Thứ năm, 28/03/2024, 20:24 [GMT+7]

Giữ gìn giá trị văn hóa dân gian truyền thống

Thứ sáu, 19/06/2020 - 17:41'
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Vân - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh cho biết: Hiện, Hội có 194 hội viên với các chuyên ngành như: nhiếp ảnh, văn học, mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc… mỗi chuyên ngành đều có thế mạnh riêng nhưng đều có chung một điểm là rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc trong các hoạt động, sáng tác. Bảo tồn các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống được chú trọng thông qua phục dựng các lễ hội, tổ chức các lớp truyền dạy, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, chú trọng công tác định hướng các hoạt động sáng tác theo phương châm bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời phê phán những tập tục lạc hậu, hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Hội VHNT tỉnh đã phối hợp các cơ quan chuyên môn phục dựng được nhiều lễ hội và các sinh hoạt văn nghệ dân gian của dân tộc Hà Nhì, Thái, Lự, Mông, Cống... như: Lễ hội cốm, Lễ hội Nàng Han của người Thái ở Mường So; Lễ hội Gạ Ma Thú, Lễ hội Jé Khù Chà của người Hà Nhì ở Mường Tè; Lễ Căm Mương, trò chơi dân gian và hát đồng dao của người Lự ở Sìn Hồ... cùng nhiều lễ hội khác được phục dựng và bảo tồn.
Gần đây nhất, Hội đang sưu tầm các làn điệu dân ca của người Si La ở Mường Tè. Chị Vân cho biết thêm: Si La là một trong 3 dân tộc ít người của nước ta. Hiện, các làn điệu dân ca đang dần bị mai một, chỉ còn duy nhất 2 nghệ nhân biết và hiểu các làn điệu dân ca này. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các nghệ nhân để sưu tầm và gìn giữ các làn điệu dân ca Si La. Mong muốn sẽ truyền dạy lại cho các thế hệ sau - những người con Si La các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

 Các hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đi thực tế sáng tác tại bản Lướt (xã Mường Kim, huyện Than Uyên).


Các hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đi thực tế sáng tác tại bản Lướt (xã Mường Kim, huyện Than Uyên).

Hay như Lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu (Lễ hội ăn cơm mới) của người Thái ở Mường So (huyện Phong Thổ) được phục dựng thành công và đến nay trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Thái nơi đây. Lễ hội là nơi người dân cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Lễ hội cũng là nơi giao lưu tình cảm của các cư dân trên địa bàn toàn tỉnh. Qua nhiều năm, Lễ hội này không được tổ chức nên đã dần bị mai một. Năm cuối cùng diễn ra Lễ hội là năm 1961, trải qua 46 năm gián đoạn, Lễ hội giờ đây đã được tổ chức, phục dựng lại tại bản Huổi Én, xã Mường So, huyện Phong Thổ (năm 2007) và được tổ chức đều đặn mỗi năm vào rằm tháng 1 hoặc tháng 2 (âm lịch). Hiện nay, chính quyền còn quan tâm bố trí hỗ trợ kinh phí để bà con tổ chức Lễ hội ăn cơm mới.
Bà Nông Thị Diệc (53 tuổi, ở bản Huổi Én) chia sẻ: Ngày xưa còn bé tôi được tham gia Lễ hội ăn cơm mới nhưng chưa hiểu rõ ý nghĩa của Lễ hội dân tộc mình, sau hơn 45 năm không tổ chức người dân cũng dần lãng quên. Nhưng đến năm 2007 được phục dựng và còn nguyên vẹn giá trị văn hóa của dân tộc Thái, bà con rất mừng và phấn khởi. Chúng tôi sẽ cố gắng gìn giữ và tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống, Hội VHNT tỉnh luôn bám sát định hướng chính trị của tỉnh, tuân thủ đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng. Tạo điều kiện, động viên, khuyến khích hội viên, cộng tác viên thâm nhập thực tế, sáng tác. Nội dung các tác phẩm chủ yếu phản ánh hiện thực cuộc sống con người và quê hương Lai Châu; khai thác, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc. Chất lượng có chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng đi lên cả về nội dung và hình thức, đa dạng, phong phú về đề tài, thể loại, đảm bảo vừa mang tính tuyên truyền chính trị vừa đúng tính chất của ấn phẩm VHNT.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết, thời gian qua, Hội VHNT tỉnh luôn động viên các hội viên, cộng tác viên trong các hoạt động, sáng tác VHNT thường xuyên quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, quê hương, đất nước. Do đó, có nhiều tác phẩm được sáng tác mang đậm dấu ấn văn hóa các dân tộc trong nhiều loại hình nghệ thuật như: thơ, văn xuôi, tranh, ảnh. Hàng năm, các đợt đi sáng tác thực tế, Hội tạo điều kiện để hội viên, văn nghệ sỹ có điều kiện tiếp cận thực tế với các địa bàn, đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Từ đó, có thêm tư liệu, cảm hứng để sáng tác những tác phẩm VHNT chất lượng, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Hiện nay, Hội VHNT có Tạp chí Văn nghệ Lai Châu được xuất bản hàng tháng.
Trên tạp chí, diện tích, dung lượng dành cho phản ánh nét đẹp bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được chú trọng như: đăng các tác phẩm văn học bằng tiếng dân tộc thiểu số, các bài hát về quê hương, tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu và nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đến đông đảo công chúng.

Bạch Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...