Thứ năm, 28/03/2024, 18:20 [GMT+7]

'Mánh' kinh doanh xăng dầu

Thứ tư, 11/05/2011 - 08:47'
Khi hoa hồng giảm mạnh, chi phí đầu vào gia tăng, một số đại lý xăng dầu muốn tồn tại phải dùng các chiêu như hạn chế bán hàng, đóng thiếu, bán sai chủng loại...

"Bản chất của kinh doanh là lợi nhuận. Không đại lý xăng dầu nào chấp nhận bán cho người tiêu dùng với giá lỗ vốn cả", chủ một doanh nghiệp kinh doanh có tiếng ở TP HCM cho biết.

Ông này khẳng định rằng kinh xăng dầu trong bối cảnh hiện nay không còn siêu lợi nhuận. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng gặp khó mà đa phần vẫn có "mánh" để tồn tại.

Theo ông, chiêu mà nhiều điểm bán xăng thường áp dụng là bán hàng thiếu, chất lượng kém, thiếu độ RON. Chẳng hạn như, có cửa hàng mua xăng 83 về bán xăng 92 hoặc nhập xăng A92 nhưng bán theo giá xăng A95. Hiện giá xăng phụ thuộc vào độ RON, trong đó loại A95 có giá bán cao nhất. Với mỗi lít chênh nhau khoảng 300-500 đồng, đại lý đã thu được một khoản kha khá.

Ngoài ra, một số đơn vị kinh doanh còn tìm hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc để bán kiếm lời. "Có những tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam và họ bán đi lượng xăng dầu thừa, doanh nghiệp mua với giá rẻ và bán ra thị trường. Cái này chỉ cơ quan chức năng kiểm tra, đi đo kiểm... mới phát hiện được", ông này cho biết thêm.

Theo giới kinh doanh, trước mỗi lần tăng giá, không chỉ đại lý mà cả doanh nghiệp đầu mối cũng tranh thủ tích hàng để đầu cơ. 

Bà Thanh Thanh, một chủ cây xăng lớn ở quận 8, TP HCM đã nghỉ làm, cho biết, có rất nhiều cách để "ăn gian", nhưng có 2 "chiêu" cơ bản, đó là pha chế xăng và điều chỉnh trụ bơm.

"Thường cách pha là xe bồn chở xăng tới cứ đổ thẳng trực tiếp vào bồn chứa. Ví dụ: xăng A83 đổ thẳng vào A92, người mua đổ vào xe thì không thể nào biết được chuyện này", bà Thanh nói. Tất nhiên, các màu xăng của từng loại là khác nhau nhưng các chủ cây xăng luôn biết cách pha trộn tỷ lệ hợp lý để không bị phát hiện.

Cách thứ hai để các đại lý "lấy tiền" trực tiếp của người tiêu dùng là chỉnh tại trụ bơm. Trụ bơm được chính quản lý thị trường chỉnh để đảm bảo đại lý bán không thiếu, hơn so với một lít tiêu chuẩn. Chỗ chỉnh được niêm phong bằng chì, chỉ quản lý thị trường mới được chỉnh. Nhưng nếu khéo léo một chút, đại lý có thể biến hóa để trụ bơm "ăn gian" mà không ai biết. Các cây xăng gian lận hiện đại thì dùng chip gắn hẳn vào vi mạch điện tử của trụ bơm để điều chỉnh.

"Người dân mua một lít xăng sẽ bị thiếu hụt một lượng nhỏ và khó phát hiện. Coi ít vậy chứ với trung bình 12.000 lít trong bồn, chỉ cần sai số một chút là đã có rất nhiều xăng dư", bà Thanh nói.

Ngoài 2 chiêu kể trên, một số chủ cây xăng cũng cho biết thời gian này họ găm hàng, bán cầm chừng cũng có "lý do". "Đầu mối chỉ bán định mức trong một tháng, mua thêm rất khó. Chúng tôi cũng có những khách hàng thân thiết, cũng phải để dành xăng bán cho họ", ông chủ một cây xăng tại quận 12 phân tích.

Vào những lúc khó lấy hàng ở đầu mối, đại lý xăng dầu thường "né" việc bán nhiều cho người dân bằng cách bán chỉ 20.000 đồng một người như một số cây xăng ở tỉnh Đồng Nai, đóng cửa đi nghỉ sớm ở tỉnh Long An... hay hạn chế bán cho người đem can tới mua...

Mất điện được coi là lý do chính đáng để đại lý xăng dầu ngừng bán hàng. 

"Theo quy định, các đại lý phải bán không được hạn chế số lượng dù biết rằng họ từ các địa phương khác tới thu gom, đó là điều bất hợp lý. Khi rò rỉ tin tăng giá, nhiều nhà kinh doanh vận tải cũng ùn ùn đem xe hơi tới đổ rồi về rút ra thùng phuy, rồi tiếp tục quay lại đổ nữa, đó là một hình thức tích trữ để kinh doanh, chúng tôi cũng cần hạn chế. Nếu bán vô tội vạ, tôi hết hàng, lại không mua thêm của đầu mối được nữa, tôi đóng cửa, lại bị phạt", chủ trạm xăng này bức xúc.

Chủ một đại lý kinh doanh cấp I của PV Oil cho rằng lúc này bán càng nhiều càng lỗ, dù nhà nhập khẩu đầu mối kêu đủ xăng dầu bán ra thị trường, không đứt nguồn cung. Nguyên nhân là các đầu mối đều siết hoa hồng dành cho đại lý, tới mức không đủ bù đắp các chi phí đầu vào.

"Trước hoa hồng cho mỗi lít xăng dầu là 700-800 đồng, giờ giảm xuống 100 đồng, thậm chí thấp hơn. Việc đóng cửa, nghỉ bán... là vì đại lý lỗ thật, song có một lý do khác nữa là để tạo sức ép cho tăng giá", ông này nhận xét.

Giải thích hiện tượng này, một lãnh đạo của Saigon Petro cho rằng hoa hồng giảm mạnh là một trong những nguyên nhân khiến đại lý găm hàng hoặc hạn chế bán ra để tránh lỗ. “Nguồn cung từ Saigon Petro cho các đại lý vẫn đủ, mỗi tháng chúng tôi đảm bảo khoảng 100.000m3 xăng dầu, cung ứng đủ cho 20-30 ngày", vị đại diện này nói.

Theo ông, các đại lý, cây xăng có nhiều lý do để lách thanh kiểm tra, nên dù hiện tượng đóng cửa, bán nhỏ giọt rất phổ biến nhưng cơ quan chức năng khi đi kiểm tra cũng rất khó xử phạt.

Còn ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex thì khẳng định các đại lý thuộc hệ thống của hãng vẫn bán hàng bình thường và không có hiện tượng găm hàng hay gian lận thương mại.

Tuy nhiên, ông Dũng chỉ đảm bảo chắc chắn điều này với khoảng 2.100 cửa hàng thuộc hệ thống với 100% vốn của Petrolimex. Tổng công ty này còn khoảng 4.000 cửa hàng đại lý nhỏ lẻ khác thuộc các đại lý cấp 2, 3 hoặc 4.

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...