Thứ sáu, 19/04/2024, 13:34 [GMT+7]

“Ươm mầm” thể thao thành tích cao

Thứ sáu, 29/12/2017 - 17:16'
Năm 2017 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với thể thao tỉnh nhà, khi Trung tâm Huấn luyện năng khiếu thể dục - thể thao của tỉnh bắt đầu tổ chức tuyển sinh và huấn luyện khóa vận động viên đầu tiên theo Đề án “Đào tạo năng khiếu thể dục thể thao và vận động viên thành tích cao của tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Đây sẽ là nơi “ươm mầm” tạo ra những vận động viên thành tích cao cho những môn thể thao Olympic và những môn thể thao thế mạnh.

Sự khởi đầu 

Đến Trung tâm Huấn luyện năng khiếu thể dục thể thao (TDTT) tỉnh vào những ngày tháng 12, đây là thời điểm cán bộ, huấn luyện viên đang tập trung hoàn thành nhiệm vụ của năm 2017. Đón chúng tôi bằng một nụ cười đầy thân thiện, ông Nguyễn Bá Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện năng khiếu TDTT tỉnh chia sẻ: Năm 2017 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với trung tâm. Khi tháng 9 vừa qua, trung tâm đã tuyển chọn và tổ chức huấn luyện VĐV năng khiếu đầu tiên của tỉnh theo Đề án “Đào tạo năng khiếu tdtt và vận động viên (VĐV) thành tích cao của tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Việc đề án đào tạo VĐV năng khiếu và thành tích cao được triển khai, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành với sự nghiệp thể thao của tỉnh và đã đem lại niềm vui cho những người làm và yêu thể thao sau hơn 13 năm chia tách và thành lập tỉnh. Đây sẽ là tiền đề để thầy và trò trung tâm từng bước xây dựng hệ thống đào tạo năng khiếu TDTT và VĐV thể thao thành tích cao phù hợp với điều kiện của tỉnh; trên cơ sở các môn có tiềm năng thế mạnh, kết hợp với các môn thể thao dân tộc với thể thao hiện đại.

Nỗ lực tập luyện của các học viên lớp năng khiếu bộ môn đẩy gậy.

Khóa năng khiếu đầu tiên, Trung tâm Huấn luyện năng khiếu TDTT tỉnh đã tuyển chọn được 41 học viên năng khiếu ở các môn: cầu lông, điền kinh, đẩy gậy, taekwondo theo đúng quan điểm của đề án là đầu tư phát triển các môn thể thao thế mạnh của tỉnh, chú trọng mở rộng các môn thể thao Olympic. Để tuyển chọn được những VĐV trẻ có triển vọng, trung tâm cử đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên về các trường học của các huyện kiểm tra và tuyển sinh, với môn điền kinh và cầu lông thì thông qua các giải đấu của ngành giáo dục phát hiện, lựa chọn những em có năng khiếu.

để nâng cao chất lượng đào tạo, trung tâm tập trung xây dựng kế hoạch giảng dạy, huấn luyện hàng năm cho từng đối tượng, các đội tuyển. Quan tâm lựa chọn gửi các VĐV xuất sắc một số bộ môn thể thao trọng điểm đào tạo ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, một số tỉnh có thế mạnh ở từng môn; có chính sách thu hút huấn luyện viên về trung tâm thực hiện công tác huấn luyện. Hàng năm, tổ chức cho các đội tuyển tham gia các giải vô địch trẻ, vô địch quốc gia, giải khu vực... theo lịch thi đấu của Liên đoàn Thể thao.

Với những nỗ lực của những người làm và yêu thể thao tỉnh nhà cùng sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, những viên gạch đầu tiên được đặt để tạo nên một trung tâm huấn luyện “ươm mầm” cho những tài năng, VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh. Tuy nhiên, những thiếu thốn về cơ sở vật chất đang là trở ngại cho các hoạt động đào tạo, huấn luyện và tập luyện của thầy và trò trung tâm. Các học viên hiện đang phải ở nhờ ký túc xá của Trường Cao đẳng Cộng đồng; công tác huấn luyện, tập luyện đang phải nhờ Nhà tập đa năng Trường Cao đẳng Cộng đồng. Đây là những khó khăn gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tập luyện và quản lý học viên. Trung tâm đã đề nghị UBND tỉnh đầu tư xây dựng nhà thi đấu và khu liên hợp thể thao như các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, động viên khích lệ các học viên, cán bộ, huấn luyện viên nỗ lực khắc phục khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ. 

Quyết tâm tập luyện

Những chia sẻ của ông Nguyễn Bá Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện năng khiếu TDTT tỉnh đã đưa chúng tôi tìm đến Trường Cao đẳng Cộng đồng “mục sở thị” công tác tập luyện của thầy và trò. Hình ảnh các học viên môn đẩy gậy đang say sưa tập luyện trên sân bêtông ngoài trời với sự uốn nắn tận tình của huấn luyện viên đã giúp chúng tôi cảm nhận được những nỗ lực khắc phục khó khăn. Anh Nguyễn Văn Bong - huấn luyện viên môn đẩy gậy cho biết: Môn đẩy gậy là môn thể thao dân tộc thế mạnh của tỉnh, đem lại cho tỉnh nhiều huy chương vàng trong các giải thể thao khu vực và toàn quốc. Vì vậy, nhiệm vụ đào tạo các thế hệ VĐV trẻ kế thừa thành tích của các thế hệ đàn anh là nhiệm vụ hết sức quan trọng. 

Hiện lớp năng khiếu đẩy gậy của trung tâm có 6 học viên ở độ tuổi từ 14 - 16 tuổi. Để lựa chọn được các học viên, cán bộ trung tâm đến các trường học trên địa bàn tỉnh tuyển chọn những em có năng khiếu, có tố chất tốt. Khi đưa các em từ các huyện về trung tâm, ngoài việc đào tạo cho các em trở thành những VĐV thi đấu chuyên nghiệp, trung tâm còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là giáo dục nhân cách, đạo đức cho các em để trở thành người có ích cho xã hội. Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị luyện tập nhưng thầy và trò bộ môn đẩy gậy động viên nhau nỗ lực tập luyện để hoàn thiện những kỹ, chiến thuật trong thi đấu. Sau hơn hai tháng huấn luyện, những học viên của môn đẩy gậy đã trưởng thành rất nhiều, các em dần hoàn thiện kỹ thuật cơ bản và đây sẽ là lứa VĐV tiềm năng đem về những huy chương cho tỉnh trong các giải thi đấu đẩy gậy khu vực và quốc gia.

Đến Nhà tập đa năng Trường Cao đẳng Cộng đồng - nơi được trung tâm mượn để tổ chức huấn luyện các môn cầu lông và taekwondo, kỷ luật và chuyên nghiệp là cảm nhận của chúng tôi khi chứng kiến các em tập luyện. Em Mai Thùy Diễm - học viên lớp năng khiếu cầu lông tâm sự: “Nhà em ở thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, em được tuyển chọn vào lớp năng khiếu cầu lông từ đầu tháng 9 sau khi đã có thành tích cao trong giải cầu lông trẻ của tỉnh. Hiện lớp năng khiếu cầu lông khóa I có 15 học viên, độ tuổi từ 7 - 15 tuổi. Chúng em được các thầy cô chăm lo đầy đủ và tạo điều kiện thuận lợi nhất, vì thế dù vừa phải tập luyện, vừa phải học văn hóa nhưng chúng em luôn thấy thoải mái. Trong những buổi tập luyện, thầy cô luôn cố gắng truyền đạt kinh nghiệm và kỹ thuật để chúng em hoàn thiện kỹ, chiến thuật. Tháng 11 vừa qua, bộ môn cầu lông được lựa chọn 4 VĐV tham dự giải Cầu lông Hà Nội mở rộng. Qua quá trình tham dự giải, em thấy trình độ của mình còn kém rất nhiều so với các tay vợt ở các tỉnh bạn. Đây sẽ là động lực để chúng em động viên nhau tích cực tập luyện để cải thiện thành tích của mình. Trong thời gian tới, em mong rằng cơ sở vật chất của trung tâm sẽ được quan tâm, đầu tư để có điều kiện luyện tập tốt hơn”.

Chia tay tập thể huấn luyện viên, học viên Trung tâm Huấn luyện năng khiếu TDTT tỉnh; không khí tập luyện kỷ luật, chuyên nghiệp và những quyết tâm khắc phục khó khăn của họ đã tạo cho chúng tôi một niềm tin rằng: trong tương lai, với sự quan tâm của tỉnh, đây sẽ là nơi “ươm mầm” và đào tạo nên những VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh, sẽ mang về cho tỉnh nhiều tấm huy chương tại các giải thể thao khu vực và toàn quốc.

Hà Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...