Thứ năm, 25/04/2024, 23:25 [GMT+7]

A Sử làm giàu

Thứ ba, 22/12/2020 - 14:55'
Anh Lý A Sử (SN 1990) - Trưởng bản Nậm Pắt là một trong những trưởng bản trẻ tiêu biểu của xã Tà Mung (huyện Than Uyên). Bằng sự sáng tạo, tư duy nhạy bén, anh tích cực trồng ngô, cấy lúa, chăn nuôi trâu, bò; nhân rộng và phát triển mô hình nuôi gà đen để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, hàng năm, gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Anh Lý A Sử chăm sóc đàn gà đen.

Theo chân cán bộ hội nông dân, phụ nữ, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lý A Sử (ở bản Nậm Pắt) khi trời đã xế chiều. Lúc này, anh vừa lùa đàn trâu, bò ở bãi chăn thả về; chân tay còn lấm đầy bùn đất. Sau khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn thăm mô hình nuôi gà đen của gia đình, anh dẫn chúng tôi ra chuồng nuôi. Vừa mở cửa vườn, chúng tôi thấy những chú gà chân đen mũm mĩm đang tìm mồi ăn ở góc vườn, phía bên trong chuồng, nhiều con đã no, đứng rỉa lông. Anh Sử phấn khởi cho biết: Vợ chồng tôi nuôi 300 con gà đen. Vừa mới bán được hơn 30 triệu đồng rồi. Bây giờ chỉ còn mấy chục con nữa thôi.

Được biết, đầu năm nay, khi Dự án CWS triển khai cho giống gà đen, hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển kinh tế ở xã, vợ chồng A Sử mạnh dạn xung phong nhận. Tận dụng đất vườn phía trước nhà, vợ chồng anh xây dựng chuồng nuôi gà; mua thức ăn chăm đàn gà nhỏ. A Sử chia sẻ: Thực hiện mô hình nuôi gà đen đầu tiên này, vợ chồng tôi được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà, có thêm kinh nghiệm chăm sóc, cách phòng bệnh. Hàng ngày vệ sinh chuồng sạch sẽ, một tuần phun khử khuẩn một lần. Khi thấy con nào biểu hiện cúm là tách riêng đàn, mua thuốc về cho uống. Vì vậy, đàn gà phát triển tốt, khỏe mạnh, đến giờ đã xuất chuồng gần hết rồi. Gà nhà tôi nuôi theo kiểu gà thả vườn, thức ăn sạch, chủ yếu là cám ngô trộn với cây chuối, ngoài ra có thêm thóc nên thịt chắc, ngọt, mọi người tự tìm đến tận nhà để mua.

Sinh ra trong một gia đình nông dân người Mông nghèo khó, A Sử luôn ý thức được rằng “có làm thì mới có ăn”, chỉ có chăm chỉ làm kinh tế, gia đình mới thoát được cái đói, cái nghèo, vợ con đỡ khổ, bố mẹ, anh em cũng được nhờ. Vì thế, sau khi xây dựng gia đình, có trâu bố mẹ cho, A Sử mua thêm trâu cái từ số tiền tích lũy trước đó và vay mượn thêm của bạn bè. Đồng thời xây dựng chuồng trại nuôi thêm lợn cho “bõ công” chăm sóc. Để có thức ăn cho đàn gia súc, A Sử cùng vợ lên nương khai hoang trồng ngô, trồng sắn; mua thêm đất ruộng cấy lúa. Tận dụng nguồn phân chuồng bón cho cây trồng.

Trời không phụ công sức của đôi vợ chồng trẻ, hiện nay, gia đình anh Sử cấy 1ha lúa 1 vụ, thu về 100 bao thóc/năm; trồng 6 sào ngô (2 vụ), mỗi năm thu 6 tấn ngô, đủ để phục vụ lương thực cho gia đình và thức ăn cho đàn vật nuôi.

Anh Sử tươi cười: Gia đình tôi vừa mới xuất 6 tạ lợn, thu về được mấy chục triệu đồng; có thêm tiền trang trải cuộc sống, mua đồ dùng sinh hoạt; quần áo mới cho các con đi học. Hiện nay, gia đình còn 7 con trâu, 1 con bò, 10 con lợn, gần 100 con gà đen, vịt, ngan các loại. Tính ra, mỗi năm, thu nhập của gia đình cũng được hơn 100 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, đầu tháng 10 vừa qua, khi Hội Nông dân xã triển khai trồng cây vụ đông trên đất ruộng 1 vụ, anh Sử tích cực trồng hơn 2.000m2 rau gồm: 1.000 cây su hào, 1.500 cây cải bắp, gần 1.000 cây súp lơ. Nhờ cán bộ hội nông dân, cán bộ nông nghiệp hướng dẫn chăm sóc rau, anh Sử chăm chỉ làm theo, hàng ngày tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu, sau khoảng 2 tháng, lứa su hào cho thu hoạch; mới đây, anh bán gần 1 tạ với giá 15.000 đồng/kg; cải bắp bắt đầu cuộn, súp lơ đã ra bông. Nhìn những luống rau xanh tươi của gia đình anh, chúng tôi rất vui.

Chị Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Mung cho biết: A Sử và vợ rất chăm chỉ. Sự sáng tạo, tiên phong của A Sử trong phát triển kinh tế luôn được lãnh đạo xã, Hội Nông dân huyện đánh giá cao. Gia đình A Sử là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã.

Không những thế, A Sử còn là trưởng bản gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm. Với gần 10 năm làm trưởng bản, anh tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; chung sức xây dựng nông thôn mới bằng việc góp công sức, hiến đất làm đường giao thông. Vừa rồi, anh vận động bà con trong bản làm đường hoa đầu tiên của xã hưởng ứng phong trào xây dựng bản “xanh - sạch - đẹp”. Nhờ sự gương mẫu, đi đầu của trưởng bản, dân bản Nậm Pắt hăng say làm theo, cả bản có 44 hộ dân, hiện chỉ còn hơn 20 hộ nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con từng bước được cải thiện.

Những tấm Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Giấy khen của Hội Nông dân tỉnh, huyện, UBND huyện Than Uyên, xã Tà Mung dành cho anh Sử là thành quả xứng đáng cho nỗ lực vươn lên của Trưởng bản Nậm Pắt. Hy vọng rằng, A Sử sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình để làm gương cho Nhân dân trong bản, trong xã học và noi theo.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...