Thứ năm, 28/03/2024, 20:43 [GMT+7]

Độc đáo Lễ cúng bản của dân tộc Lào ở Phiêng Hào

Chủ nhật, 02/02/2020 - 19:02'
(BLC) - Là 1 trong 8 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn huyện Tân Uyên nhưng người Lào chiếm tỷ lệ thấp và tập trung chủ yếu tại bản Phiêng Hào, xã Mường Khoa. Quy tụ 100% hộ dân tộc Lào đã tạo những nét văn hóa riêng vốn có của Phiêng Hào, trong đó phải kể đến Lễ cúng bản được tổ chức vào tháng giêng hằng năm.

Nét đặc sắc trong nghi lễ quan trọng này không chỉ dừng lại ở thủ tục tâm linh mà còn là hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn kết dân bản. Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã lựa chọn Lễ cúng bản của dân tộc Lào để giới thiệu, tái hiện tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao do huyện tổ chức.

Trao đổi với ông Lò Văn Sẳn - Trưởng bản Phiêng Hào (thầy cúng của bản), chúng tôi được biết, trong Lễ cúng có 2 việc quan trọng nhất là làm nhà đón tổ tiên của dòng họ - những người có công khai, lập bản cùng với thần núi, thần khe và mâm cúng. Mục đích cầu mong mưa thuận gió hòa, dân bản làm ăn phát đạt, không có bệnh tật, tai ương. Trước khi tổ chức, bản tiến hành họp dân, thống nhất thời gian, phương thức tổ chức, định mức đóng góp.

Theo quy định, các hộ gia đình khi đi dự lễ phải mang từ nhà theo 1 con gà còn sống và đến nơi cúng sẽ mổ, luộc chung 1 nồi với gà dâng cúng. Khi chín, thầy cúng lựa chọn 3 con gà to, đẹp nhất để dâng lên thần núi, thần khe. Bởi, tại bản có 3 khe nước cung cấp nước tưới tiêu cho đồng ruộng, phục vụ sinh hoạt của bà con.

Trong khi tiến hành nghi lễ, đàn ông mặc quần áo truyền thống, tuyệt đối không đội khăn, đội mũ. Phụ nữ sử dụng trang phục đẹp, truyền thống của dân tộc và quấn khăn trên đầu. Thầy cúng được lựa chọn phải am hiểu nghi lễ, có đức tính tốt, do cộng đồng công nhận và đề cử.

thầy cúng

Thầy cúng đọc bài khấn mời tổ tiên, thần linh về tham dự.

Trước đó, dân bản phát quanh khu đất để dựng ngôi nhà sàn nhỏ bằng tre, nứa - nơi có nguồn nước (bà con cho rằng nơi đây có sự hiện diện của thần núi, thần khe). Sau khi các hộ mang đầy đủ lễ vật và sửa soạn chu đáo mâm lễ, thầy cúng rót rượu, đọc bài khấn mời thần linh về dự. Hết tuần hương và xin hạ lễ, thầy cúng cử người cắm phên - đánh dấu chủ sở hữu (đan bằng tre hoặc nứa theo hình mắt cáo, hình lục lăng tượng trưng cho chiếc chài) tại các điểm có đường rẽ vào bản để thông báo thời điểm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thời gian cấm bản thường từ 17 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau. Nếu giữ được điều này trong suốt thời gian đó thì cả bản sẽ được bình yên.

Chị Lò Thị Lả (người dân trong bản) tâm sự: Đây là nghi lễ truyền thống của dân tộc Lào tại Phiêng Hào. Bản luôn quan tâm duy trì nhằm giữ gìn bản sắc, do vậy các gia đình chủ động, tích cực tham gia, đóng góp để buổi lễ trang trọng, đúng các bước. Đồng thời, khi tổ chức đưa các con, cháu theo để hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình, cùng nhau trân trọng và duy trì.

Bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống từ Lễ cúng bản như một lời hứa ngầm mà đồng bào dân tộc Lào ở bản Phiêng Hào tích cực thực hiện thời gian qua. Từ đó, không phụ công tổ tiên gây dựng, thành lập bản làng cũng như thần núi, thần khe cho nguồn nước dồi dào, bà con tích cực lao động sản xuất, giữ gìn các điệu múa, bài hát, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới.

Hồng Ngọc

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...