Thứ sáu, 29/03/2024, 18:52 [GMT+7]

Khởi sắc du lịch Lai Châu

Thứ tư, 11/05/2022 - 10:40'
Từ giữa tháng 3 tới nay, tình hình dịch Covid-19 cả nước nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng đang giảm mạnh, cơ bản đại dịch đã được khống chế. Ngành Du lịch tỉnh bắt đầu mở cửa, đón du khách.

Hoạt động du lịch của tỉnh Lai Châu khởi động từ sau tết Nguyên Đán 2022 với những lễ hội được tổ chức ở các huyện, thành phố. Huyện Nậm Nhùn tổ chức lễ hội đua thuyền đuôi én. Trong lễ hội đã quảng bá hình ảnh và bản sắc văn hóa các dân tộc; tổ chức môn thi đấu thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến tham quan. Ngày 11/3, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thỏa thuận hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch an toàn với Tổng Công ty Du lịch Hà Nội; xây dựng các chương trình sản phẩm thu hút khách du lịch trong bối cảnh mới.

Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: “Hai bên hợp tác khôi phục thị trường khách du lịch, thống nhất phát huy thế mạnh của mỗi bên để quảng bá, truyền thông về du lịch an toàn, chia sẻ kinh nhiệm phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực. Tỉnh Lai Châu hòa mình cùng cả nước mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới”. Đầu tháng 4, huyện Phong Thổ tổ chức lễ hội Then Kin Pang. Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ với các nghi thức cúng, dâng hương tại nhà Then; phần hội có thi văn nghệ và trình diễn trang phục dân tộc Thái, các môn thể thao dân tộc, đêm hội vòng xòe, thi ẩm thực chế biến các món ăn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái, té nước, lễ hội gội đầu năm mới.

Khách du lịch đến tham quan tại điểm du lịch Cầu kính Rồng mây (huyện Tam Đường).

Khách du lịch đến tham quan tại điểm du lịch Cầu kính Rồng mây (huyện Tam Đường).

Từ ngày 14-17/4, tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022 với chủ đề: “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ ”. Đêm khai mạc với sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên, nghệ nhân đã tái hiện vẻ đẹp về “Miền đất - thiên nhiên - văn hóa - con người Lai Châu”, sự kỳ vĩ của những đỉnh núi cao nhất Việt Nam có ở Lai Châu. Trong tuần du lịch tổ chức nhiều hoạt động như: Lễ hội Carnaval diễn diễu đường phố; trình diễn trong trang phục dân tộc; không gian văn hóa các dân tộc; triển lãm hoa lan, cây sinh vật cảnh; giới thiệu sản phẩm trà, mắc-ca, các sản phẩm OCOP và một số nông sản đặc trưng của tỉnh. Không gian giới thiệu, quảng bá du lịch có 18 gian hàng của 5 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. Ngoài ra còn có gian hàng giới thiệu ẩm thực của Thành phố Hà Nội và tỉnh Phông Sa Lỳ (Lào) cũng mang tới 10 sản phẩm tham dự. Chương trình Famtrip và tọa đàm liên kết phát triển sản phẩm du lịch với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp lữ hành 3 miền Bắc - Trung - Nam.

\Tại huyện Tam Đường tổ chức giải dù lượn đường trường PuTaLeng thu hút hơn 100 phi công tham gia; giải Việt dã đường đá cổ Pavi có chiều dài 17km từ bản Nhìu Cồ San (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) sang bản Sàng Mà Pho (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Tuần Du lịch - Văn hóa cũng mở ra nhiều tour du lịch chinh phục đỉnh núi PuTaLeng (Tam Đường), đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (Phong Thổ), đỉnh PuSiLung (Mường Tè). Trong thời gian diễn ra sự kiện, Lai Châu đã đón hơn 70 ngàn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. “Tuần Du lịch - Văn hóa đã góp phần quảng bá mạnh mẽ tiềm năng du lịch của Lai Châu đến với bạn bè trong nước và quốc tế, từng bước khẳng định uy tín, hình ảnh và thương hiệu của du lịch Lai Châu trên bản đồ du lịch Việt Nam” - đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Nhiều du khách đến Lai Châu đều nhận định tỉnh ta có tiềm năng du lịch, nhiều điểm du lịch còn nguyên sơ, bản địa, khí hậu trong lành, các di tích lịch sử, những đỉnh núi cao và người dân thân thiện, mến khách. 20 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những đặc trưng văn hóa, phong tục riêng độc đáo là những địa chỉ du lịch giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Tỉnh Lai Châu cũng xác định xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống, du lịch tham quan danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp. Những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước yêu thích trải nghiệm thường tìm đến điểm du lịch cộng đồng ở các bản.

Đặc biệt như bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ), 100% là người dân tộc Mông. Hàng năm bản đón hơn 20.000 lượt khách du lịch đến trải nghiệm cùng với người dân, tham quan các hoạt động biểu diễn văn nghệ dân gian, ngắm hoa địa lan, ruộng bậc thang, chinh phục đỉnh Sơn Bạc Mây, tham quan thác Trái Tim, tắm lá thuốc, ăn ngủ trong nhà dân (nhà nghỉ lưu trú homestay). Từ bản, du khách có thể du lịch mạo hiểm đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử cao 3.045m. Anh Giàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: “Bà con dân bản đoàn kết cùng nhau phát triển du lịch cộng đồng, nhiều hộ có thu nhập khá, giàu nhờ tham gia làm dịch vụ du lịch. Ngành nghề truyền thống đặc sắc của dân tộc Mông được quảng bá, sản phẩm nông, lâm sản địa phương được tiêu thụ”.
Bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) nằm lưng chừng núi với độ cao gần 1.500m, người dân tộc Dao ở đây vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm, phong tục tập quán, trang phục, lễ hội (tủ cải, nhảy lửa), nghề thuốc, nhà trình tường. Bản có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, nơi có địa điểm bay dù lượn quốc tế, chinh phục và khám phá đỉnh PuTaLeng với độ cao 3.049m. Hàng năm, bản đón 5.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ lại ngắm hoàng hôn xuống và đón bình minh lên.
Đến với bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) du khách tham gia hoạt động chợ phiên, chợ đêm và trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực của người Giáy. Đến bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ) khách được ngủ đêm tại nhà sàn của người Thái trắng, trải nghiệm đời sống sinh hoạt, văn hóa của người dân bản địa, tham dự lễ hội Nàng Han, lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu, thưởng thức nghệ thuật trình diễn dân gian, ẩm thực, phong tục tập quán, trang phục. Bản Thẳm của dân tộc Lự ở xã Bản Hon (huyện Tam Đường) có động Đông Pao được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Người dân nơi đây thân thiện, bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Lai Châu sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích danh lam thắng cảnh có giá trị như: động Tiên Sơn, Pu Sam Cap, thác Tác Tình, đèo Hoàng Liên Sơn; Pú Đao - nơi ngắm hoàng hôn trên sông Đà; cao nguyên Sìn Hồ với núi Đá Ô, tắm lá thuốc; du lịch sinh thái và văn hóa vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Bản Chát; du lịch lịch sử gắn với tâm linh như: đền thờ vua Lê Thái Tổ, bản Lướt Mường Kim, hòn đá trắng, hang kháng chiến Nà Củng, đền thờ nàng Han, phế tích dinh thự Đèo Văn Long. Ngoài ra còn chinh phục các đỉnh núi cao, cầu kính Rồng Mây, tắm nước nóng, chợ phiên… Giai đoạn 2016-2020, Lai Châu đã đón 1,5 triệu lượt khách du lịch. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022 đã có gần 153.000 lượt khách du lịch đến với Lai Châu, doanh thu du lịch đạt 136 tỷ đồng.
Tuy du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhưng với các chính sách thông thoáng, nhiều giải pháp hướng tới an toàn, thân thiện, hấp dẫn du lịch Lai Châu đang trên đà khởi sắc. 

Trung Thành

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...