Thứ sáu, 19/04/2024, 14:57 [GMT+7]

Báo động bệnh dại tăng cao

Thứ hai, 26/08/2019 - 20:04'
(BLC) – Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế), từ 1/1 - 20/8, toàn tỉnh có 1.375 ca bị chó nghi dại cắn đến tiêm phòng (tăng 177% so với cả năm 2018). Đây là con số đáng báo động và cần những giải pháp cụ thể nhằm giảm tình trạng người bị chó, mèo nghi dại cắn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của cộng đồng.

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật (chó, mèo...) sang người. Đặc biệt, động vật mắc bệnh dại có thể truyền lây cho người qua vết cắn, cào và liếm vào vết thương hở. Tỷ lệ mắc và chết có thể lên đến 100% nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng bằng vắc-xin, huyết thanh kháng dại.

Từ 1/1 - 20/8, toàn tỉnh có 1.691 ca bị chó nghi dại cắn và đã có 3 ca tử vong, chỉ riêng tháng 8 có 235 ca. Tìm hiểu thực tế cho thấy, những trường hợp tử vong đều do người dân chủ quan không đến cơ sở y tế điều trị dự phòng bằng vắc-xin, huyết thanh kháng dại. Đến tiêm phòng tại Phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), anh Sùng A Tủa (bản Căn Câu, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) cho biết: Bị chó cắn ở cẳng chân từ ngày 18/8, tôi đã đến Trạm Y tế xã để xin khám, tư vấn và được giới thiệu xuống Trung tâm tiêm để phòng bệnh dại. Đến nay tôi tiêm được 2 mũi thuốc và trong người cảm thấy bình thường. Ngoài ra, tôi còn được cán bộ Trung tâm tuyên truyền cách phòng, chống bệnh dại và sẽ về hướng dẫn cho bà con trong bản, xã biết về cách xử lý khi bị vật nuôi cắn”.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sìn Hồ hướng dẫn người dân bản Sìn Hồ Vây (thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ) các đeo rọ mõm cho chó nhằm hạn chế tình trạng chó cắn người gây dại.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sìn Hồ hướng dẫn người dân bản Sìn Hồ Vây (thị trấn Sìn Hồ) cách đeo rọ mõm cho chó nhằm hạn chế tình trạng chó cắn người gây dại.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống. Tuy nhiên, số ca mắc, tử vong do bệnh dại từ chó, mèo gây ra tăng cao hàng năm. Nguyên nhân là do công tác quản lý đàn chó nuôi của các huyện, thành phố chưa được thực hiện tốt, còn làm theo hình thức, thụ động, không cương quyết. Nhiều xã, phường triển khai và thành lập các đội bắt chó thả rông nhưng đôi khi cả nể.

Bên cạnh đó, nhận thức hạn chế, chưa hiểu rõ sự nguy hiểm khi bị chó, mèo nghi dại cắn nên người dân chủ quan không đi tiêm phòng, thậm chí tự điều trị bằng thuốc nam dẫn đến tình trạng bệnh không khỏi mà còn nặng hơn, thời gian tử vong sớm hơn. Đời sống người dân còn khó khăn, khi bị chó, mèo cắn, cào không phải diện người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi phải trả phí 195 nghìn đồng/mũi tiêm. Trong khi đó, quy định phải tiêm ít nhất 3 mũi dẫn đến tình trạng ngại đi tiêm vì không muốn mất tiền hoặc không có tiền.

Ông Trần Đỗ Kiên – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục giám sát, phát hiện các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để xử lý vết thương, tư vấn điều trị dự phòng bằng vắc-xin; tiếp tục duy trì mỗi huyện, thành phố có một điểm tiêm phòng vắc-xin dại, tránh trường hợp người bệnh phải đi xa tiêm và đảm bảo không để thiếu vắc-xin. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại và biện pháp phòng chống dại nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân. Đối với ngành Thú y, giám sát, phát hiện các ổ dịch bệnh dại trên động vật để xử lý kịp thời, triệt để nhằm ngăn chặn lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người... Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong  phòng, chống bệnh dại, góp phần bảo vệ sức khỏe, đẩy lùi và giảm tỷ lệ người mắc bệnh dại do chó, mèo gây ra”.

Với thực tế hiện nay, phòng, chống và đẩy lùi bệnh dại ra khỏi cộng đồng không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế mà cần sự phối hợp, vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương chung tay thực hiện. Trong đó, ngành Thú y tỉnh cần nỗ lực và có biện pháp phù hợp nhằm quản lý tốt đàn chó nuôi trên địa bàn và triển khai tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo trên quy mô tổng đàn theo quy định; tăng cường giám sát, điều tra phát hiện và phối hợp với ngành Y tế xử lý ổ dịch bệnh dại trên động vật, xây dựng vùng an toàn bệnh dại. Các huyện, thành phố có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng chó thả rông, không đeo giọ mõm theo quy định. Nhất là đẩy mạnh xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó không thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho chó, thả rông chó theo Khoản 2, Điều 7 của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường truyền thông, khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong 10-15 phút, sau đó rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại.  Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Các gia đình nuôi chó, mèo cần tiêm phòng dại đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của cán bộ thú y. Không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho dịch bệnh lây lan; khi thấy chó, mèo chết bất thường cần theo dõi trong vòng 1 tuần nếu có biểu hiện bất thường thì phải đi tiêm phòng ngay...

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...