Thứ năm, 28/03/2024, 21:38 [GMT+7]

Xứng đáng là “bóng cả” của bản làng

Thứ hai, 09/03/2020 - 09:22'
(BLC) - Đến bản Nà Đa (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) hỏi ông Hoàng Đình Sáu ai cũng biết. Bởi, ông không chỉ là trưởng bản vừa có tầm lại có tâm, là "bóng cả" của bản làng.

Trong tiết trời oi nóng, chúng tôi tới thăm vườn cây gai xanh của gia đình ông Sáu. Trước đây, khi Chi Nhánh Công Ty TNHH May Thêu Giày An Phước tại Thanh Hóa đặt vấn đề cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng thử nghiệm cây gai xanh trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền thị trấn đã tuyên truyền, vận động nhưng bà con không đồng thuận với lý do đây là loại cây trồng mới, trên địa bàn huyện chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân thu mua loại cây này. Thời điểm đó, chỉ có ông Sáu mạnh dạn đăng ký trồng. Đến tháng 6/2019, gia đình ông đã trồng 19 nghìn cây gai xanh trên diện tích 7.000m2 đất.

Ông Sáu chia sẻ: “Đây là cây trồng mới, khi đăng ký tôi cũng khá đắn đo. Suy nghĩ kỹ, nếu mình không chịu đổi mới, không dám thử sao biết thành công hay không. Bản thân là trưởng bản phải làm gương để dân bản mắt thấy, tai nghe, mạnh dạn đưa cây trồng mới vào sản xuất nhằm mang lại giá trị kinh tế cao, đẩy lùi đói nghèo”.

Cây gai xanh ưa khí hậu nóng ẩm, trồng đúng kỹ thuật sau 4-5 tháng có thể thu hoạch vụ đầu tiên. Chặt sát gốc, cây mọc lại và có thể thu hoạch vụ thứ 2 sau 45 ngày. Thông thường, vỏ cây gai được dùng làm nguyên liệu sản xuất sợi vải; lá cây làm làm nguyên liệu bánh; thân làm nấm, mộc nhĩ, sản xuất phân vi sinh. “Công ty cung ứng giống cây, hỗ trợ kỹ thuật và cma kết bao tiêu sản phẩm. Đến nay, cây gai xanh chưa có hiện tượng sâu bệnh gây hại, phát triển tốt, đẻ nhánh nhiều. Nếu thuận lợi, 1-2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, giá dao động từ 45-50 nghìn đồng/kg khô” – ông Sáu cho biết thêm.

Ông Sáu (bên trái) cùng lãnh đạo thị trấn Tam Đường kiểm tra vườn mía.

Ông Sáu (trái) cùng lãnh đạo thị trấn Tam Đường kiểm tra vườn mía.

Không chỉ tiên phong trồng cây gai xanh, ông Sáu còn là người duy nhất trên địa bàn huyện trồng giống mía ép đường. Tháng 3 vừa qua, được Hợp tác xã nông sản sạch T&D Lai Châu (thành phố Lai Châu) hỗ trợ 70 triệu đồng cùng kỹ thuật và ký kết bao tiêu sản phẩm, ông mạnh dạn đầu tư 15 triệu đồng mua cây giống ở tỉnh Sơn La trồng 1.600m2 mía. Để trồng được giống mía mới này khâu quyết định thành công và đòi hỏi khắt khe nhất là làm đất, bởi vậy ông được Hợp tác xã cho mượn máy làm rãnh, hướng dẫn kỹ thuật trồng. Ông Sáu cho biết: “Cây mía phát triển tốt lắm, không sâu bệnh. Mặc dù đất khá bạc màu, thời tiết nắng mưa thất thường nhưng cây vẫn xanh tốt mà không cần tưới nước hay phân bón nên giảm công và vốn đầu tư”.

Cùng ông Sáu ra vườn, nhìn những cây mía xanh tốt, thân mập minh chứng cho lời ông Sáu nói. Quan sát chúng tôi thấy, dưới đất giữa các hàng mía, những tấm bạt vẫn còn nguyên không bị lột ra như trồng giống mía ép nước, mía ăn thông thường. Ông Sáu giải thích: “Với loại mía ép đường này khi làm đất, đánh luống và trồng phải dùng bạt phủ lên rồi cắt từng khoanh nhỏ trên mỗi đầu mẩu để mía vươn mầm, còn đất xung quanh vẫn phải che bạt để giữ ẩm. Nhờ đó, giảm công chăm sóc, tưới nước, mía lên mầm nhanh (sau 3 ngày)”. Dự kiến tháng 11 tới, vườn mía của gia đình ông Sáu sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, hiện Hợp tác xã nông sản sạch T&D Lai Châu ngỏ ý thu mua toàn bộ diện tích với giá hơn 200 triệu đồng để làm giống mà không cần chờ đến mùa thu hoạch.

Mạnh dạn, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế, ông Sáu còn là trưởng bản tiêu biểu, nói dân nghe, làm dân tin. Ông cùng chính quyền địa phương, cấp ủy chi bộ, đoàn thể bản tuyên truyền, vận động người dân đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, hiệu quả lao động và thu nhập.

10 năm giữ cương vị trưởng bản, ông đã giúp dân bản thay đổi tư duy trong sản xuất. Đến nay, 100% số hộ dân bản Nà Đa sử dụng giống lúa năng suất cao: séng cù, bắc thơm; cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch; trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung. Bản có 41 hộ thì chỉ còn 7 hộ nghèo. Ông Lò Văn Yếm – Bí thư Đảng ủy thị trấn nhận xét: “Ông Sáu là một trong những hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thị trấn, huyện và trưởng bản có trách nhiệm với công việc, đi đầu trong các phong trào, giúp đỡ bà con trong bản phát triển kinh tế”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, với những đóng góp của mình, nhiều năm liền ông Sáu được các cấp trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Điển hình là năm 2017 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2012-2016...

Vương Trang – Bạch Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...