Thứ năm, 25/04/2024, 07:25 [GMT+7]

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Thứ sáu, 24/07/2020 - 21:35'
Nằm dưới chân núi Phu Nhọ Khọ, là nơi giao thoa giữa 2 dòng suối Nậm Lùm và Nậm So hiền hòa, bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ) là địa bàn cư trú của 120 hộ, 496 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc: Thái, Mường, Kinh, Giáy (đồng bào dân tộc Thái chiếm 97%). Cùng với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, người dân nơi đây đoàn đã kết cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong chuyến công tác tại bản Vàng Pheo, chúng tôi có dịp tìm hiểu về bản sắc, con người nơi đây. Ấn tượng sâu sắc nhất phải kể đến việc bà con luôn nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái trắng. Điều này được thể hiện rõ nét ở những nếp nhà sàn nằm san sát nhau. Ngay cả nhà văn hóa bản cũng được xây dựng theo lối truyền thống.
Dưới tác động của thời gian, những nếp nhà sàn không còn mới cũng không nổi bật và đồ sộ như những ngôi nhà cao tầng hiện đại. Tuy nhiên, nhà sàn ở đây lại ẩn hiện sau những tán cây, trong bầu không khí trong lành, không khói bụi, mang đến cho con người sự gần gũi, mộc mạc, tinh tế đến lạ thường. Toàn bộ khung nhà sàn được bà con làm bằng thân những cây gỗ to, thẳng, được lựa chọn kỹ lưỡng. Tường và sàn nhà tạo nên từ những tấm ván dầy, phẳng; mỗi nan lan can bảo vệ quanh nhà được tạo dáng mềm mại; mái lợp ngói chắc chắn.

Đội văn nghệ của bản Vàng Pheo, xã Mường So thường xuyên luyện tập và phục vụ du khách đến thưởng ngoạn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

Đội văn nghệ của bản Vàng Pheo, xã Mường So thường xuyên luyện tập và phục vụ du khách đến thưởng ngoạn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

Anh Teo Văn Duyên - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vàng Pheo cho biết: “Hiện nay, trong bản có 30% số hộ sống trong nhà sàn. Hầu hết, những ngôi nhà sàn được làm khoảng 30 năm trở lại đây. Nhà sàn thường có 5 gian, ngăn cách với nhau bằng phên tre. Gian cuối bên phải theo hướng nhà thường được bà con dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên và làm phòng khách. Gian đầu tiên bên trái theo hướng nhà làm gian bếp. Gian giữa và các gian còn lại làm phòng ngủ. Nhà sàn mang đến cho người sử dụng sự thoáng mát, tiện dụng, độ bền và thân thiện với môi trường”.
Để lưu giữ văn hóa của người Thái trắng, bà con bản Vàng Pheo thường xuyên mặc trang phục truyền thống vào dịp lễ, tết, ngày hội thậm chí trong đời sống hàng ngày, khi lao động sản xuất. Nam giới mặc bộ quần áo dệt từ thổ cẩm nhuộm mầu đen, còn nữ giới nổi bật với bộ áo cóm, váy dài mầu đen đến mắt cá chân. Trang phục nữ giới bó sát người, có độ tương phản sáng tối về mầu sắc tôn lên eo thon, duyên dáng, thanh lịch của người mặc. Ngoài ra, hàng ngày, bà con nấu các món ăn ngon mang nét riêng dân tộc như: thịt nướng, cá nướng, cá bống vùi gio, rêu đá, xôi tím, măng đắng, nộm hoa chuối. Vào các ngày 14/7, 5/5, 30/12 (âm lịch), bà con vẫn giữ thói quen làm bánh trưng, bánh giầy; ngày 25/12 không thể thiếu bánh trôi. Lợi thế về ẩm thực, mới đây người dân đã thành lập 2 hợp tác xã chuyên phục vụ du khách các món ăn, 5 hộ gia đình khác cũng sẵn sàng nấu ăn tại nhà khi khách có nhu cầu.
Trong văn hóa của người Thái trắng không thể không kể đến các làn điệu dân ca, dân vũ với các bài hát, điệu múa nổi tiếng: múa khăn, múa nón, múa quạt, múa xoỏng… Nhiều năm nay, trong bản thành lập và duy trì 3 đội văn nghệ của người cao tuổi, trung tuổi, phụ nữ và giới trẻ với 30 thành viên. Các đội văn nghệ chăm chỉ tập luyện, biểu diễn phục vụ Nhân dân. Chị Mào Thị Niệm - Đội trưởng Đội văn nghệ phụ nữ và giới trẻ chia sẻ: “Đội văn nghệ của chúng tôi mới được thành lập năm 2017 với 8 thành viên, song chúng tôi có thể biểu diễn thành thạo 6 tiết mục múa, đánh đàn tính tẩu. Thỉnh thoảng chúng tôi còn truyền dạy múa cho các em nhỏ trong bản mong các em giữ làn điệu truyền thống”.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, khi xã tổ chức các lễ hội: Nàng Han (15/2), Kin Lẩu Khẩu Mẩu (15/9), người dân trong bản nhiệt tình đến tham gia phần lễ, biểu diễn văn nghệ. Riêng lễ hội Nàng Han có thi đấu các môn thể thao (tó má lẹ, bắn nỏ, ném còn…) tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Không những vậy, xuất phát từ thói quen sống gần các con suối, đánh bắt cá, tôm phục vụ đời sống, người dân trong bản giữ nghề đan lát các vật dụng truyền thống. Điển hình như các ông: Thùng Văn Được, Thùng Văn Pỏm, Mào Văn Sân, Mào Văn Hơn đan rổ, giá, mâm, đó, pa hang… bán và sử dụng. Với sự chung sức của bà con, từ năm 2005 đến nay Vàng Pheo luôn giữ vững danh hiệu bản văn hóa.
Khi được hỏi về cách làm để bản giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, anh Duyên vui vẻ cho hay: “Điều cốt lõi là chúng tôi tuyên truyền để bà con hiểu ý nghĩa, giá trị của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những việc làm cụ thể cần thực hiện, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi coi trọng phát huy vai trò của người có uy tín, những người cao tuổi, trưởng dòng họ; quan tâm tuyên dương, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả”.
Trong xu thế hội nhập, nhiều nền văn hóa giao thoa, việc người dân bản Vàng Pheo vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc thật đáng ghi nhận và trân trọng. Tin rằng, nếp sống văn minh, lòng mến khách, cảnh sắc thơ mộng nơi đây đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn, mời gọi du khách gần xa đến để trải nghiệm, khám phá.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...