Thứ sáu, 19/04/2024, 15:08 [GMT+7]

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Thứ ba, 31/03/2020 - 22:21'
Không phải ngẫu nhiên một tổ chức có uy tín của Liên hiệp quốc lại thừa nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản Văn hóa thế giới. Không những thế, UNESCO còn khuyến cáo các dân tộc khác hãy noi gương Việt Nam, biết nhớ tới cội nguồn và biết ơn tổ tiên của mình. 7 năm sau ngày UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản Văn hóa thế giới, chúng ta càng nhận ra sức mạnh của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang được phát huy trong hiện tại và tương lai. Đó chính là sức mạnh cội nguồn, quy tụ được sự đoàn kết các thế hệ người dân Việt Nam sinh sống ở mọi miền đất nước, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

swww.baophutho.vn

Các xã vùng ven Khu Di tích rước kiệu về Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Nguyên An

 Chúng ta đều biết, bất kỳ dân tộc nào trên thế giới đều có nguồn cội của mình. Nhưng người Việt Nam chúng ta có sự khác biệt ở chỗ, cùng thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng. Có thể nói, hiếm có nơi nào lại có được hình thức thờ Tổ độc đáo như ở Việt Nam. Điều đó đã trở thành một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của Việt Nam, góp phần tạo ra hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa Việt Nam.

Truyền thống thờ tổ tiên của chúng ta bắt nguồn từ việc biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, nên trong mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên, đến thờ Tổ của dòng họ, thờ thành hoàng làng ở từng làng xã và đến cấp độ cao hơn là thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, từ sự tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước đã tạo lập ra một quốc gia, dân tộc. Nên tất cả những người dân đất Việt đều có ý thức tôn thờ các Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, vượt qua thời gian, vượt lên các thể chế chính trị, Hùng Vương luôn được cả người dân, lẫn các giai cấp cầm quyền tôn thờ và xây dựng các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng để thờ tự. Qua Ngọc Phả Hùng Vương soạn vào đời nhà Lê năm Hồng Đức nguyên niên (1470) chúng ta được biết, từ đời nhà Đinh, tiền Lê, đến nhà Lý, Trần, và Hậu Lê việc thờ cúng Hùng Vương đã được tổ chức ở làng Cổ Tích, xã Hy Cương. Những ruộng đất, sưu thuế được để lại dùng vào việc cúng Tổ. Nhân dân các vùng miền của đất nước đều đến lễ để tưởng nhớ các đấng Thánh Tổ ngày xưa.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức sống mãnh liệt, trường tồn với thời gian còn bởi lẽ, người dân tôn thờ Hùng Vương vì quan niệm ở sự linh thiêng và đức tin. Đó chính là hai yếu tố cơ bản tạo thành sợi dây cố kết cộng đồng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trong tâm thức của nhân dân ta Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Do đó dân tôn vinh Vua Hùng là Thánh Tổ và dựng lên các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh để thờ tự từ bao đời nay. Thái độ tôn kính Hùng Vương với tư cách là Thủy Tổ của dân tộc, theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ người dân Việt Nam. Khiến cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng linh thiêng và sức lan tỏa sâu rộng ra mọi miền đất nước, kể cả đối với kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện ở đức tin trong lòng nhân dân. Với niềm tin về một sức mạnh thiêng liêng, tiềm ẩn ở một sức mạnh siêu nhiên, nên trong dân gian thường quan niệm Đức Thánh Hùng Vương có thể giúp cho họ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống trước phong ba bão táp của thiên tai, địch họa và mọi cầu mong sẽ được thực hiện. Với đức tin vào sự linh thiêng huyền diệu ấy, nên Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được cả dân tộc tôn thờ. Có thể nói, trong hệ thống các tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, khó có tín ngưỡng nào có được tầm ảnh hưởng như vậy.

Mặt khác, với quan niệm Vua Hùng là ông Tổ chung, nên với tấm lòng thành kính và tri ân tổ tiên, đã có sự chung sức chung lòng của nhiều địa phương và các tổ chức, cá nhân trong cả nước đóng góp công sức, tiền của cho việc tu bổ, tôn tạo Đền Hùng. Theo một số tài liệu còn ghi chép lại, vào những năm 1918 đến 1922 có 18 tỉnh, thành phố ở Bắc Kỳ và nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp tiền của để trùng tu các đền. Qua đó cho thấy, từ rất sớm nhân dân ta đã có ý thức hướng về cội nguồn, đóng góp công đức để xây dựng và tu bổ, tôn tạo nơi thờ tự tổ tiên của dân tộc. Ngày nay, Đảng và Nhà nước càng quan tâm hơn tới nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nên tại Đền Hùng đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo các ngôi đền thờ tự các bậc tiền nhân có công dựng nước ngày càng khang trang bề thế, cảnh quan môi trường sạch đẹp và hấp dẫn, tạo thuận lợi cho đồng bào về thăm viếng tổ tiên của mình.

Về Đền Hùng là về nơi trung tâm của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mỗi người dân Việt Nam được về nơi cội nguồn dân tộc, về với hồn đất nước, là một hành động thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và thể hiện lòng biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Đến với Đền Hùng, mỗi người dân Việt Nam còn hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của hai chữ “đồng bào”, được cùng sinh ra trong một bọc của mẹ Âu Cơ. Từ đó mà có sức mạnh của ý chí cộng đồng, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Suy rộng ra, sự gắn kết cộng đồng xuất phát từ nguồn cội, do đó, là người Việt Nam dù ở đâu, trong Nam, ngoài Bắc, miền ngược hay miền xuôi, người Kinh hay người dân tộc thiểu số đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Như vậy, có thể thấy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sức mạnh của tinh thần cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc.

Trong thời đại ngày nay, đất nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển, thời cơ thuận lợi có nhiều, nhưng khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Để đưa đất nước đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu, chúng ta cần có sự đồng tâm hiệp lực của đồng bào cả nước, kể cả những người con đất Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sợi dây kết nối sự cố kết cộng đồng. Nếu biết phát huy sức mạnh cội nguồn - sức mạnh của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng ta sẽ tập hợp được sự đoàn kết đối với tất cả người dân đất Việt, cùng chung sức, chung lòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính là thực hiện được lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào cả nước: 

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết!
Thành công, thành công, đại thành công!”.

Cập nhật Thứ hai, 30/03/2020, 06:42:31/  Nguyễn Tiến Khôi - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Phú Thọ/www.baophutho.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...