Thứ sáu, 29/03/2024, 01:49 [GMT+7]

Khi ý Đảng thuận lòng dân

Thứ tư, 22/01/2020 - 22:23'
(BLC) - Thực hiện chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông tại huyện Than Uyên đã tạo sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực. Đa số đồng bào dân tộc Mông trong huyện nhận thức rõ chủ trương ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới đi đôi với phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, nỗ lực thi đua trong từng nhà, từng người.

Đồng chí Nguyễn Đăng Trường - Bí thư Đảng ủy xã Tà Mung chia sẻ với chúng tôi câu chuyện bà con dân tộc Mông nơi đây thực hiện bản cam kết “5 việc phải làm, 5 việc không làm” (gồm: 5 việc phải làm là chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đến trạm y tế khám chữa bệnh, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con; tổ chức đám cưới tự nguyện và đủ tuổi…; 5 việc không làm: không trồng, hút thuốc phiện, không di dịch cư tự do, không đốt phá rừng, người chết không để quá 2 ngày…). Sau hơn 1 năm thực hiện, bản cam kết như bản ghi nhớ để bà con tự giác chấp hành và nhắc nhở nhau cùng thực hiện tốt. Từ khi thực hiện nếp sống văn hóa mới, đã có tới 95,4% hộ gia đình nhận thức tốt về việc giữ gìn bản sắc văn hóa; 4 hộ, 20 nhân khẩu bỏ đạo lập lại bàn thờ tổ tiên, 99% học sinh các cấp đi học chuyên cần, 98% người dân đến cơ sở y tế khám chữa bệnh, 21 cặp tảo hôn dừng lại; nhiều hủ tục được loại bỏ, nhất là việc tổ chức tang ma, đám cưới. Kinh tế người dân ổn định với việc tỉnh, huyện đưa cây chè, mắc ca, sơn tra vào trồng; cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, sạch đẹp.

Cán bộ xã Tà Mung tuyên truyền nội dung nếp sống văn hóa mới đến bà con dân tộc Mông bản Nậm Pắt.

Cán bộ xã Tà Mung tuyên truyền nội dung nếp sống văn hóa mới đến bà con dân tộc Mông bản Nậm Pắt.

Là xã vùng cao của huyện, Tà Mung có 11 bản, 761 hộ dân tộc Thái, Mông, trong đó dân tộc Mông chiếm 47%. Trước khi có chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông, việc cưới, việc tang còn nặng hủ tục, cách ăn ở, sinh hoạt, làm kinh tế chậm đổi mới, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, đời sống còn khó khăn. Khi Đảng bộ huyện Than Uyên ban hành và thông qua chủ trương được bà con đồng thuận, ủng hộ cao. Đặc biệt, nội dung bản cam kết “5 việc phải làm, 5 việc không làm” được triển khai đồng bộ ở 5 bản dân tộc Mông sinh sống. Qua đó, giúp người Mông nhận thức rõ tầm quan trọng của các nội dung và thực hiện hiệu quả. Đến nay, đời sống bà con nâng lên rõ rệt, tập quán sản xuất có chuyển biến tích cực; tích cực đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Theo đánh giá của đồng chí Lò Văn Hương – Phó Bí thư Huyện ủy Than Uyên, từ khi triển khai điểm bản cam kết nếp sống văn hóa mới tại xã Phúc Than đã nhân rộng thực hiện tại 22 bản của 8 xã trên địa bàn huyện có bà con dân tộc Mông sinh sống.  “5 việc nên làm và 5 việc không làm” thực sự đi vào cuộc sống của Nhân dân, nhận được sự đồng tình, ủng hộ thực hiện, tạo tinh thần thi đua trong từng nhà, từng người Mông trong huyện. Tác động đến tư duy trong phát triển kinh tế như: chăm sóc chè, trồng ngô đông vụ 3, trồng rau xanh, đưa giống lúa có giá trị kinh tế cao vào canh tác. Đặc biệt, trong sinh hoạt hàng ngày, bà con quan tâm vệ sinh khuôn viên xung quanh nhà ở, làng bản, ăn uống đảm bảo an toàn thực phẩm. Tích cực giao lưu văn hóa với các vùng miền, dân tộc khác; nâng cao ý thức duy trì, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Mông. Truyền thống tôn kính, thờ cúng tổ tiên tiếp tục được duy trì; tinh thần đoàn kết, giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, giúp nhau phát triển kinh tế được phát huy; các hộ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. 

Hiện nay, toàn huyện có 22 bản, gần 1.400 hộ, trên 7.000 nhân khẩu người Mông sinh sống ở 8 xã. Thực trạng trước đây ở các xã cho thấy tại các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống vẫn còn nhiều tập tục, hủ tục lạc hậu đeo bám, len lỏi vào đời sống tinh thần người dân như: Thách cưới cao, cúng ma, cúng cho người chết còn rườm rà, nặng nề; vấn đề tảo hôn, sinh nhiều con; thả rông gia súc, ngại chuyển đổi cây trồng vật nuôi… Từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự trong Nhân dân.

Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Than Uyên chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông theo tâm tư, nguyện vọng của người dân và giao Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo thực hiện. Sau năm 2017 triển khai thành công thí điểm tại 6 bản của xã Phúc Than với 8 nội dung và ký cam kết “Nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông”. Năm 2018, Huyện ủy cho chủ trương nhân rộng tại 22/22 bản có đồng bào Mông sinh sống. Nội dung cam kết được rút gọn "5 việc nên làm, 5 việc không nên làm" và được triển khai đến cán bộ thôn, bản thảo luận, xin ý kiến tham gia đảm bảo nội dung ngắn gọn, xúc tích, ngôn ngữ gần gũi dễ hiểu. 

Để việc triển khai thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông được tiến hành thường xuyên, liên tục, hiệu quả, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với MTTQ, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung bản cam kết. Tăng cường cán bộ xuống các bản hướng dẫn Nhân dân (theo hướng cầm tay chỉ việc) cải thiện sinh hoạt theo nếp sống văn hóa mới; phổ biến pháp luật, nắm bắt, giải thích, xử lý kịp thời những boăn khoăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của bà con nâng lên; đa số các hộ giữ được truyền thống tôn kính tổ tiên, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống; không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, số người nghiện ma túy giảm. Vận động được 21 cặp có ý định tảo hôn dừng lại chờ đủ tuổi mới kết hôn, đặc biệt 44/44 đám cưới không thách cưới cao quá 5 triệu đồng (trước đây từ 30 - 40 triệu đồng); 17/17 đám tang tổ chức không quá 2 ngày, ngắn gọn, tiết kiệm. Trong 22 bản, bà con tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; người dân đào được 89 hố rác, 137 hộ gia đình xây dựng nhà vệ sinh…

Thực hiện nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông tại huyện Than Uyên thời gian qua đã phần nào khẳng định chủ trương của Huyện ủy Than Uyên phù hợp với tâm tư nguyện vọng, được Nhân dân đồng thuận, ủng hộ, tích cực tham gia. Đây là bước đệm để huyện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...