Thứ bảy, 20/04/2024, 05:26 [GMT+7]

Các loại sâu bùng phát gây hại mạnh trên cây ngô, lúa

Thứ bảy, 13/07/2019 - 23:00'
(BLC) - Từ cuối tháng 3 đến nay, trên địa bàn tỉnh bùng phát sâu keo mùa thu, cắn gié và đục thân gây hại ngô, lúa. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với chính quyền huyện, xã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân quyết liệt phòng trừ.

Anh Nguyễn Đức Duyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Chưa năm nào, Chi cục phải vất vả như năm nay bởi liên tục xuất hiện các loại dịch, bệnh trên cây trồng. Toàn tỉnh có tới 2.702,6ha ngô, lúa bị sâu ăn lá, cắn ngọn, đục thân, trong đó 560,7ha ngô, lúa nhiễm sâu nặng. Ngay khi phát hiện, Chi cục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhiều công văn đề nghị các huyện, thành phố, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát, triển khai, áp dụng biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Đến nay, 100% diện tích ngô, lúa nhiễu sâu được bà con phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ, trong đó diện tích ngô đã có ảnh hưởng đến năng suất”.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ kiểm tra, đánh giá kết quả phòng trừ và mức độ gây hại của sâu cắn gié trên cây ngô, lúa của xã Sin Súi Hồ (huyện Phong Thổ).

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ kiểm tra, đánh giá kết quả phòng trừ và mức độ gây hại của sâu cắn gié trên cây ngô của xã Sin Súi Hồ (huyện Phong Thổ).

Cùng Đoàn công tác Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chúng tôi đến kiểm tra, đánh giá kết quả phòng trừ và mức độ gây hại của sâu cắn gié trên cây ngô, lúa ở xã Sin Súi Hồ (huyện Phong Thổ), thị trấn Sìn Hồ, xã Phăng Xô Lin và Xà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ). Từ cuối tháng 6, các địa phương của 2 huyện trên xuất hiện sâu cắn gié gây hại ngô, lúa với mật độ trung bình từ 20 - 30 con/m2. Một số diện tích ngô nhiễm sâu cắn gié cao từ 50 - 70 con/m2 và có nơi cục bộ hơn 200 con/m2. Toàn tỉnh có tổng diện tích bị sâu cắn gié gây hại trên 74,5ha cây trồng, trong đó 20,5ha ngô, 3ha lúa của huyện Sìn Hồ và 40ha ngô, 11ha lúa của huyện Phong Thổ. Sâu cắn gié sống tập trung thành từng đàn, di chuyển từ cây rừng xuống gây hại mạnh trên cây ngô, lúa vào ban đêm hoặc ban ngày khi trời âm u, có mưa nhỏ. Sâu cắn gié tấn công sẽ ăn trụi lá ngô, lúa chỉ để lại phiến lá và thân cứng.

Chủ động phòng trừ, giảm thiểu thiệt hại do sâu cắn gié gây hại ngô, lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn Số 925/SNN-TT&BVTV ngày 3/7/2019 về việc chủ động giám sát và phòng trừ sâu ăn lá hại cây trồng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện cử cán bộ phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác điều tra, đánh giá, thống kê diện tích phát sinh sâu cắn gié trên toàn bộ diện tích lúa mùa, lúa nương và ngô xuân hè để khoanh vùng, phòng trừ kịp thời. Khuyến cáo bà con chú ý diện tích ngô, lúa gần đồi, rừng rậm, cạnh khe suối, nguồn nước sâu hay tập trung sâu cắn gié theo đàn gây hại mạnh. Phổ biến các biện pháp phòng trừ sâu cắn gié đồng loạt bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Bowing 777 EC; Sherzol 205 EC; Drago 700 EC; phun vào sáng sớm hoặc chiều mát, không phun khi trời mưa. Sau khi phun, bà con bón phân để cây ngô, lúa phục hồi, sinh trưởng phát triển tốt. Đến nay, diện tích ngô, lúa bị sâu cắn gié gây hại tại 2 huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ đã được phòng trừ ổn định, trong đó một số diện tích ngô giảm 10% năng suất, không có diện tích mất trắng.

Anh Chẻo Quẩy Hòa - Chủ tịch UBND xã Sin Súi Hồ (huyện Phong Thổ) khẳng định: “Ngay khi phát hiện sâu cắn gié gây hại ngô, lúa, chúng tôi nhận định đây là loại sâu đặc biệt nghiêm trọng nếu không phòng trừ kip thời sẽ mất trắng. Vì vậy, UBND xã ứng trước thuốc bảo vệ thực vật Bowing 777 EC của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ để cung ứng cho nông dân. Đồng thời, triệu tập cán bộ, công chức xã giúp bà con phun thuốc bảo vệ thực vật diệt sâu cắn gié đồng loạt. Đến nay, diện tích ngô của xã đang trong giai đoạn chín sáp, chắc hạt, không có diện tích mất trắng do sâu cắn gié gây hại. Diện tích lúa mùa của xã đẻ nhánh rộ vượt qua giai đoạn sâu cắn gié gây hại”.

Đối với sâu keo mùa thu gây hại ngô xuân hè từ cuối tháng 3 đến nay, tại các huyện: Tân Uyên, Tam Đường và Phong Thổ. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh đã lấy mẫu gửi Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật (Hà Nội) giám định, kết quả xác nhận là đối tượng sâu hại mới xâm nhập vào nước ta, có khả năng di trú xa, gây hại nặng cho ngô và nhiều loại cây trồng khác. Toàn tỉnh có 2.641,8ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại, mật độ sâu cao, phát tán nhanh, nhiều diện tích nặng. Chi cục phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát, hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp phòng trừ quyết liệt.

Tuy nhiên, sâu keo mùa thu ăn lá, ngọn, đục vào bắp và thân cây khó khăn cho công tác phòng trừ dứt điểm hơn so với sâu cắn gié. Chi cục hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Biocin16WPb; Thamatem150Sc; Supermate 150SC; Clever 150SC; Indocar 150SC theo nguyên tắc "4 đúng": phun, rắc thuốc theo đúng nồng độ, liều lượng trên bao bì, phun tập trung vào nõn cây ngô, khu vực cây ngô bị sâu keo gây hại, nơi nào sâu có mật độ, tỷ lệ hại cao cần xử lý kép 2 lần (lần 2 sau lần 1 từ 5 -7 ngày). Hiện nay, nông dân tỉnh ta đang thu hoạch trên 1.000ha ngô xuân hè (giảm 10% năng suất do sâu keo mùa thu gây hại so với vụ xuân hè năm trước). Toàn tỉnh còn 17.857,4ha ngô xuân hè đang giai đoạn trỗ, chín sữa, chín sáp. Sâu keo mùa thu vẫn đang gây hại trên diện hẹp, gây ảnh hưởng nhỏ đến năng suất ngô.

Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố điều tra, dự tính dự báo, chỉ đạo phòng trừ sâu gây hại cây trồng kịp thời. Tăng cường công tác tuyên truyền về đặc tính của các loại sâu hại cây trồng đến người dân; quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...