Thứ năm, 25/04/2024, 13:02 [GMT+7]

Bất an Nậm Ngập

Thứ tư, 19/09/2018 - 20:22'
(BLC) - Sau trận mưa lũ, sạt lở đất lịch sử cuối tháng 6 vừa qua, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương bị ảnh hưởng triển khai phương án khắc phục nhằm sớm ổn định sản xuất, đời sống của bà con. Tuy nhiên, với 44 hộ dân bản Nậm Ngập (xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ) lại chưa thể an cư, bởi còn đối mặt quá nhiều bất an.

Đi không ổn

Ngay sau khi xảy ra sạt lở đất khiến 9 hộ dân của bản Nậm Ngập bị sập, hư hỏng nhà ở, xã Nậm Tăm đã bố trí mặt bằng tại cánh rừng cấm của bản (cách bản cũ không xa) và tiến hành san ủi. Đã gần 3 tháng qua, các hộ cơ bản tập kết vật liệu và chuyển đến sinh sống nhưng lại gặp vô vàn khó khăn. Trước hết, do địa hình cao, xe ô tô chở vật liệu đi lại khiến con đường lên điểm tái định cư mấp mô, đầy sống trâu, ổ gà, có mưa thì trơn trượt, rất nguy hiểm. Mặt bằng mới chưa được lắp đặt hệ thống điện, nước sinh hoạt. Bà con phải chở hoặc gánh từng can nước từ bản cũ về phục vụ sinh hoạt.

Ngôi nhà của gia đình bà Tao Thị Lả vẫn trống trước, hở sau do khó khăn về kinh tế.

Không có điện ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhà của các gia đình. Mặc dù ngay gần bản Nậm Tăm 1 (bản được tách ra từ bản Nậm Ngập trước khi tiến hành di vén) nhưng chuyện mắc nhờ một bóng điện sáng hay cắm ổ chạy máy cưa, xẻ, bắn tôn (có trả tiền) không dễ gì. Anh Tao Văn Nằm (bản Nậm Ngập) than thở: “Nhờ vả mãi bà con mới cho cắm nhờ đường điện để chạy máy xẻ gỗ nhưng chỉ một vài tiếng là họ lại rút ra. Vậy là vừa làm vừa đợi điện. Gia đình tôi chuyển lên đã lâu mà khung nhà chưa hoàn thiện, tình hình này không biết bao giờ mới dựng được. Lên điểm mới, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Những nhu cầu thiết yếu: điện, nước đều không có, trong khi đó, thời tiết nóng bức, mùa mưa vẫn chưa qua, không thể ở mãi lán tạm, nhà ổn định thì tôi mới có thể tái sản xuất”.

Mặc dù hoàn thành sớm nhất nhưng thay vì vui mừng, gia đình bà Tao Thị Lả (bản Nậm Ngập) lo lắng hơn bởi số tiền vay nợ lên tới 10 triệu nhưng ngôi nhà vẫn trống trước, hở sau. Bởi, số gỗ tận dụng từ ngôi nhà cũ không thể thưng kín. Ti vi, bàn ghế uống nước, thậm chí đến cái tủ gỗ đựng quần áo của bà cũng bị hư hỏng vì sạt lở đất. “Từ cuộc sống đủ đầy, giờ lại quá tạm bợ, khổ quá cán bộ ạ. Rất mong Nhà nước, tỉnh cấp tiền hỗ trợ và giúp đỡ dân bản sớm ổn định cuộc sống”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết các gia đình chuyển lên tái định cư hiện đang gặp khó khăn về tài chính. Ở bản cũ, khi có điều kiện kinh tế, bà con đều tập trung đầu tư làm nhà sàn, xây dựng hệ thống công trình phụ kiên cố. Những ngôi nhà sàn thưng gỗ xây dựng 10 năm, bị đất sạt lở ảnh hưởng nhiều nên chỉ tận dụng được rất ít vật liệu, còn lại phải mua mới. Đến thời điểm này, số tiền hỗ trợ của Nhà nước chưa đến tay và bà con đều khẳng định với tình hình hiện nay, nhà mới không thể làm to, đẹp như trước.

Anh Lò Văn Nghiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm cho biết, do di chuyển gấp nên xã mới chỉ bố trí được mặt bằng, còn vấn đề điện, nước sinh hoạt lại phụ thuộc vào cơ quan chuyên môn. Chúng tôi vẫn đang kiến nghị huyện đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục phụ trợ tại đây. Còn nguồn xã hội hóa cũng tập trung huy động và dồn lực giúp đỡ bà con. Trong quá trình di chuyển, chính quyền chỉ đạo các lực lượng giúp đỡ ngày công và kể cả sau này, trong quá trình dựng nhà nếu các hộ cần xã sẽ hết sức giúp đỡ.

Ở không yên

Chia tay bà con điểm tái định cư, chúng tôi về bản Nậm Ngập - nơi có 35 hộ dân hiện đang sinh sống. Hình ảnh con đường nội bản bê tông sạch đẹp; phần lớn nhà sàn thưng gỗ lợp tôn với đầy đủ hệ thống công trình phụ, khuôn viên trồng cây ăn quả, bóng mát... thể hiện cuộc sống đủ đầy. Vậy nhưng, ngay phía taluy dương của quả đồi No Phường, những vết nứt, sạt trượt kéo dài hàng chục mét còn nguyên vẹn cạnh nhà văn hóa bản và những nền nhà phía trên vừa được dọn đi.

Những ngày cuối tháng 6, trên địa bàn tỉnh có mưa to, liên tiếp kéo dài. Chỉ trong các ngày 24 - 26/6, rất nhiều địa phương, tuyến đường của tỉnh bị mưa lũ, sạt lở đất, đá gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng của người dân. Nậm Ngập là một trong số đó. 12 giờ trưa ngày 24/6, chỉ nghe một tiếng ầm, trong phút chốc ngôi nhà của anh Tao Văn Đăm bị đất tràn vùi lấp gần hết. Rất may là các thành viên của gia đình đều kịp chạy ra khỏi nhà.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, bản đã phân công cho các hộ dân giúp anh Đăm khắc phục hậu quả và một số đi kiểm tra tình hình trên quả đồi phía sau, đồng thời cảnh báo bà con sẵn sàng di chuyển khi cần thiết. Sau khi kiểm tra, bà con phát hiện vết nứt từ đỉnh đồi lan rộng ra các nhánh trải dài từ đầu bản đến cuối bản, trong đó một số vết nứt rộng khiến đất tràn xuống với khối lượng lớn.

Ngay chiều hôm đó, một số hộ dân ở sát mép đồi có nguy cơ cao được bà con trong bản giúp đỡ tháo dỡ thưng ván, chuẩn bị hôm sau di chuyển nhưng không ngờ 12 giờ đêm đến 5h sáng hôm sau, sạt lở lớn hơn khiến nhà của 8 hộ dân bị sập hoàn toàn, may mắn không có thiệt hại về người.

Chúng tôi được chị Tao Thị Nàng dẫn lên điểm bắt đầu của vết nứt trên đỉnh đồi No Phường. Nơi đây bao năm qua được bà con trong bản trồng sắn, chuối và nghệ. Từ năm 2008, khi các hộ dân di vén lên điểm tái định cư này cũng đã có hiện tượng sạt lở đất ở chân đồi do phía taluy dương cao. Riêng năm 2017, 3 hộ dân bị sạt lở đất vào nhà quá nhiều đã chuyển lên cao hơn nhưng cũng chính những hộ đó năm nay bị ảnh hưởng nặng nhất. Nhìn bằng mắt thường, chúng tôi dễ dàng cảm nhận được sự nguy hiểm vẫn đang hiện hữu khi vết nứt có diện tích khá rộng, ăn sâu vào đất, trong khi đó độ dốc của đồi lớn. Vì huyện chưa tiến hành khắc phục nên bà con tạm thời mua bạt về trải lên trên vết nứt, mục đích khi mưa xuống hạn chế nước ngấm thêm vào nền địa chất vốn đã yếu sẽ dễ gây sạt lở lớn hơn.

Qua nắng mưa, những tấm bạt mỏng giờ đã rách tơi tả và chắc chắn rất cần đến phương án khắc phục hữu hiệu và khẩn trương nhất có thể. Cũng theo lời chia sẻ của chị Nàng, 35 hộ dân còn lại mong muốn chuyển đi nhưng được thông báo là không có mặt bằng, huyện sẽ khắc phục điểm sạt lở. Mùa mưa vẫn còn, hàng trăm con người ngày ngày sinh sống ngay dưới chân “tử thần”, sao bà con yên tâm sinh sống, làm ăn.

Khi thắc mắc về vấn đề ngay khi chuyển lên tái định cư đã có dấu hiệu bất thường về địa chất nhưng bà con vẫn ở, chúng tôi nhận được câu trả lời của anh Tao Văn Lả - Trưởng bản Nậm Ngập: Bản cũ có 88 hộ, khi thực hiện di vén do diện tích không đủ nên một nửa chuyển đến điểm tái định cư mới, số còn lại di vén tại đây. Cơ quan chuyên môn sau khi khảo sát, đánh giá cũng cho biết vấn đề này nhưng bà con kiên quyết chuyển lên vì cho rằng nơi đây gần khu sản xuất, muốn lên rừng hay xuống suối tìm rau, măng, bắt cá cũng dễ dàng hơn. Với những sạt sụt nhỏ như những năm trước thì không hề đáng ngại nhưng năm nay quá nguy hiểm vì chỉ một trận mưa to dài ngày mà cả quả đồi đã tạo thành những vết nứt dọc xuống phía bản và hệ quả thì như các cô đã thấy rồi.

Sau khi xảy ra sạt lở, một số hộ dân tuy không ảnh hưởng nhưng cũng tháo dỡ thưng gỗ tầng 1 sẵn sàng chuyển đến điểm tái định cư mới. Biết tin không thể di chuyển, bà con lại quay về sinh sống nhưng luôn trong tâm lý lo sợ.

Những vết nứt, sạt trượt từ đồi No Phường rất nguy hiểm.

Không chỉ bất an trong cuộc sống hàng ngày mà việc học của các cháu mầm non cũng thất thường. Hiện, điểm trường mầm non đã tạm ngừng việc dạy học do nguy cơ sạt lở cao. Theo đó, các cháu phải ra điểm trường ở bản Ngậm Ngập 1 tiếp tục theo học. Vì nhiều lí do: học sinh trong bản đông hơn; phụ huynh bận đi làm, không có thời gian đưa đón nên phần lớn bố mẹ cho con nghỉ học.

Anh Lả cho biết: Nếu các hộ dân không thể di chuyển thì mong muốn lớn nhất hiện nay là huyện sớm tiến hành khắc phục sạt lở ở đồi No Phường và đường nước sinh hoạt. Nếu không thực hiện sớm, lòng dân sẽ không yên.

Khó chồng khó khi cánh đồng lúa vùng bán ngập đang thời kỳ uốn câu, dòng suối Nậm Ngập cung cấp nước cho cánh đồng cũng bị đất đá tàn phá, phủ kín. Nhiều hộ canh tác ở một vài nơi khác còn thu hoạch được chút ít nhưng cũng không thể đủ cho sinh hoạt trong cả năm (bởi vụ sản xuất đông xuân khả năng vẫn không thể sản xuất do chưa thể khắc phục diện tích ruộng).

“Nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”, Nậm Ngập đã từng như vậy. Nhưng với tình hình hiện nay rất cần các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện có những biện pháp thiết thực, cụ thể giúp bà con ở bản mới cũng như bản cũ thực sự an cư để khôi phục sản xuất.

Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...