Thứ năm, 25/04/2024, 16:13 [GMT+7]

Lưu giữ nghề chạm bạc truyền thống

Thứ ba, 28/05/2019 - 16:29'
(BLC) - Đồng bào dân tộc Dao trên cao nguyên Sìn Hồ vốn nổi tiếng với nghề chạm bạc truyền thống. Vượt qua những thách thức trong thời kỳ hội nhập, nhiều gia đình hiện vẫn gìn giữ và phát huy nghề ông cha để lại.

Trải qua thời gian, nghề chạm bạc vẫn tồn tại và có vị trí nhất định trong đời sống của đồng bào dân tộc Dao trên cao nguyên Sìn Hồ. Nghề này không chỉ tạo nguồn thu nhập mà còn là bản sắc văn hóa riêng có của người Dao. Bởi, đeo bộ trang sức bằng bạc kết hợp với trang phục truyền thống là niềm mơ ước, tự hào của phụ nữ nơi đây. Chính vì vậy, thợ chạm bạc ở đây chủ yếu là tạo ra các sản phẩm: vòng cổ, xà tích (như sợi dây xích, phụ nữ dùng đeo ở thắt lưng), cúc áo và vòng tay. Và các công đoạn tạo nên sản phẩm chủ yếu làm thủ công, do đó đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sự khéo léo và kiên trì.

15 năm gắn bó với nghề chạm bạc và trên thị trường giờ đây xuất hiện nhiều trang sức bằng bạc rất đẹp và tinh xảo nhưng anh Chẻo A Sử - thợ chạm bạc ở bản Tả Sử Chồ, xã Phăng Sô Lin nhận thấy phụ nữ Dao nơi đây vẫn luôn thích sở hữu bộ trang sức bằng bạc truyền thống. Anh Sử chia sẻ, hiện nay, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển nhưng nghề chạm bạc của dân tộc Dao chúng tôi vẫn duy trì làm thủ công. Hoàn thành 1 bộ trang sức khá tốn thời gian, ví dụ bộ cúc áo cũng phải mất 4 ngày làm liên tục. Bản thân mình học nghề qua các thợ trong bản, đến nay chị em vẫn thích các sản phẩm thủ công nên làm nhiều khi không đáp ứng nhu cầu.

Để hoàn thành một sản phẩm, thợ chạm bạc đều phải trải qua 3 công đoạn chính gồm: nấu chảy, chạm bạc và đánh bóng. Với những mẩu bạc vụn ban đầu được nấu chảy trên bễ than sau đó sẽ kéo sợi hoặc tán thành miếng tùy sản phẩm. Công đoạn này mất nhiều sức khỏe thường do đàn ông đảm nhiệm. Tiếp đến là công đoạn chạm bạc - đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất, hoàn thành một sản phẩm có thể mất từ vài ngày đến vài tuần, đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, kiên trì. Khi hoàn thành sản phẩm, người thợ dùng lá rừng hoặc phèn chua đánh bóng.

Là đời thứ 3 trong gia đình theo nghề chạm bạc, anh Tẩn A Giao ở khu 5, thị trấn Sìn Hồ đã chế tác nhiều bộ trang sức bằng bạc cho phụ nữ của dân tộc mình. Gắn bó với nghề hơn chục năm, lợi nhuận không là bao vậy nên anh Giao luôn tự nhủ bản thân góp một phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống đã rất tự hào rồi.

Anh Giao chia sẻ: Nghề chạm bạc đòi hỏi người thợ phải yêu nghề, tâm huyết thì sản phẩm mới đẹp. Gây giờ, mua bạc vụn giá rất cao nên sản phẩm bán ra chỉ là lấy công làm lãi. Ở đây, phụ nữ Dao khi đi lễ, tết hay lấy chồng đều sử dụng đủ bộ trang sức bằng bạc vậy nên ai cũng đặt làm để dùng khi cần.

anh Giao cham bac

Anh Tẩn A Giao (khu 5, thị trấn Sìn Hồ) rèn bạc làm xà tích.

Bộ trang sức bằng bạc của phụ nữ Dao có nhiều loại khác nhau, vòng cổ có vòng đơn và vòng 5 chiếc; dây xà tích có loại 2 dây và loại 5 dây; vòng tay có vòng xoắn và vòng rồng. Để có một bộ trang sức, khách hàng phải chi số tiền lên tới 40 triệu đồng, chính vì vậy trang sức chỉ dùng vào những ngày trọng đại, đây cũng chính là của hồi môn người mẹ cho con gái khi đi lấy chồng.

Hiện nay, nghề chạm bạc truyền thống của người Dao trên cao nguyên Sìn Hồ chỉ còn một số thợ duy trì, gìn giữ tại xã Tả Phìn, Phăng Sô Lin và thị trấn Sìn Hồ.

Ông Nguyễn Đức Trưởng – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Nghề chạm bạc là một trong những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Dao huyện Sìn Hồ. Gìn giữ nghề truyền thống, chúng tôi tập trung tuyên truyền bà con gìn giữ trang phục truyền thống có trang sức bằng bạc; trưng bày tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc của huyện, tỉnh để giới thiệu cho du khách, Nhân dân trong tỉnh biết đến và hiểu hơn về nghề chạm bạc truyền thống của đồng bào dân tộc Dao.

Gìn giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc Dao, trong đó có nghề chạm bạc tạo nên sự đa dạng bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Sìn Hồ, đây cũng chính là điểm nhấn tạo sức hút cho du lịch địa phương trong thời gian tới.

Ninh Tuyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...