Thứ bảy, 20/04/2024, 18:06 [GMT+7]

Tạo đà phát triển thể dục, thể thao

Thứ bảy, 10/04/2021 - 15:40'
(BLC) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08- CT/TW, ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao (TDTT) đến năm 2020” (gọi tắt Nghị quyết số 08) trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã thu hút nhiều người tham gia tập luyện TDTT. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 và Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 18/1/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nậm Nhùn cụ thể hóa thành các văn bản để lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Vì vậy, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, toàn xã hội về phong trào tập luyện TDTT được nâng lên. Nội dung phát triển TDTT còn được đưa vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, thu hút đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân tham gia, hưởng ứng.

Đến nhà văn hóa bản Pa Kéo (thị trấn Nậm Nhùn) vào buổi chiều muộn hàng ngày, chúng tôi gặp hình ảnh bà con chơi bóng chuyền hơi với đủ thành phần, lứa tuổi. Môn thể thao này dễ chơi, chi phí thấp, tính an toàn cao... đã tạo sức hút đặc biệt đối với nhiều thế hệ. Chị Khoàng Thị Len ở bản Pa Kéo chia sẻ: "Môn thể thao yêu thích của tôi là bóng đá, nhưng sau khi tham gia đánh bóng chuyền hơi tôi thấy rất thú vị nên sau mỗi buổi chiều đi làm về thường ra nhà văn hóa bản luyện tập. Sau một thời gian, tham gia môn bóng chuyền hơi giúp tinh thần tôi thư thái, cơ thể khỏe mạnh, uyển chuyển, linh hoạt hơn trước nhiều".

Một buổi luyện tập môn bóng chuyền hơi của chị em bản Pa Kéo (thị trấn Nậm Nhùn).

Một buổi luyện tập bóng chuyền hơi của chị em bản Pa Kéo (thị trấn Nậm Nhùn).

Hiện nay, không chỉ nhiệt tình tham gia những môn thể thao thế mạnh như: đua thuyền đuôi én, bóng chuyền hơi, bắn nỏ, tù lu... nhiều hộ gia đình, các đơn vị trong huyện tự tiết kiệm kinh phí và huy động ngày công lao động, xây dựng các thiết chế TDTT như: sân cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn… để tập luyện, tạo sự kết nối trong cộng đồng.

Nhằm đẩy mạnh phát triển TDTT, hàng năm Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều giải thể thao (bóng chuyền, cầu lông công nhân viên chức - người lao động, cầu lông mở rộng, bóng đá thanh niên, ngày hội văn hóa, thể  thao các dân tộc…) thu hút đông đảo vận động viên ở các địa phương và cơ quan, ban, ngành trên địa bàn huyện tham gia. Số người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên tăng dần qua các năm.

Riêng năm 2020, toàn huyện 9.525 người tham gia thể thao thường xuyên (đạt 34,5% so với tỷ lệ dân số, tăng 13,3% so với năm 2016) và 1.584 gia đình được công nhận gia đình thể thao. Đồng thời, thành lập 16 câu lạc bộ TDTT (bóng đá, bóng chuyền hơi, tù lu…) thường xuyên tham gia luyện tập, thi đấu. Sự lớn mạnh này thể hiện sự quan tâm, quản lý chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, ý thức tự giác tham gia tập luyện TDTT của Nhân dân.

Đặc biệt, huyện quan tâm phát triển và duy trì các môn thể thao mũi nhọn như: cầu lông, điền kinh, bóng đá, đẩy gậy, đua thuyền đuôi én và các môn ném còn, đẩy gậy, tù lu. Trong đó, nhiều môn đạt giải cao khi thi đấu trong và ngoài tỉnh. Điển hình như tham gia Cuộc thi Đua thuyền đuôi én tại thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) đạt giải nhất các năm 2017, 2019, 2020. Các môn: bóng chuyền, tù lu, ném còn, đẩy gậy… cũng đạt nhiều giải cao ở cấp tỉnh.

Việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thể thao được quan tâm. Các đơn vị trường học thường xuyên cử giáo viên giảng dạy TDTT tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ như: bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, bơi... Trước mỗi giải thi đấu thể thao cấp huyện, lực lượng trọng tài được triệu tập để thống nhất cao về điều lệ thi đấu, chuyên môn.

Hằng năm, huyện bố trí ngân sách cho sự nghiệp phát triển TDTT qua việc đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho các giải thi đấu thể thao cấp huyện và tham gia thi đấu các giải thể thao cấp tỉnh. Toàn huyện hiện có 3 sân bóng nhân tạo, 5 nhà tập luyện cầu lông; 7 nhà văn hóa xã có sân tập TDTT... phục vụ việc tập luyện, thi đấu thể thao. Ngoài ra, còn khuyến khích Nhân dân tham gia đóng góp xây dựng nhà văn hóa, các thiết chế văn hóa, khu vui chơi thể thao. Đến nay, 100% các xã, thị trấn đã quy hoạch đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và có quỹ đất làm sân vận động.

Theo đồng chí Hà Văn Ruệ - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Nhùn, thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với các phòng, ban, đoàn thể huyện đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 08. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thể thao, trang thiết bị phục vụ cho sự nghiệp TDTT. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá TDTT trong toàn huyện, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các loại hình câu lạc bộ thể thao. Khuyến khích các tổ chức kinh tế, xã hội, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ, hỗ trợ, đóng góp kinh phí để xây dựng và duy trì hoạt động TDTT trên toàn huyện. Tăng cường tổ chức các giải thể thao vào các ngày lễ lớn trong năm, góp phần thúc đẩy hoạt động TDTT phát triển…

Tường Lam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...