Thứ bảy, 20/04/2024, 17:37 [GMT+7]
Hướng về biển, đảo, biên giới tổ Quốc

Vang mãi tên anh giữa biển trời đất mẹ

Thứ sáu, 30/07/2021 - 15:07'
Tháng Bảy về, cả nước tri ân vọng tưởng những người con ưu tú đã ngã xuống vì bình yên của đất mẹ. Trong dòng chảy tri ấn ấy, không thể không nhắc tới 64 liệt sĩ đã ngã xuống trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988. Các anh đã ngã xuống cho Trường Sa xanh mãi, để hơn 90 triệu người dân đất Việt tự hào về các anh - những lính biển bất tử của Tổ quốc Việt Nam.

Xin hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc

Lần theo số điện thoại từ một đồng nghiệp cung cấp, tôi chủ động gọi cho anh Phạm Văn Long, là em trai của liệt sĩ Phạm Văn Lợi, nguyên chiến sĩ thuộc Trung đoàn 83 Công binh Hải quân hi sinh trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988. Tôi không biết mặt anh Long, nhưng cảm nhận được nỗi đau của người em mất anh khi tôi bảo “Xin anh kể vài nét về anh Lợi”. Từ đầu dây tận Quảng Bình, giọng anh Long nghẹn lại: “Anh Lợi ngoan và hiền lắm. Trước ngày đi đảo, anh còn đem bạn gái về khoe với cả nhà. Ai ngờ chỉ hơn chục ngày sau, anh hi sinh. Khi nghe tin dữ đó, cả nhà tui bàng hoàng. Đến bây chừ, mạ tôi vân chưa nguôi ngoai được. Cứ đến ngày 27/7, mạ tui lại khóc ròng vì nhớ thương anh Lợi”.

Tháng 3/1987, khi loa truyền thanh của xã thông báo khám nghĩa vụ quân sự, Phạm Văn Lợi đến ngay xã đăng ký tình nguyện vào hải quân và được biên chế vào Trung đoàn 83 Công Binh. Sau gần một năm kể từ ngày nhập ngũ, Lợi được về phép ăn Tết với gia đình. Đó là Tết Mậu Thìn năm 1988. Thấy Lợi tự dưng về nhà, tưởng con đảo ngũ, ông Phạm Đức Dần mắng: “Răng mới đi chưa đầy năm mà mi đã về rồi, hay là đảo ngũ”? Lợi bảo: “Đơn vị cho con về nghỉ phép Bọ ạ. Ăn tết xong con đi Trường Sa. Con nghe các anh trong đơn vị nói rứa”.

Ngay chiều tối ấy, Lợi dẫn về nhà một cô gái xinh đẹp và giới thiệu với cả gia đình là người yêu. Lợi còn bảo, sau khi đi Trường Sa về sẽ làm đám cưới. Ngày lên đường đi Trường Sa, mẹ Lợi - bà Nguyễn Thị Trước nấu nồi bún nhỏ đặt ra giữa nền đất. Lợi ngồi xuống ăn với nước mắm kho quẹt rồi chỉ nói vẻn vẹn một câu: “Con đi mẹ hỉ”, rồi tung tăng như đứa trẻ chạy ra ngõ cùng mấy anh em cùng làng đến chỗ giao quân, hơn hai tháng sau Lợi nằm lại biển khơi cùng 63 đồng đội.

Trưa ngày 14/3/1988, lúc tui đang múc nước ở giếng thì nghe tin anh Lợi hi sinh. Mạ tui gào khóc chạy ra đầu ngõ nghe ngóng từ hàng xóm. Còn bọ tui trầm ngâm đi lại trong nhà. Bọ tui nói vọng ra: “Ai bảo nó chết. Tin đó ở mô?

Cả nhà tui rụng rời và đó là sự thật. Anh là con thứ năm của gia đình tui. Anh hiền lắm anh ạ. Cả tuổi thanh xuân của anh cống hiến cho Tổ quốc, cho biển đảo rồi. Anh Long nghẹn giọng trong máy điện thoại.

Tuổi 20 quên mình giữ đảo

Tôi tìm đến nhà cựu binh trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên Thuyền trưởng tàu HQ-07 Lữ đoàn 171 Hải quân, để nghe ông kể về trận chiến cách đây 33 năm trước. Ông Chức đã một thời làm nhiệm vụ ở Trường Sa vào những năm 1987 - 1990, và sau trận hải chiến Trường Sa, ông đã tham gia viết sử, kể về những chiến sỹ hi sinh ngày ấy.

Ông Chức trầm buồn nhớ lại: “Trong lịch sử Hải quân Việt Nam, trận hải chiến Trường Sa - 1988 được coi là bi hùng và đau thương nhất. Những người lính đi đảo năm ấy đến từ nhiều tỉnh khác nhau, họ đều rất trẻ và phần nhiều chưa có người yêu. Trước khi lên đường đi Trường Sa, một số chiến sỹ có vợ nhưng chưa có con. Có người để lại bố mẹ già rồi lên đường với lời hẹn sau đi Trường Sa về sẽ cưới vợ và sinh con cho bố mẹ bế bồng. Nhưng tất cả điều đó đã không xảy ra”.

Ông Chức nhìn ra khoảng trống mảnh vườn để giấu giọt nước mắt chực trào ra, rồi ông quay lại nói trong xúc động “Họ đã đi và mãi mãi không về”.

Trong số 64 liệt sỹ hy sinh anh dũng trong trận hải chiến, Quảng Bình là nơi có nhiều liệt sỹ nhất với 13 liệt sỹ, sau đó là Đà Nẵng 9 liệt sỹ; Thanh Hóa và Nghệ An mỗi tỉnh 8 liệt sỹ.

Nước mắt giữa tượng đài bất tử

Năm 2017, có một sự kiện quan trọng trong hành trình tri ân 64 liệt sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi sinh tại Gạc Ma - Trường Sa ngày 14/3/1988. Đó là khánh thành Khu tưởng niệm Liệt sĩ Gạc Ma với tên gọi: “Những người nằm lại phía chân trời” tại bán đảo Cam Ranh - tỉnh Khánh Hòa.

Không thể nào quên được buổi tối hôm ấy, hàng ngàn người con đất Việt, trong đó, có những người mẹ, vợ, con, cháu của 64 liệt sĩ đã hy sinh đến dự lễ tâm linh rước vong hồn họ từ biển Cam Ranh về lòng đất mẹ.

Hôm ấy, cựu binh Nguyễn Văn Chương, nguyên Chỉ huy Phó quân sự đảo Gạc Ma có nhiều nỗi niềm chung riêng xúc động. Ông đến từng ngôi mộ gió thắp nén hương trước anh linh đồng đội. Mộ nào, ông cũng đưa tay chào và nghiêng mình kính cẩn: “Đây là nơi yên nghỉ cuối cùng. Đồng đội hãy yên nghỉ nhé”.

Và cũng trong buổi khánh thành Tượng đài Gạc Ma năm ấy, mẹ Trần Thị Huệ đến từ Đà Nẵng, đem theo lá thư của con trai - liệt sĩ Lê Thế để tặng cho Phòng lưu trữ di vật liệt sĩ Gạc Ma trong khu tưởng niệm. Mẹ không nhớ bao lần khóc mỗi lần đọc thư con, song có một điều luôn day dứt chưa bao giờ nguôi trong tâm mẹ là được nhìn thấy nắm xương cốt của con dù chỉ là mảnh san hô đem về từ biển.

Khi ban tổ chức mời mẹ Huệ lên sân khấu trao di vật cho nhà lưu niệm, mẹ tay run run đưa lá thư lên ngực như ôm con mình lần cuối. Nước mắt lưng tròng, mẹ nói với chúng tôi: “Tui giữ lá thư này và coi đó như xương cốt thằng Thế. Rất nhiều người đến xin, nhưng nay tui mới trao. Con trai tui được về đây rồi, phần nào cũng đỡ đau xót hơn”.

Tôi hỏi: “Từ ngày anh Thế hi sinh rồi, giờ má còn nhớ khuôn mặt anh Thế không?” mẹ Huệ ngậm ngùi: “Làm sao mà quên được. Thằng Thế có tật nhỏ ở mắt trái nên đi khám nghĩa vụ mấy lần không đậu. Nó cứ nằng nặc đòi đi bộ đội nên tui đã đưa nó đi phẫu thuật đó chớ. Nó hoạt bát lắm. Ngày trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nó ôm vai tui bảo “nhất định con sẽ trở về”. Ai ngờ đâu nó lại hi sinh”. Thêm một lần nữa mẹ Huệ rơi nước mắt

33 năm trôi qua, thời gian đủ dài để nhuộm trắng những mái đầu xanh, những người mẹ đã không thể chờ đợi để tìm thấy con mình nơi sóng nước, những người cha đã lặng lẽ ra đi về thế giới bên kia, song trong tâm khảm của những người thân và đồng đội không thể nguôi ngoai. Dù các anh mang quân hàm cao hay thấp, giữ chức vụ gì, sự hi sinh của các anh đã trở thành bất tử. Để rồi mỗi lần những con tàu hải quân vượt sóng ra khơi làm nhiệm vụ, thế hệ chúng tôi lại nhắc nhớ tên các anh giữa biển trời đất mẹ thân thương.

Mai Thắng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...