Thứ tư, 24/04/2024, 18:44 [GMT+7]

Nếp sống mới của đồng bào Mông

Thứ sáu, 17/07/2020 - 11:11'
“Dân vận kém việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, huyện Than Uyên đã cụ thể hóa với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện công tác dân vận trên địa bàn. Ý Đảng thuận lòng dân, các chương trình trọng điểm, phong trào thi đua yêu nước được thực hiện hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng; trong đó, phải kể đến đổi thay toàn diện đời sống đồng bào dân tộc Mông từ bản cam kết “5 việc nên làm, 5 việc không nên làm”.

Trên địa bàn huyện Than Uyên, dân tộc Mông chiếm tỷ lệ dân số lớn thứ 3 với 1.281 hộ, 7.477 nhân khẩu ở 8 xã với 21 thôn, bản. So với mặt bằng chung điều kiện kinh tế cũng như trình độ dân trí của đồng bào Mông còn thấp và nhiều khó khăn; tồn tại một số tập tục, hủ tục như: thách cưới cao, cúng ma, cúng cho người chết quá rườm rà, tảo hôn, trồng và buôn bán thuốc phiện, nghiện hút. Đáng bàn là những tồn tại, hạn chế đó bà con đều nhận thức rất rõ và mong muốn được thay đổi nhưng chưa có giải pháp cụ thể trong thực hiện nếp sống mới dẫn đến tình trạng người làm, người không và chuyển biến chậm.
Ban Thường vụ Huyện ủy Than Uyên chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông theo tinh thần: thận trọng, chắc chắn, đồng bộ gắn với phát huy dân chủ. Và, quan điểm xuyên suốt: người dân là nòng cốt trong xây dựng, bàn bạc, triển khai thực hiện với phương châm “Nhân dân đồng thuận, thống nhất cao mới triển khai thực hiện ký cam kết”; đồng thời giữ 2 vai: vừa là đối tượng thực hiện vừa tuyên truyền, kiểm tra, giám sát. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở, trực tiếp là Ban Dân vận Huyện ủy, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo (gọi tắt là BCĐ) huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, bài trừ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới, quy ước bản.

Đồng bào Mông ở xã Tà Mung (huyện Than Uyên) tham gia Ngày hội Đại đoàn kết.

Đồng bào Mông ở xã Tà Mung (huyện Than Uyên) tham gia Ngày hội Đại đoàn kết.

Xác định đây là việc mới và khó, trên cơ sở đề xuất, thống nhất của 21 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ban Chỉ đạo (BCĐ) huyện xây dựng nội dung ký cam kết với “5 việc nên làm, 5 việc không nên làm” (5 việc nên làm: chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đến trạm y tế khám chữa bệnh, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con; tổ chức đám cưới tự nguyện và đủ tuổi…; 5 việc không làm: không trồng, hút thuốc phiện, không di dịch cư tự do, không đốt phá rừng, người chết không để quá 2 ngày…). Năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định lựa chọn xã Phúc Than (có 6 bản đồng bào dân tộc Mông sinh sống) thí điểm thực hiện.
Nâng cao trách nhiệm, ý thức tự giác, Đảng ủy, BCĐ xã Phúc Than đã tổ chức các buổi lễ ký cam kết tại 6 bản của xã. Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc), đội ngũ cán bộ các ban, ngành, đoàn thể huyện, xã tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn Nhân dân điều chỉnh thói quen sinh hoạt theo nếp sống văn hóa mới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi phương thức canh tác để nâng cao thu nhập; kịp thời tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, từ đó trực tiếp trả lời, giải quyết hoặc tham mưu đơn vị, cấp trên giải quyết thỏa đáng. Tổ chức lớp dạy khèn Mông “Bài thổi cho người chết vào quan tài”; xây dựng phóng sự tuyên truyền về hoạt động tiêu biểu, gương điển hình trong tổ chức thực hiện bản cam kết bằng tiếng Mông và tiếng phổ thông, in thành đĩa hình, USB gửi đến BCĐ xã, bí thư chi bộ, trưởng bản, hộ gia đình…
Sau 6 tháng thực hiện thí điểm, BCĐ huyện tiến hành sơ kết, đánh giá mô hình thí điểm thực sự là “kim chỉ nam” để người Mông ở xã Phúc Than thoát khỏi những ràng buộc, cản trở của hủ tục truyền qua bao đời, tích cực, chủ động phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Với sự đồng thuận cao, huyện Than Uyên quyết định nhân rộng thực hiện nếp sống văn hóa mới đến 100% bản người Mông trên địa bàn (thêm 16 bản) với nhiều hoạt động đồng bộ, quyết liệt. Dịp lễ, tết, giải thi đấu, hội diễn văn nghệ… các địa phương chú trọng đưa vào biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, môn thi thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Qua nguồn xã hội hóa 66 triệu đồng, huyện mua khèn tặng 22 bản đồng bào dân tộc Mông. Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, nhất là các quy định liên quan đến tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống. Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy triển khai nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Các xã phối hợp chặt chẽ với BCĐ huyện kiểm tra, giám sát, đôn đốc Nhân dân thực hiện từng nội dung theo bản cam kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi, xuất hiện nhiều tấm gương, tập thể điển hình, tiêu biểu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước.
Từ khi ký cam kết có 65/65 đám cưới được tổ chức đúng cam kết; thủ tục, cách thức, thời gian tổ chức ăn cưới tiết kiệm hơn. 26/26 đám tang thực hiện theo cam kết. Không còn hộ sử dụng các loại súng săn tự chế, tàng trữ và sử dụng vật liệu nổ. Duy trì các lễ hội: múa khèn, thổi kèn lá, khèn môi, các điệu múa truyền thống, chơi ném pao. Từ năm 2017 đến nay có 27 hộ với 144 nhân khẩu theo tôn giáo tự nguyện từ bỏ, lập lại bàn thờ tổ tiên. Số người nghiện hút không tăng; số vụ vi phạm về ma túy giảm so với trước khi ký cam kết; hiện có 5 bản không có người nghiện hút. Các cặp vợ chồng khi sinh con, người dân ốm đau đều đến cơ sở y tế để được thăm khám, chữa bệnh; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm hàng năm và hạn chế tình trạng học sinh dân tộc Mông bỏ học…
Thay đổi thói quen, nếp sống, phong tục tập quán bao đời của người dân là bài toán khó nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên quan điểm dân vận không phải nhiệm vụ của riêng ai đã thực sự đổi thay bộ mặt nông thôn các bản đồng bào dân tộc Mông của huyện Than Uyên. Thực hiện bản cam kết “5 việc nên làm, 5 việc không nên làm” đã góp phần rất lớn trong thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra: tỷ lệ số hộ, bản, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa của huyện tăng hàng năm (năm 2015, toàn huyện có 10.168 hộ, 125 khu dân cư văn hóa thì hết năm 2019 tăng lên 11.809 hộ và 102 khu dân cư văn hóa; kinh tế phát triển khá toàn diện; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Hoàng Đình Trọng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...