Thứ sáu, 26/04/2024, 06:40 [GMT+7]
Thủy điện ở Phúc Khoa: Cần hài hòa về lợi ích

Bài 1: Tiếng kêu từ những cánh đồng

Thứ sáu, 10/04/2020 - 10:00'
(BLC) - Thủy điện là nguồn năng lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đem lại, một số thủy điện đi vào hoạt động có những tác động làm ảnh hưởng tới sản xuất của người dân. Phát triển thủy điện cần hài hòa về lợi ích quốc gia, địa phương và Nhân dân.

Nhiều diện tích lúa, hoa màu vùng hạ du suối Nậm Bon (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) thời điểm từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay rơi vào tình trạng thiếu nước - điều mà từ trước đến nay chưa có. Phóng viên Báo Lai Châu đã mục sở thị để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

“Nhất nước, nhì phân…”

Trong cái nắng chớm hè những ngày tháng 3, chúng tôi về Tân Uyên. Cửa ngõ của huyện là xã Phúc Khoa đón chúng tôi bằng những nương chè xanh ngút tầm mắt và cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Đồng chí Nguyễn Văn Hiển - Bí thư Đảng ủy xã ngao ngán: “Mời nhà báo về xã xem tình hình đồng ruộng của nông dân, nay nước thiếu, xã đang lo không biết bà con có kịp bón phân để đón lúa trổ đòng hay không. “Nhất nước, nhì phân…” mà bây giờ không có nước thì chịu cô ạ!”.

Theo lời ông Hiển, chúng tôi về thăm cánh đồng xã Phúc Khoa - nơi đây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh làm đòng. Cơn mưa đá đầu tiên trong năm xảy ra vài ngày trước dù đã làm dập nát một số diện tích chè, hoa màu song lại là cơ hội làm dịu mặt ruộng, có độ ẩm để bà con tranh thủ bón phân cho lúa. Gặp vợ chồng anh Lò Văn Hùng (bản Nà Khoang) đang nhanh tay bón phân cho thửa ruộng ven đường, chúng tôi được anh chia sẻ: Chờ mãi không có nước để bón phân cho lúa đón đòng, nay có cơn mưa xuống, dù chỉ đủ ẩm chân ruộng nhưng tôi vẫn cố gắng vớt vát “tiếp sức” để lúa có lực phát triển. Mọi năm không thiếu nước như năm nay nên chúng tôi chăm sóc lúa thuận tiện hơn. Thời điểm này mà không có nước thì khi trổ, lúa bị khô bông, không có năng suất”. Nhìn ra xa, những bờ kênh được đầu tư kiên cố, uốn lượn giữa cánh đồng tạo nên bức tranh sắc nét. Tuy nhiên, trong lòng kênh nhiều đoạn đã cạn kiệt nước, trơ đáy. Điều này giúp chúng tôi hiểu vì sao 2ha lúa ở cuối vùng hạ du bà con không thể canh tác được.

Khu vực đập Thủy điện Nậm Bon (xã Phúc Khoa).

Khu vực đập Thủy điện Nậm Bon (xã Phúc Khoa).

Khi chúng tôi hỏi bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN xã về mô hình trồng dưa hấu được Hội thực hiện hiệu quả những năm qua, bà Hiền như được mở tấm lòng: “Tôi sinh sống, công tác bao nhiêu năm tại đây nhưng chưa bao giờ nước sản xuất lại thiếu như bây giờ. Bình thường, suối Nậm Bon luôn đủ nước tưới cho các cánh đồng lúa, rau màu nên bà con yên tâm canh tác trên đồng đất quê hương. Nhưng năm nay, hơn 18ha dưa hấu của 2 tổ hợp tác tại bản Nậm Bon 1, 2 đều đứng trước nguy cơ chết héo vì không đủ nước tưới. Vụ dưa hấu năm nay coi như thất bại rồi”. Còn anh Lý Văn Ván - Trưởng bản Nậm Bon 1 thì bức xúc: Bản có 12ha lúa và dưa hấu, vụ này, một phần là do thời tiết hạn hán kéo dài, nhưng phần nhiều là do Nhà máy Thủy điện Nậm Bon tích nước phát điện nên 1,7ha dưa dấu của 7 hộ dân bị ảnh hưởng nặng, trong đó có những gia đình (như: Lù Thị Cang, Phan Văn Lời, Lò Văn Xì) diện tích dưa gần như chết trắng. Còn đối với một số diện tích lúa, bà con đã mua giống, gieo mạ nhưng không có nước để cấy nên đành bỏ không. Chúng tôi đã có ý kiến với Nhà máy Thủy điện, nhưng thời gian xả nước chỉ có 4 tiếng/ngày/2 lần, bà con chưa kịp tích nước thì đã hết thời gian nên chúng tôi không đủ nước để sản xuất. Nhân đây tôi thay mặt dân bản kiến nghị Nhà máy hỗ trợ tiền giống lúa bà con đã gieo mạ mà không được cấy do thiếu nước, đồng thời, đền bù sản lượng lúa do không sản xuất được.

Được biết, vụ này xã Phúc Khoa có nhiều diện tích lúa bị thiếu nước, trong đó 2ha không thể sản xuất được. Sự việc này, cấp ủy, chính quyền xã, huyện và các cơ quan đều đã nắm được và đang nỗ lực tìm phương án khả thi để giải quyết vấn đề nước sản xuất lâu dài cho những cánh đồng khu vực hạ du.

Do thiếu nước, nhiều diện tích dưa hấu bị chết héo.

Do thiếu nước, nhiều diện tích dưa hấu bị chết héo. 

Mục sở thị Nhà máy Thủy điện Nậm Bon

Mất 15 phút đi từ quốc lộ 32 với những đoạn đường gập ghềnh đá, chúng tôi có mặt tại đập đầu nguồn Nhà máy Thủy điện Nậm Bon. Trái với làn nước trong xanh trên ngọn đập, dòng suối Nậm Bon từ khu vực Nhà điều hành Nhà máy dẫn về phía hạ nguồn có đoạn gần như trơ đáy, không có dấu hiệu của dòng nước chảy qua. Biết chúng tôi có mặt tại khu vực đập, khoảng 10 phút sau, van xả nước của Nhà máy được mở ra và cũng khoảng chừng ấy thời gian, nước mới bắt đầu chảy ra từ chân đập.

Được biết, đầu năm 2019, Nhà máy Thủy điện Nậm Bon (thuộc Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Uyên) được tiếp quản trên nền cơ sở vật chất (đã xuống cấp) của một nhà máy trước đây (do vận hành không hiệu quả nên bị thu hồi giấy phép hoạt động). Hiện nay, Nhà máy đã phát điện thương mại. Theo Ban Giám đốc Nhà máy, đơn vị đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý để phát điện thương mại, không thiếu loại giấy tờ nào và hoạt động đúng quy định của pháp luật.

Khi chúng tôi đề cập đến những bức xúc của người dân về việc thiếu nước sản xuất, ông Phạm Văn Ái - Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Uyên thừa nhận, đó là phản ánh đúng nhưng phải nhìn vào những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, ông Ái cho rằng: Thứ nhất, do đập thủy lợi (Công ty TNHH MTV Thủy nông Lai Châu quản lý) đặt ngay tại dòng chảy đã bị hư hỏng nên việc thấm, tiêu hao nước là có. Việc này nếu các bên liên quan cùng tìm giải pháp khắc phục, Công ty sẵn sàng hợp tác. Tiếp đến là do một số đơn vị khai thác cát tại khu vực cầu Nậm Bon, khi nước xả từ đập thủy điện xuống đã đọng lại tại nhiều hố sâu dưới lòng suối nên nguồn nước bị phân phối bớt đi. Ngoài ra còn do một số hộ dân khu vực đầu nguồn mùa này ngăn nước bắt dế nên ảnh hưởng phần nào đến việc nước chảy xuống hạ nguồn. Trong những nguyên nhân trên, ông Ái khẳng định, việc thiếu nước vẫn là do đập thủy lợi hỏng, rò rỉ nên không thể điều tiết được nguồn nước, thủy điện vẫn thực hiện đúng quy định xả nước tối thiểu cho sản xuất vùng hạ du.

Việc đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Nậm Bon của Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Uyên dù mới là giai đoạn đầu song đã có tác động không nhỏ đến sản xuất của nông dân. Để rõ ngọn nguồn sự việc, phóng viên Báo Lai Châu tiếp tục đến làm việc với một số ngành liên quan để tìm câu trả lời.

Trang - Thủy (Còn nữa)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...