Thứ năm, 28/03/2024, 16:05 [GMT+7]

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Thứ sáu, 15/06/2018 - 22:08'
(BLC) - Với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, Lai Châu có thể coi là bức tranh đa sắc màu về văn hóa. Tuy nhiên, trước quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ, nguy cơ “hòa tan” văn hóa truyền thống đã được tính đến và hiện đang được các cơ quan chuyên môn, địa phương của tỉnh tích cực ngăn ngừa, nỗ lực “hòa nhập” thông qua việc xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng; bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Tạo sân chơi lành mạnh, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh xây dựng phong trào văn nghệ tại cơ sở. Theo đó, hướng dẫn cơ sở xây dựng, duy trì và tổ chức hoạt động cho các đội văn nghệ quần chúng. Hết năm 2017, toàn tỉnh có tổng số 787 đội văn nghệ quần chúng, đạt 67,4%, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của người dân địa phương.

Phụ nữ bản Phiêng Phát 2 (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên) truyền dạy cho lớp trẻ trò chơi tó má lẹ.

Được biết, thành viên đội văn nghệ quần chúng có nhiều độ tuổi khác nhau và sinh hoạt dựa trên tinh thần tự nguyện. Khi bản, tổ dân phố, đoàn thể hay xã, huyện có sự kiện, dịp lễ, tết, các đội văn nghệ đều tổ chức luyện tập và tham gia biểu diễn, góp vui. Mặc dù chỉ là diễn viên nghiệp dư với những tiết mục “cây nhà lá vườn” nhưng đều được thành viên đội văn nghệ tập luyện nghiêm túc, thể hiện hết mình nhằm giới thiệu rộng rãi những bài hát, điệu múa, bài dân ca... đặc sắc nhất của dân tộc mình. Hoạt động văn nghệ quần chúng không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân mà còn góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cũng từ những đội văn nghệ này, các địa phương, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện lựa chọn được những hạt nhân có năng khiếu tham gia hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng các cấp.

Hiện nay, bằng nhiều hình thức, phong trào văn nghệ quần chúng không chỉ tập trung ở bản làng, địa phương mà còn phát triển rộng khắp trong các cơ quan, đơn vị, trường học. Với nguồn nhân lực sẵn có, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, các hoạt động, phong trào tại cơ quan, đơn vị thêm đa dạng, phong phú, sôi nổi hơn nhờ những đội văn nghệ quần chúng này.

Ông Sùng A Hồ - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/7/2011 và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cụ thể, tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc tới cấp ủy, chính quyền và quần chúng Nhân dân để cùng chung tay bảo vệ di sản. Tổ chức truyền dạy, gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc cho Nhân dân.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức 2 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể dân tộc Si La, Mảng. Đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ tham mưu trong lĩnh vực giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc ở cơ sở. Gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị giá trị văn hóa truyền thống thông qua xây dựng các bản du lịch cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 36 lễ hội được tổ chức thường niên. Nhân dân các dân tộc địa phương tích cực tham gia hoạt động của lễ hội, đặc biệt là phần hội, trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, tổ chức đảm bảo đúng truyền thống.

Một trong những điều đáng ghi nhận là phần hội tại các lễ hội được tổ chức bài bản, công phu với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Ngoài chương trình văn nghệ, Ban Tổ chức chú trọng đến các trò chơi dân gian, thi môn thể thao dân tộc: chơi tó má lẹ, đu quay, bịt mắt bắt vịt, đẩy gậy, kéo co, ném còn, bắn nỏ... Đây cũng chính là lí do tại các kỳ đại hội thể dục thể thao khu vực, toàn quốc, vận động viên môn đẩy gậy của tỉnh ta đạt nhiều thành tích cao.

Là trò chơi dân gian mang đậm tinh thần đoàn kết, không kén địa điểm, thời gian cũng như quy định cách chơi đơn giản, mọi lứa tuổi đều có thể tham gia nên tó má lẹ (trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào Thái) luôn có mặt ở hầu hết các ngày lễ, tết, dịp vui của cộng đồng người Thái trên địa bàn tỉnh ta. Đây là trò chơi đòi hỏi sự khéo kéo, tỷ mỷ nên những lúc rảnh rỗi, phụ nữ Thái thường tụ họp, phân chia thành các đội để tập luyện cũng như hướng dẫn con cháu cách thức chơi.

Tôi còn nhớ trong chuyến công tác về huyện Tân Uyên, khi đến bản Phiêng Phát 2 tại nhà của chị Tòng Thị Pò tập trung khá đông chị em, trẻ nhỏ đang chơi tó má lẹ. Chị Pò chia sẻ, nhìn thì đơn giản nhưng để ngắm bắn được hạt má lẹ trên đầu gối vào hạt má lẹ cái đặt ở điểm đánh thì không phải ai cũng làm được mà cần phải luyện tập và chơi thường xuyên. Vì là trò chơi truyền thống nên khi nào rảnh rỗi chúng tôi lại rủ nhau chơi và tham gia thi đấu mỗi khi bản có sự kiện vui hay trong các ngày lễ, tết. Thấy các bà, các mẹ chơi, đám trẻ cũng hào hứng tham gia, vui lắm!.

Cũng theo lời ông Hồ, hiện nay toàn tỉnh có 1 bảo vật quốc gia, 25 di tích, trong đó 5 di tích cấp quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh. 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản đang xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Nghệ thuật xòe Thái và Hát then dân tộc Thái. Bên cạnh những hoạt động trên, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh còn tích cực tham mưu, tổ chức các hội thi, hội diễn: Liên hoan Hát then - Đàn tính, Hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số, Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc, Liên hoan nghệ thuật quần chúng công nhân, viên chức, lao động, lực lượng vũ trang...

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nhưng ông Hồ cũng cho biết thêm, việc làm này chưa được thực hiện đồng bộ, chưa lồng ghép công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các chương trình khác nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về công tác bảo tồn mang tính ỷ lại, dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước, ý thức bảo tồn của đồng bào hạn chế.

Để bức tranh văn hóa đa sắc màu của đồng bào các dân tộc Lai Châu ngày thêm rực rỡ, hoàn thiện, thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền văn bản pháp luật có liên quan, vận động, thuyết phục Nhân dân xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa phát triển. Mở rộng giao lưu, học học kinh nghiệm của các đơn vị, địa phương về công tác nghệ thuật.

Hoàng Nam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...