏi đều khẳng định, sản phẩm nấm của họ làm ra không đủ cung cấp cho thương lái thu mua.

Ngoài phát triển nghề trồng nấm, chính quyền huyện Vĩnh Bảo còn rất quan tâm đến việc đào tạo các ngành nghề khác cho lao động nông thôn của huyện. Minh chứng của việc này chính là số lượng 16 ngành nghề như: may công nghiệp, khâu bóng, trồng nấm, làm chiếu cói xuất khẩu… mà Trung tâm Dạy nghề huyện đang đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Chính – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Hiện việc đào tạo nghề cho người lao động nông thôn của huyện rất thuận lợi, người dân từ ý thức được việc mình cần nghề. Chúng tôi cũng xác định, việc đào tạo nghề cho người lao động nông thôn cần phải có hiệu quả; chính vì vậy chúng tôi đã đi trước đón đầu. Xem người lao động cần gì, thị trường cần gì… để từ đó xây dựng kế hoạch và tiến hành đào tạo. Trước khi đào tạo, chúng tôi thường liên kết với các doanh nghiệp, doanh nhân để cung cấp nguồn lao động phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị. Nhờ đó, hầu hết các học viên do Trung tâm đào tạo ra đều có việc làm ổn định.

Từ thực tế những việc đã, đang làm và những kết quả đã đạt được trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Vĩnh Bảo, T.P Hải Phòng đã quyết định chọn Vĩnh Bảo làm huyện điểm trong toàn tỉnh về việc thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, đây cũng là cách mà T.P Hải Phòng đang vận dụng thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với tất cả các quận, huyện khác của thành phố - bà Nguyễn Thị Ngân, Phó Phòng Dạy nghề Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng khẳng định.

Lâm Trần

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...