Thứ năm, 28/03/2024, 18:05 [GMT+7]
Nguy hiểm rình rập khi sinh con tại nhà

Bài 1: Thách thức “tử thần”

Thứ ba, 26/07/2022 - 15:38'
(BLC) - Thay vì tìm đến các cơ sở y tế, nhiều phụ nữ ở các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn lựa chọn hình thức sinh con tại nhà. Chính quan niệm sai lệch này đã và đang là nguyên nhân gây ra những cái chết thương tâm cho sản phụ và trẻ sơ sinh, ảnh hưởng sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số. Tình trạng này đang có dấu hiệu gia tăng và đáng lo ngại nên rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy chính quyền địa phương.

Những hệ lụy

Có mặt tại Khoa nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chúng tôi không thể quên hình ảnh người đàn ông gương mặt còn trẻ, nước mắt chảy dài ôm chặt thi thể đứa con gái trong lòng ngồi thẫn thờ trước phòng bệnh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vợ anh Giàng A Dua ở bản Pan Khèo, xã Thèn Sin (huyện Tam Đường) mang thai đứa con đầu lòng, đến ngày sinh nở thay vì đến Trạm Y tế xã thì gia đình lại lựa chọn đẻ tại nhà. Sau 1 tiếng “vượt cạn”, bé cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ.

Tuy nhiên sau khi bà đỡ tiến hành cắt rốn cho bé bằng kéo sinh hoạt hàng ngày được 30 phút thì em bé có biểu hiện yếu dần, khó thở gia đình vội vàng đưa bé đến bệnh viện. Đến 8 giờ sáng ngày 20/6/2022, Khoa nhi tiếp nhận bé trong tình trạng da tím tái toàn thân, thở yếu, rốn tươi không kẹp rốn nên chảy máu nhiều. Các bác sỹ đã tiến hành vệ sinh kẹp rốn, hỗ trợ hô hấp bằng đặt nội khí quản, thở máy, chuyền máu cấp. Qua mấy tiếng điều trị thì diễn biến nặng, mặc dù đã được các y bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng bé không qua khỏi.

Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ tuyên truyền tới các cặp vợ chồng về cách chăm sóc trẻ sơ sinh và sự an toàn khi sinh tại các cơ sở y tế.

Cán bộ Trạm Y tế xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ tuyên truyền tới các cặp vợ chồng cách chăm sóc trẻ sơ sinh và sự an toàn khi sinh tại cơ sở y tế.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Giàng A Dua nghẹn ngào nói: “Khi con có biểu hiện tím tái tôi vội vàng đưa con đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng muộn mất rồi, bác sỹ không cứu được, giờ con mất không biết về nói sao với vợ. Giá như đưa vợ đến trạm y tế đẻ thì con sẽ không mất”. Lời anh nói như “nhát dao cắt vào tim”, lời cảnh tỉnh cho những cặp vợ chồng vẫn còn tư tưởng muốn sinh con tại nhà, bỏ qua sự nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con.

Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp xảy ra tai biến khi sinh con tại nhà, tại các bản vùng cao biên giới xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ), chúng tôi cũng chứng kiến những trường hợp đau lòng khi sinh con tại nhà. Đến tận bây giờ nhiều người dân vẫn không quên được cái chết thương tâm của sản phụ Phùng Tả Mẩy ở bản Tô Y Phìn (nghi băng huyết) khi sinh con tại nhà. Ngôi nhà nhỏ xập xệ, thiếu bàn tay vun vén của người mẹ nên căn nhà trở nên bừa bộn, con cái nheo nhóc.

Qua lời kể của chồng chị Mẩy chúng tôi được biết, đây là lần thứ 5 chị sinh con tại nhà. Trong quá trình mang thai chị khỏe mạnh, hàng ngày vẫn đi lên nương, vào rừng kiếm củi, hái măng. Đến chiều tối ngày 18/2/2022 chị Mẩy thấy đau bụng lâm râm và cơn đau tăng dần. Các lần sinh đẻ trước chị vẫn đẻ tại nhà và tự đẻ, tự tắm cho con không có vấn đề bất thường gì xảy ra. Do đó, lần này chị cũng không đến Trạm y tế và cũng không mời người đến hỗ trợ trong quá trình sinh. Khoảng 21 giờ chị sinh ra một bé trai khỏe mạnh, hồng hào, sau đó có người nhà xuống xem thấy rau không bong và chảy nhiều máu người nhà bảo lên trạm y tế nhưng chị bảo không sao, cương quyết không đi. Tới khoảng 23 giờ 30 phút rau vẫn không bong, chảy nhiều máu, vã mồ hôi, chân tay run, tím tái và đến 0 giờ 15 phút ngày 19/2 thì chị Mẩy tử vong.  

Tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Mồ Sì San có 4 bản, chủ yếu đồng bào dân tộc Dao sinh sống. So với các xã của huyện Phong Thổ, xã Mồ Sì San có tỷ lệ phụ nữ đẻ tại trạm y tế cao chiếm khoảng 67,4% tuy nhiên vẫn còn một số chị em phụ nữ ngại ra trạm mặc dù tuyên truyền, vận động giải thích nhiều nhưng bà con đều “để ngoài tai”nhất quyết đẻ tại nhà. Dẫn đến một số trường hợp trong lúc đẻ tại nhà xảy ra các trường hợp rau không bong, đẻ khó. Rất may gọi được cán bộ y tế kịp thời đến xử lý nên thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Ngược lên vùng cao huyện Sìn Hồ, thói quen sinh con tại nhà, tự đỡ đẻ cho nhau diễn ra khá phổ biến, tập trung nhiều ở đồng bào dân tộc Mông. Điển hình như tại xã Sà Dề Phìn, tỷ lệ sinh con tại nhà chiếm tới 70%. Điều đáng nói trạm y tế ở đây đều được đầu tư trang thiết bị đầy đủ, có y bác sỹ đào tạo bài bản nhưng do thói quen, phong tục lạc hậu nên nhiều phụ nữ vẫn chọn cách tự sinh con tại nhà. Câu chuyện mẹ chồng đỡ đẻ cho con dâu, chồng đỡ đẻ cho vợ vẫn diễn ra hàng ngày nơi đây.

Cùng cán bộ Trạm Y tế xã Sà Dề Phìn, chúng tôi đến thăm vợ chồng anh Sùng Ca Dinh (1998) và Vàng Thị Mỷ (SN 2003) ở bản Sà Dề Phìn vừa vượt cạn thành công khi đẻ tại nhà mặc dù nhà chỉ cách Trạm Y tế xã chưa đầy 300m. Trò chuyện với vợ chồng, chúng tôi được biết, đây là lần thứ 2 chị sinh con tại nhà, lần đầu là do mẹ chồng đỡ, còn lần này là do chồng đỡ. Mặc dù chưa có kinh nghiệm, không được học bài bản nhưng Dinh vẫn quyết định đỡ đẻ cho vợ và tự lấy kéo sinh hoạt hàng ngày cắt rốn cho bé mà không cần vệ sinh.

Theo chia sẻ của y sỹ Lê Thị Thu Hà – Trạm Y tế xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ: Phụ nữ ở đây chủ yếu sinh con tại nhà, trừ khi trong quá trình vượt cạn gặp phải các tình huống khó đẻ, thai to thì mới gọi cho cán bộ y tế đến hỗ trợ tuy may mắn không nguy hiểm đến tính mạng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, do những người đỡ đẻ không có kiến thức về sinh sản, việc đỡ đẻ chủ yếu làm theo thói quen, kinh nghiệm, rất dễ xảy ra nhiễm trùng, băng huyết, nhiễm khuẩn. Mặt khác, nếu gặp các biến chứng như sản giật, vỡ tử cung hay các ca đẻ khó sẽ không biết cách xử trí, dễ dẫn đến tử vong.

Gia tăng tình trạng sinh con tại nhà

Thời gian qua, công tác nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe khi sinh cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đã được các ban, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương chú trọng tuy nhiên theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tỷ lệ phụ nữ mang thai sinh con tại nhà vẫn còn khá cao. Năm 2021, toàn tỉnh có 2.961 trường hợp đẻ tại nhà/8.672 tổng ca đẻ chiếm tỷ lệ 34,14%;  6 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh ghi nhận 1.384 trường hợp đẻ tại nhà/3.805 tổng ca đẻ chiếm 36,37% (tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2021). Tỷ lệ sinh con tại nhà cao tập trung ở các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ) khám thai định kỳ cho các thai phụ.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ) khám thai định kỳ cho các thai phụ.

Sìn Hồ là địa phương có tỷ lệ sinh con tại nhà cao nhất chiếm 52,67% (năm 2021), 6 tháng đầu năm ghi nhận 343 trường hợp đẻ tại nhà chiếm 45% chủ yếu tập trung ở xã có đồng bào dân tộc Dao, Mông sinh sống như: Tả Ngảo, Sà Dề Phìn, Làng Mô, Pu Sam Cáp… Lý giải nguyên nhân dẫn tới việc phụ nữ dân tộc sinh con tại nhà trên địa bàn huyện cao, bác sỹ Nguyễn Trung Quyền – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cho biết: Chủ yếu do địa hình, giao thông đi lại khó khăn, từ bản ra trung tâm xã xa cộng với phong tục tập quán lạc hậu, tâm lý xấu hổ, e ngại của phụ nữ khi đến cơ sở y tế thăm khám. Bên cạnh đó, suy nghĩ chủ quan nhiều chị em sinh con tại nhà một lần không thấy tai biến gì, nghĩ việc sinh nở đơn giản nên các lần sinh sau vẫn cứ đẻ tại nhà. Một nguyên nhân nữa khiến cho tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà có chiều hướng gia tăng đó là nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra tại các xã vùng sâu, vùng xa.

Tại xã Tả Ngảo từ đầu năm đến nay toàn xã có 30/40 trường hợp sinh con tại nhà chiếm 87,7%; xã Sà Dề Phìn 25/36 trường hợp sinh con tại nhà. Cá biệt có nhiều bản cách xa trung tâm xã từ 10-40km thì 100% phụ nữ lựa chọn sinh con tại nhà như bản: Nậm Khăm, Lao Lử Đề (xã Tả Ngảo); Hắt Hơ, Sảng Phìn (xã Sà Dề Phìn). Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại, bởi sinh con tại nhà có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ và trẻ sơ sinh do tai biến sản khoa nếu không được xử lý kịp thời.

Ngoài Sìn Hồ, huyện Phong Thổ cũng có tỷ lệ sinh con tại nhà khá cao, chiếm 47% (tăng 0,7% so với 6 tháng đầu năm 2021), chủ yếu ở các xã: Mù Sang, Tung Qua Lìn, Dào San, Sin Suối Hồ, Hoang Thèn… Cá biệt, năm 2021 trên địa bàn huyện có 4 sản phụ tử vong (trong đó, 1 ca nghi băng huyết do đẻ tại nhà; 1 ca chết sau khi mổ lấy thai; 2 ca chết trong quá trình mang thai do bị các bệnh lý nền). Do đó, theo khuyến cáo của các y, bác sỹ các bà mẹ khi mang thai nên đến cơ sở y tế để khám, tư vấn thường xuyên ở giai đoạn cuối thai kỳ vừa bảo đảm sức khỏe cho thai nhi, lại phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

(Còn nữa)

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...