Thứ năm, 28/03/2024, 15:42 [GMT+7]

Để tủ sách pháp luật phát huy hiệu quả

Thứ ba, 12/09/2017 - 08:01'
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã xây dựng 11.637 tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn và 60.308 tủ sách pháp luật cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các phương tiện truyền thông hiện đại, mô hình tủ sách pháp luật đang gặp phải những khó khăn, chưa phát huy hết hiệu quả như mong đợi.

Tủ sách pháp luật là một kênh thông tin hữu hiệu chuyển tải kiến thức pháp luật đến người dân. Ảnh: Bá Hoạt

Tủ sách để... "làm cảnh"

Tỉnh Phú Yên hiện có 1.045 tủ sách pháp luật, với hơn 11.600 đầu sách, nhưng lượng người đọc rất khiêm tốn. Tại huyện Sông Hinh có 11 tủ sách pháp luật cấp xã, bình quân chỉ có 24 người đọc/năm; Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc có 29 tủ sách, bình quân có 45 người đọc/năm… Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Sông Hinh cho biết: Người đến mượn và đọc sách, phần lớn là cán bộ thôn, còn người dân thường ít quan tâm.

Tương tự, tại tỉnh Ninh Bình hiện có 864 tủ sách pháp luật trong đó có 155 tủ sách của xã, phường, thị trấn. Nhưng theo đánh giá chung thì sau một thời gian các địa phương rầm rộ hưởng ứng phong trào xây dựng tủ sách pháp luật, đến nay việc quản lý và sử dụng đã bộc lộ nhiều bất cập. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, tủ sách pháp luật chỉ để "làm cảnh" mà không có ai quản lý. Một số tủ sách cấp xã còn bố trí không theo mẫu thống nhất, chất lượng tủ kém, nhỏ, gây khó khăn trong việc sắp xếp và sử dụng.

Tại Hà Nội, tủ sách pháp luật được xác định là một kênh chính thống cần duy trì để chuyển tải kiến thức pháp luật đến người dân. Ngoài nguồn tư liệu của cơ sở, Sở Tư pháp còn cấp phát miễn phí các đầu sách hỏi, đáp pháp luật, tờ gấp tìm hiểu pháp luật phục vụ nhu cầu tra cứu của người dân. Song, theo ghi nhận của phóng viên, việc khai thác sử dụng còn hạn chế. Nhiều phường thuộc các quận: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hà Đông, Nam Từ Liêm không đặt tủ sách pháp luật tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND như hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người đến mượn và đọc sách còn ít.

Trên thực tế, anh Hồ Ngọc Việt (ở phố Ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, khâu rà soát, bổ sung sách chưa xuất phát từ nhu cầu của người đọc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, cập nhật văn bản, tài liệu cho tủ sách và đổi mới, nâng cao hiệu quả khai thác sách, tài liệu chưa được chú trọng nên chưa thu hút được sự quan tâm của người dân. Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng khác chính là sự thay đổi phương thức đọc do sự phát triển mạnh mẽ của internet và các phương tiện truyền thông hiện đại. 

“Tủ sách pháp luật phục vụ theo giờ hành chính, trùng với thời điểm đi làm của cán bộ, nhân viên. Vì vậy, mỗi khi có nhu cầu, tôi thường truy cập internet để tìm hiểu, vừa nhanh vừa hiệu quả” - anh Việt chia sẻ.

Cân nhắc trước khi đầu tư

 

Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn EMMA (tỉnh Trà Vinh) đọc sách báo tại Tủ sách pháp luật.

Khi đánh giá về mô hình tủ sách pháp luật, nhiều địa phương khẳng định, đây là một kênh cung cấp thông tin pháp luật kịp thời, đầy đủ, góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng mô hình này chưa đạt hiệu quả như mong muốn. 

Trong khi đó, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố đang có chủ trương đầu tư thêm cho mô hình này. Theo lý giải của nhiều địa phương, việc này căn cứ vào Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật". Ngoài ra, Văn bản số 751/BTP-PBGDPL của Bộ Tư pháp ngày 10-3-2017 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu rà soát, kiểm tra việc bổ sung, mua sách, tài liệu mới định kỳ để cung cấp cho tủ sách pháp luật theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Thực tế trên đặt ra câu hỏi, việc tiếp tục đầu tư cho tủ sách pháp luật cần triển khai theo hướng nào cho hiệu quả? Theo luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn luật sư Hà Nội), trước hết cần khảo sát, đánh giá mô hình tủ sách pháp luật và nhu cầu của nhân dân trước khi quyết định đầu tư thêm. Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, người dân dễ dàng tra cứu chính sách pháp luật qua mạng internet, trên các trang website của Chính phủ, các bộ, ngành..., đòi hỏi cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và khai thác các tủ sách. "Nên hạn chế mua sách văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng đầu tư sách hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giải đáp pháp luật, tổ chức luân chuyển sách giữa các tủ sách..." - luật sư Cao Minh Vượng đề xuất.

Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp tăng cường giúp đỡ địa phương biên soạn mục lục, tài liệu tóm tắt theo các chuyên đề và thông báo những văn bản hết hiệu lực để thuận tiện cho việc tra cứu; tránh trưng bày những sách pháp luật quá cũ, không còn hiệu lực. Ngoài tủ sách pháp luật truyền thống, nên phát triển các loại hình mới như ngăn sách tại trụ sở thôn, túi sách pháp luật cho các trưởng thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa kết nối mạng internet để người dân tranh thủ ngoài thời gian lao động có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu. Song song với đó, cần xây dựng các tủ sách pháp luật điện tử để phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và tâm lý của người đọc hiện nay. Có như vậy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật mới hiệu quả, không gây lãng phí tiền của Nhà nước.

Hiện nay, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đề xuất xúc tiến xây dựng kênh phổ biến giáo dục pháp luật trên mạng internet, nhất là các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook… Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu hoan nghênh sáng kiến này, nhưng đề nghị phải nghiên cứu kỹ tiêu chí lựa chọn và biện pháp quản lý khi xây dựng fanpage về phổ biến giáo dục pháp luật trên mạng xã hội.

Theo Hà Phong/hanoimoi/06:48 Thứ Ba ngày 12/09/2017

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...