Thứ sáu, 29/03/2024, 16:30 [GMT+7]

Nhiều giải pháp kích cầu du lịch

Thứ hai, 30/11/2020 - 17:53'
(BLC) - Than Uyên có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển ngành Du lịch với những di tích lịch sử, văn hóa đặc trưng của các dân tộc cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Gần 2 năm qua, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu du lịch.

Chúng tôi đến thăm quan điểm du lịch đồi thông Than Uyên ở khu 7, thị trấn Than Uyên được các bạn trẻ trong và ngoài huyện thường xuyên chia sẻ trên mạng xã hội Zalo, Facebook. Ngay dưới chân đồi, cảm nhận đầu tiên là không gian bình yên và thoáng đãng, tiến lên đỉnh đồi, khung cảnh thiên nhiên bắt mắt với vườn hoa nhiều sắc màu, hồ nhỏ được xếp bằng những viên sỏi đá to làm điểm nhấn, xung quanh có ghế trang trí dây hoa theo hình vòng cung. Đan xen giữa những hàng thông xanh tốt là xích đu bằng gỗ hoặc dây thừng; chòi lá đang được dựng lên làm nơi nghỉ chân cho du khách. Đặc biệt, đứng ở trung tâm của đỉnh đồi, du khách có thể quan sát toàn cảnh khu vực bờ hồ thị trấn huyện. Anh Phạm Quân ở khu 5, thị trấn Than Uyên chia sẻ: Thỉnh thoảng cuối tuần, vợ chồng tôi đưa con lên đây chơi với bạn bè. Trẻ nhỏ rất thích vì không gian của khu đồi thông này đẹp, thoáng đãng, lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần.

 Các du khách tham quan, chụp hình tại điểm du lịch “Đồi thông Than Uyên”- khu 7, thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên).

Du khách tham quan, chụp hình tại điểm du lịch đồi thông Than Uyên. 

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, khu đồi thông này là của gia đình chị Trần Linh Chi, có diện tích rộng 2,6ha. Chị Chi cho biết: Trước đây, tôi đi tham quan một số đồi thông trong và ngoài tỉnh, thấy rất thích và dự tính sẽ thực hiện tại địa phương mình. Được sự quan tâm từ lãnh đạo huyện, cấp ủy, chính quyền thị trấn, đầu năm nay, tôi bắt tay thực hiện. Đầu tháng 9, khu đồi thông đi vào hoạt động và mới đây, chúng tôi hoàn thành ngôi nhà sàn sinh hoạt cộng đồng, phục vụ các đoàn đông người, có thể tổ chức ăn uống và nghỉ ngơi. Hiện, đang làm tiếp một số chòi nhỏ phục vụ không gian riêng cho gia đình ít người; khu vực cho thuê trang phục dân tộc, nhà thay đồ.

Dù mới đi vào hoạt động nhưng khu vực đồi thông đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài huyện đến tham quan. Ngày thường, điểm du lịch này có khoảng 20 - 30 lượt người; 2 ngày cuối tuần hoặc dịp lễ tết, lượng người tăng gấp nhiều lần.

Rời đồi thông, chúng tôi men theo quốc lộ 279 (cũ) vào làng cá Thẳm Phé, xã Mường Kim. Nơi đây được biết đến với khu du lịch sinh thái trên lòng hồ của huyện Than Uyên. Du khách sẽ được tham quan một vòng lòng hồ Thủy điện Bản Chát với mặt nước xanh trong, phía xa là những đồi cao su bạt ngàn. Thưởng thức món ăn đặc sản của dân tộc Khơ Mú như: gỏi cá, cá nướng; rau rừng nộm; rượu men lá… Và, có thể tham gia một số trải nghiệm cùng người dân như: quăng chài, câu cá.

Hiện nay, ngoài 2 điểm du lịch nổi tiếng kể trên, huyện Than Uyên còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch như: di tích lịch sử Bản Lướt, di chỉ khảo cổ hang Thẳm Đán Chể (xã Mường Kim); hang động bản Mè, lòng hồ Thủy điện Huội Quảng (xã Ta Gia); cầu vàng, thác nước, hang động bản Lun 1 (xã Tà Mung); phố đi bộ và chợ truyền thống ở thị trấn; bản gìn giữ nghề truyền thống dân tộc Thái (xã Mường Cang)…

Đồng chí Lò Văn Hương - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng mà huyện đang quan tâm triển khai thực hiện. Bên cạnh thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu ngân sách, ngành Du lịch còn giúp huyện giải quyết được việc làm cho số lao động ở nông thôn. Mặt khác, là giải pháp tiền đề để huyện gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Kích cầu cho ngành Du lịch, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai theo lộ trình, trước mắt là khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn, định hình không gian văn hóa, xây dựng điểm du lịch ở một số xã có tiềm năng như: Tà Mung, Mường Kim, Ta Gia. Ngoài kêu gọi đầu tư, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện cũng bố trí nguồn lực tối thiểu 10% nguồn thu từ sử dụng đất để triển khai đầu tư về hạ tầng du lịch, nhân lực.

Được biết vừa qua, huyện Than Uyên đã xây dựng chương trình trọng điểm về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025. Trong đó, xác định một số điểm du lịch liên quan đến du lịch văn hóa gồm: bản Thẳm Phé (Mường Kim), xã Tà Mung gắn với văn hóa của người Mông, xã Ta Gia gắn với văn hóa người Khơ Mú. Liên quan đến danh lam thắng cảnh, huyện tập trung vào khu vực đồi thông ở thị trấn và xã Mường Mít, khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Chát với những cánh rừng tái sinh. Cùng với đó, các địa phương trong huyện tăng cường quảng bá hình ảnh điểm du lịch hấp dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vận động Nhân dân các dân tộc nêu cao tinh thần, trách nhiệm bảo tồn giá trị văn hóa. Theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, cuối tháng 12, Phòng sẽ phối hợp với một số đơn vị trong và ngoài huyện tổ chức Chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc để kích cầu du lịch. 

Hy vọng, với nhiều giải pháp thiết thực, ngành Du lịch của huyện Than Uyên sẽ phát triển nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới. Qua đó, không chỉ tăng nguồn thu nhập cho Nhân dân còn góp phần khẳng định sự phát triển toàn diện, bền vững của Than Uyên với các huyện khác trong và ngoài tỉnh.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...