Thứ sáu, 29/03/2024, 13:06 [GMT+7]

Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc

Thứ hai, 13/07/2020 - 13:41'
Huyện Mường Tè - nơi sinh sống của 10 dân tộc với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Theo thời gian, văn hóa truyền thống đang dần mai một. Huyện thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

Trong cái bắt tay và nụ cười thân mật, đồng chí Trần Đức Hiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Để giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, UBND huyện giao Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Dân tộc phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc; phục dựng và duy trì các lễ hội, tết truyền thống; xây dựng đề án khôi phục chữ viết, nghề truyền thống của các dân tộc; phát huy vai trò của các nghệ nhân; thành lập các đội văn nghệ xã, bản. Xây dựng không gian văn hóa các dân tộc tại trung tâm huyện để du khách, người dân tham quan, tìm hiểu.
Cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Dân tộc huyện tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn xuống các bản tìm hiểu về cuộc sống của người dân như: sinh hoạt thường ngày, lao động sản xuất, thờ cúng, xây dựng nhà cửa, trang phục rồi tìm hiểu về các nét văn hóa, những truyền thống nào bị lãng quên, mai một thì tuyên truyền người dân giữ gìn. Vận động bà con dân bản xóa bỏ hủ tục, không đi theo tà đạo, không mê tín dị đoan, không lao vào con đường tệ nạn mà làm mất đi bản sắc truyền thống. Trong những lần đi cơ sở, các cán bộ tham mưu, đề xuất lên UBND huyện tìm cách phục dựng văn hóa truyền thống.
Khi nhận thức của bà con được nâng lên, các lễ hội truyền thống được quan tâm nhiều hơn như: lễ cúng rừng, cúng bản, tết của người Hà Nhì, La Hủ, tết ngô của người Cống, tết mùa mưa... không chỉ có lợn, gà, gạo, ngô để thắp hương mà người dân luôn mặc áo truyền thống trong những ngày diễn ra lễ hội. Sau khi cúng xong, các làn điệu dân ca, dân vũ, điệu múa truyền thống được thể hiện, người dân các bản còn tổ chức thi trang phục, nấu ăn, thi đấu các trò chơi dân gian, tạo không khí sôi nổi trong những ngày hội.
Chị Pờ Khừ Nu, bản Mé Gióng (xã Ka Lăng) chia sẻ: Từ khi cán bộ xã, huyện tuyên truyền, vận động, người dân trong bản biết nhiều hơn về các nét văn hóa lâu đời và tìm cách giữ gìn, khôi phục, thanh niên trong bản mặc trang phục dân tộc, chơi các trò chơi dân gian. Trong những ngày lễ hội của người Hà Nhì, nét truyền thống đó càng được thể hiện khi tái hiện lại hình ảnh của những ngày xa xưa. Riêng bản thân tôi tích cực tham gia đội văn nghệ của bản để hiểu biết thêm về văn hóa của dân tộc”.

Nghề thêu của người Hà Nhì ở xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) được lưu truyền.

Nghề thêu của người Hà Nhì ở xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) được lưu truyền.

Hàng năm, huyện tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc và ngày hội văn hóa, thể thao vùng 3 dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ. Ngày hội không chỉ thể hiện được văn hóa truyền thống của các dân tộc qua các phần thi về trang phục, các điệu múa, lời hát, trò chơi dân gian mà còn giúp bà con được giao lưu, gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất, kết nối tình đoàn kết giữa các dân tộc. Huyện còn quan tâm đến các nghệ nhân, thành lập 111 đội văn nghệ thôn bản thường xuyên luyện tập các làn điệu dân ca, dân vũ; khôi phục các ngành nghề truyền thống như: dệt may, đan lát, rèn đúc... Nghệ nhân Hù Cố Xuân, bản Seo Hai (xã Kan Hồ) tâm sự: “Tôi thường xuyên tìm tòi và lưu giữ truyền thống văn hóa của người Si La, từ trang phục, nhạc cụ, truyện thơ, chữ viết để bảo tồn và truyền dạy cho người dân trong bản hiểu biết về văn hóa dân tộc mình. Tôi vận động con cháu trong gia đình tham gia đội văn nghệ của bản để tập luyện dân ca, dân vũ trình diễn mỗi khi có lễ hội”.
Trước ngày diễn ra lễ hội ném còn 3 nước Việt - Trung - Lào được tổ chức vào cuối tháng 12/2019, huyện tổ chức xây dựng không gian văn hóa các dân tộc xung quanh tuyến đường dọc bờ hồ trung tâm thị trấn huyện. Không gian không chỉ thể hiện lại những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc mà còn quảng bá hình ảnh tới du khách thập phương. Khi lễ hội kết thúc, không gian văn hóa vẫn được duy trì như một điểm du lịch. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo đưa văn hóa truyền thống vào nhà trường để giáo dục các em học sinh biết đến cội nguồn.
Bà con dân bản ở huyện Mường Tè tham gia phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, trên 70% số hộ đạt gia đình văn hóa, 80,2% bản, khu phố đạt văn hóa, 92,7% cơ quan, đơn vị đạt văn hóa.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa truyền thống các dân tộc đang được khôi phục và giữ gìn, đó là sự đồng lòng của chính quyền và Nhân dân trong huyện. Tin rằng, các nét văn hóa mãi được lưu truyền để tô đẹp thêm hình ảnh núi rừng Tây Bắc.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...