Thứ tư, 24/04/2024, 14:09 [GMT+7]

“Bão giá” phân bón - Người trồng chè lao đao

Thứ hai, 18/07/2022 - 15:29'
Hiện nay, người trồng chè trên địa bàn tỉnh lao đao với “bão giá” phân bón tăng cao và chưa có dấu hiệu “giảm” do giá xăng, dầu tăng. Trong khi giá bán sản phẩm chè búp tươi không tăng khiến các hộ trồng chè càng thêm khó khăn.

Qua khảo sát, nắm thông tin tại các cửa hàng cung ứng giống, vật tư nông nghiệp tại một số huyện: Tam Đường, Tân Uyên và Than Uyên, chúng tôi được biết giá phân bón tổng hợp (đạm, lân, kali) cho cây chè tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm, khiến nông dân gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân, trước đây do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; hiện, giá xăng dầu tăng kéo theo cơn “bão giá” phân bón tăng gấp đôi, ba lần so với trước. Thời điểm cuối năm 2020, phân bón tổng hợp chuyên cho cây chè có giá 10 nghìn/kg, nay tăng lên từ 20 - 23 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, nguồn cung ứng phân bón tổng hợp chuyên cho cây chè có những thời điểm “cháy hàng”. Hay như, phân đạm trước đây có giá 8.700 đồng/kg, nay tăng lên 20.000 đồng/kg; phân lân 4.000 đồng/kg, nay tăng lên 5.500 đồng/kg; kali có giá 9.500 đồng/kg, nay tăng lên 21.000 đồng/kg.
Trước biến động lớn về giá phân bón tăng cao không ít hộ dân cắt giảm lượng phân bón vô cơ cho cây chè dẫn đến năng suất, chất lượng giảm, thất thu, ảnh hưởng cuộc sống gia đình. Nhất là thời điểm cuối tháng 6, bà con bước vào giai đoạn chăm sóc, bón thúc đạm, lân cho cây chè phát triển tán và búp non. Vì vậy, người trồng chè loay hoay tìm giải pháp đầu tư, tránh tình trạng phải bù lỗ trong quá trình sản xuất.

Nông dân huyện Tam Đường chủ động mua phân bón cho cây chè.

Nông dân huyện Tam Đường chủ động mua phân bón cho cây chè.

Ngày đầu giá phân bón tăng cao, gia đình anh Đỗ Văn Tuyên (ở bản Xéo Sin Chải, xã San Thàng, thành phố Lai Châu) giảm tối đa lượng phân bón tổng hợp cho 0,5ha chè đang độ thu hoạch búp. Bấy giờ, diện tích chè của gia đình anh cằn khô, phát triển kém, giảm 1/2 sản lượng búp (giảm 5 tấn chè búp so với năm 2020). Gia đình anh chủ động mua gom phân chuồng về ủ với men vi sinh, bón cho cây chè. Tuy nhiên cũng không thể thay thế hoàn toàn phân chuồng bón cho cây chè mà phải kết hợp bón thêm phân vô cơ.
Nét mặt đượm buồn, anh Tuyên chia sẻ: Hiện nay, giá phân bón tổng hợp cho cây chè ngày càng tăng cao, mà giá bán chè búp vẫn từ 4 - 8 nghìn đồng/kg. Tôi mong tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ giá phân bón, góp phần nâng cao sản lượng, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.
Không riêng gia đình anh Tuyên, hiện, hàng nghìn hộ trồng chè trên địa bàn tỉnh cũng đang lao đao với giá phân bón tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Người dân luôn chủ động sử dụng phân chuồng bón cho cây chè; tuy nhiên, cây chè chỉ phù hợp bón phân chuồng 1 lần/năm vào thời điểm đầu năm (sau khi cây chè vừa được đốn, tỉa). Mỗi vụ thu hái xong, cây chè cần được bón thêm phân tổng hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển sản lượng búp. Vì vậy, các cơ quan chức năng tỉnh, huyện sớm tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ giá phân bón cho người trồng chè.
Dạo thăm các công ty, doanh nghiệp, nhà máy sản xuất, chế biến chè khô ký hợp đồng thu mua sản phẩm chè búp của người dân, chúng tôi ghi nhận việc cung ứng phân bón theo hình thức chậm trả cho hộ trồng chè trong thời điểm giá phân bón tăng cao hiện nay là rất cần thiết. Bởi, nông dân được sử dụng nguồn phân bón bảo đảm chất lượng với giá thành hợp lý, tránh tư thương ép giá khi nguồn phân bón ngoài thị trường khan hiếm. Mỗi công ty luôn nỗ lực cung ứng từ 150 - 200 tấn phân bón/năm theo hình thức chậm trả cho hộ trồng chè.
Chị Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Công ty Cổ phần Trà Nam Dương ở bản Hương Phong (xã Bản Bo, huyện Tam Đường) cho biết: Khi giá phân bón tăng cao, chúng tôi nỗ lực tìm mọi giải pháp để công ty và người trồng chè cùng có lợi. Mỗi năm, công ty cung ứng 200 tấn phân bón theo hình thức chậm trả cho trên 300 hộ dân chăm sóc vùng nguyên liệu 250ha chè. Công ty giúp người trồng chè sử dụng phân bón có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm chất lượng với giá rẻ hơn so với giá phân bón bán lẻ ngoài thị trường. Công ty luôn đồng hành cùng người trồng chè.
Thực tế, toàn tỉnh có 8.877ha chè; trong đó, 818ha chè mới trồng, 6.023ha chè kinh doanh với tổng sản lượng chè búp đạt 44.000 tấn. Trước thực trạng giá phân bón tăng cao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (TT&BVTV) tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố hướng dẫn bà con tận dụng tối đa nguồn phân chuồng; phân bón hữu cơ đã qua xử lý bón cho cây chè. Cán bộ chuyên môn các huyện, thành phố tăng cường hướng dẫn bà con thích ứng với giá phân bón leo thang. Từ đó, nông dân giảm thiểu chi phí mua phân bón vô cơ nhưng vẫn bảo đảm quá trình sản xuất chè búp theo hướng hàng hóa, đem lại lợi nhuận kinh tế cao.
Bà Trương Thị Nhàn - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh khẳng định: Mỗi năm, nông dân tỉnh ta sử dụng 60.112 tấn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có tới 75% phân bón cho cây chè. Khi giá phân bón tăng cao, Chi cục phân công cán bộ hướng dẫn người trồng chè sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế khả năng bốc hơi và rửa trôi. Khuyến khích bà con sử dụng phân hữu cơ, hạn chế các loại phân bón vô cơ khi không cần thiết”.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...