Thứ năm, 28/03/2024, 22:59 [GMT+7]

Sôi nổi, đậm bản sắc văn hóa truyền thống

Thứ hai, 30/11/2020 - 19:29'
(BLC) - Đó là đánh giá của Ban Tổ chức cũng như cảm nhận của các diễn viên, nghệ nhân và đông đảo khán giả có mặt tại Rạp chiếu phim thành phố Lai Châu - nơi diễn ra Liên hoan tiếng hát người cao tuổi (NCT) tỉnh lần thứ VI, năm 2020 vừa được Hội NCT tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Tạo sân chơi bổ ích, lý thú cho NCT với phương châm “sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc”, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được các cấp Hội trong tỉnh đặc biệt chú trọng tổ chức, phát động để nhân rộng. Và, Liên hoan tiếng hát NCT là một trong số đó. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Phùng - Chủ tịch Hội NCT tỉnh cho biết: Được tổ chức thường niên nên đảm bảo nâng cao chất lượng, sau mỗi kỳ Liên hoan, chúng tôi đều họp rút kinh nghiệm và yêu cầu cao hơn ở tất cả các khâu: lựa chọn chủ đề, dàn dựng, trang phục, đạo cụ, biểu diễn. Sự kiện lần này đặc biệt chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng tới Đại Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cụ thể hóa nhiệm vụ: bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa bản sắc tốt đẹp của các dân tộc để xây dựng con người phát triển toàn diện mà nhiệm kỳ 2020 - 2025 Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định. Do đó, điểm mới là ngoài chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, truyền thống tốt đẹp của các thế hệ NCT Việt Nam, bắt buộc phải có tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Lai Châu; lần đầu tiên đưa nội dung khiêu vũ vào dự thi.

Bám sát yêu cầu của Ban Tổ chức, thông qua hoạt động của câu lạc bộ văn nghệ, liên hoan tổ chức tại cơ sở, Hội NCT các huyện, thành phố đã lựa chọn được hạt nhân văn nghệ tiêu biểu, nổi trội thành lập đoàn tham gia luyện tập. Nhiều đoàn còn nhận được sự hỗ trợ của cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện trong lựa chọn tác phẩm, biên đạo múa, hướng dẫn luyện tập, thiết kế đạo cụ đã mang đến Liên hoan những tiết mục đặc sắc nhất, thể hiện rõ nét thế mạnh phong trào bề nổi cũng như bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc tại địa phương.

Ông Tẩn A Mưu - Trưởng Ban Đại diện Hội NCT huyện Phong Thổ chia sẻ: Chúng tôi lựa chọn chủ đề “Điểm sáng miền biên cương”, trong đó diễn viên, nghệ nhân đều là hội viên dân tộc Thái trắng ở xã Mường So và thị trấn Phong Thổ bởi đã thành lập được nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ thường xuyên luyện tập, biểu diễn nhằm lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Do đó, 4/5 tiết mục là các bài dân ca, múa mùa dệt, hòa tấu tính tẩu, hòa tấu giai điệu then đặc trưng của dân tộc Thái.

Theo thứ tự bốc thăm, mỗi đoàn có tối đa 35 phút để thể hiện lần lượt các tiết mục ca-múa-nhạc, khiêu vũ nên khán giải thực sự mãn nhãn và liên tục trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Nổi bật hơn cả là nội dung múa và nhạc, bởi có sự kết hợp của nhiều diễn viên, nghệ nhân, tái hiện đời sống văn hóa, cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc từ vùng cao đến vùng thấp. Điển hình như các tiết mục múa: dệt vải của dân tộc Thái; vui hội bánh giầy của dân tộc La Hủ; tính tẩu nhớ thương, nét riêng bản Thái, kéo sợ dệt vải của dân tộc Thái. Trong phần nhạc, với làn điệu tính tẩu, giai điệu then, tiếng sáo, tiếng khèn réo rắt, trầm bổng, rộn ràng mang âm hưởng của núi rừng Tây Bắc.

Sôi động tiết mục múa Hà Nhì “Vui hội bánh giày” của Đoàn huyện Mường Tè.

Đam mê ca hát nên chị Hoàng Thị Nga (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) dành thời gian theo dõi, cổ vũ cho các tiết mục của cả 9 đoàn. Chúng tôi thấy chị đều không tiếc lời khen ngợi: Những bước nhảy không được uyển chuyển, mềm mại nhưng nhuần nhuyễn; giọng hát không còn trong trẻo nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết khiến tôi thật sự bất ngờ trước sự trẻ trung của các cụ. Điều đó cho thấy, cuộc sống của NCT trong tỉnh đã có nhiều thay đổi. Thông qua Liên hoan, giúp tôi hiểu thêm văn hóa đặc trưng của nhiều dân tộc tỉnh.

Cộng hưởng nhiều yếu tố từ ánh sáng, âm thanh đến trang phục, sự nhịp nhàng, dứt khoát trong động tác tay và chân đúng nhịp, phách của các “vũ công” trong vũ điệu cha cha cha, zumba… khiến không gian sân khấu thêm sôi động. Đây cũng là bộ môn hiện được nhiều tổ chức Hội NCT ở cơ sở đưa vào hoạt động bề nổi giúp hội viên có thêm lựa chọn mới để rèn luyện, nâng cao sức khỏe cũng như đời sống tinh thần. Nói như ông Nguyễn Xuân Hiển - Trưởng Ban Đại diện Hội NCT huyện Tân Uyên: Hiện nay, phong trào khiêu vũ trong hội viên NCT của huyện rất sôi động, lan tỏa khắp các tổ dân phố của thị trấn. Do vậy, chúng tôi dễ dàng lựa chọn thành viên tham gia luyện tập từ liên hoan cấp huyện vừa được tổ chức.

Tham gia Liên hoan, Đoàn huyện Tân Uyên dự thi 6 tiết mục ca-múa-nhạc và khiêu vũ. Với sự dàn dựng công phu, chuẩn bị chu đáo trong trang phục, lối biểu diễn duyên dáng, hài hước, bài hát, điệu múa đúng chủ đề yêu cầu được Ban Giám khảo đánh giá cao và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Vậy nên không quá ngạc nhiên khi đơn vị có tới 2 tiết mục đoạt giải A, 2 tiết mục đoạt giải B và tổng kết với giải nhất toàn đoàn.

Đến từ huyện biên giới xa nhất của tỉnh, mặc dù sinh hoạt Hội NCT nhưng các hội viên của huyện Mường Tè vẫn tích cực tham gia lao động sản xuất cùng gia đình. Phát huy tinh thần trách nhiệm, khi được vận động, lựa chọn để luyện tập tham dự Liên hoan ai cũng hồ hởi, nhiệt tình. Mang những tiết mục văn nghệ đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Hà Nhì, Cống dự thi, giúp khán giả có thêm cơ hội tìm hiểu nhiều nét văn hóa đặc trưng trong trang phục, đời sống sinh hoạt của đồng bào mà không phải đi quá xa.

Ông Lê Xuân Phùng khẳng định thêm: Liên hoan là dịp để các nghệ nhân, diễn viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm duy trì, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ trong NCT. Là việc làm thiết thực góp phần thực hiện phương châm: sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Qua các phần thi, chúng tôi đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, chu đáo, bài bản, mang đến Liên hoan chương trình nghệ thuật chất lượng cao của cả 9 đoàn. Cá biệt có những đơn vị thu hút các đôi vợ chồng tham gia (riêng huyện Tân Uyên có 4 đôi), một số diễn viên đang điều trị bệnh hiểm nghèo. Điều đó, tạo cho Liên hoan thêm hấp dẫn, sôi nổi, làm cho lời ca tiếng hát có ý nghĩa hơn trong cuộc sống NCT.

Cuộc vui nào cũng có hồi kết và những nỗ lực được đền đáp xứng đáng khi Ban Tổ chức trao tổng số 54 giải thưởng (A, B, C và khuyến khích) cho các tiết mục và 9 giải nhất, nhì, ba, khuyến khích toàn đoàn. Trong đó, giải nhất toàn đoàn thuộc về Hội NCT huyện Tân Uyên. Tuy nhiên, quan trọng hơn là giây phút giã bạn, mỗi thành viên đều tự hào, mãn nguyện vì đã hoàn thành mục tiêu lớn nhất: giao lưu, học hỏi, mang tiếng hát làm đẹp cho đời, khẳng định thêm NCT đã và đang được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.

Nam Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...