Thứ tư, 24/04/2024, 08:29 [GMT+7]

Cần có chế tài xử lý dứt điểm lò gạch thủ công

Thứ năm, 22/04/2021 - 15:46'
(BLC) - Năm 2017, UBND tỉnh có kế hoạch chấm dứt mọi hoạt động đối với các lò gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên, địa bàn huyện Than Uyên vẫn còn một số lò gạch thủ công hoạt động do chưa có chế tài xử lý.

Có mặt tại khu vực bản Cẩm Trung 2, xã Mường Than, huyện Than Uyên, điều chúng tôi dễ dàng nhận là thấy những lò gạch thủ công nằm ngay kề gần khu dân cư. Tại nơi sản xuất, máy móc hoạt động liên tục, công nhân đưa gạch ra vào lò nung, một khu đất có đến 5 lò gạch liền nhau đang hoạt động. Quá trình sản xuất, khói bụi và các khí thải độc hại xả thẳng ra môi trường, nguy cơ gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người dân.

Theo chia sẻ của một chủ lò gạch thủ công ở xã Mường Than, trước đây theo sự hướng dẫn của UBND huyện Than Uyên, các cơ sở sản xuất lò gạch thủ công được quy hoạch hoạt động tập trung tại một vùng của bản Cẩm Trung 2. Do vị trí hoạt động gần núi toàn đất pha đá nên các cơ sở phải tìm mua đất nơi khác về để làm. Hơn chục năm nay, các chủ đầu tư bỏ nhiều tiền của để mua máy móc, xây dựng lò, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong khi đó cuộc sống, thu nhập của chủ cơ sở, nhiều lao động là người dân trong vùng đều dựa vào sản xuất gạch.

Do các lò gạch hoạt động hàng chục năm nay và ước tính có trên 100 công nhân là người dân địa phương tham gia trực tiếp sản xuất. Nhiều lao động đã gắn bó lâu dài và cuộc sống trông chờ vào lương do chủ cơ sở sản xuất chi trả. Có gia đình cả vợ và chồng cùng làm công nhân cho các cơ sở. Vì miếng cơm, manh áo mà những người dân địa phương bắt buộc phải gắn bó với nghề này dù biết rằng các lò gạch thủ công đều đốt bằng than đá gây nguy hại cho sức khỏe, môi trường.

Anh Hoàng Minh Trường, khu 9, thị trấn Than Uyên tâm sự: “Tôi tham gia làm công nhân cho Hợp tác xã (HTX) Công nông nghiệp Xuân Thủy gần 10 năm, thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Làm ở đây công việc ổn định và đảm bảo trang trải cuộc sống gia đình. Nếu nhà máy gạch công nghệ lò vòng của HTX dừng hoạt động tôi phải tìm việc khác nhưng rất tiếc vì nhiều lao động đang làm ở đây phải nghỉ việc. Tôi mong muốn được hỗ trợ công việc sau khi lò gạch dừng hoạt động”.

Khi có chủ trương chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất gạch đất sét nung. Chủ các cơ sở đều đồng ý nhưng số tiền bỏ ra đầu tư cho lò gạch quá lớn giờ chuyển đổi công nghệ tiên tiến thì không còn tiền mà bỏ đi rất lãng phí; sẽ ra sao khi số lao động mất việc làm, không có thu nhập và họ phải tìm công việc mới trong khi rất khó tìm, khó thích nghi.

Những năm 2009 -  2010, HTX Công nông nghiệp Xuân Thủy (thị trấn Than Uyên) đã bỏ ra 20 tỷ đồng triển khai mua đất, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch đất nung công nghệ lò vòng. Thời gian hoạt động đến nay đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, giải quyết vật liệu xây dựng tại chỗ. Khi đứng trước việc phải dừng hoạt động hoặc chuyển đổi công nghệ tiên tiến hơn, HTX đang băn khoăn vì chưa thể.

Các lò gạch thủ công hiện đang giải quyết việc làm trên 100 công nhân và chủ cơ sở, lao động mong muốn có cơ chế chính sách hỗ trợ sau khi dừng hoạt động.

Các lò gạch thủ công hiện đang giải quyết việc làm trên 100 công nhân; chủ cơ sở, lao động mong muốn có cơ chế chính sách hỗ trợ sau khi dừng hoạt động.

Ông Đỗ Ngọc Tiến – Giám đốc HTX Công nông nghiệp Xuân Thủy cho biết, Nhà máy sản xuất gạch được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động dự án trong 50 năm, bình quân sản xuất 9 triệu viên gạch/năm, giải quyết việc làm cho 50 - 60 lao động, mức lương bình quân 5-10 triệu đồng/người/tháng. Để bắt kịp xu thế trong sản xuất vật liệu xây dựng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, HTX đã áp dụng khoa học công nghệ mới nhằm giảm lượng ô nhiễm môi trường chất thải rắn, nguyên liệu đốt. Đơn vị đang sử dụng công nghệ tái chế toàn bộ chất thải rắn (đất, cát, sỏi tận thu) của địa phương, nguyên liệu đốt sử dụng 100% than xỉ (đã qua lửa) hạn chế ô nhiễm. Đứng trước chủ trương chấm dứt hoạt động, đơn vị ủng hộ chủ trương nhưng mong cơ quan chức năng bằng biện pháp nghiệp vụ, nghiên cứu thực tế tại nhà máy để tạo điều kiện cho đơn vị tiếp tục hoạt động do thời gian hoàn vốn chưa đáp ứng được khi đã đầu tư lớn. Nếu phải chuyển đổi sang lò tuynel sản xuất theo công nghệ tiên tiến đơn vị đề xuất cần có cơ chế chuyển đổi, hỗ trợ chi phí chuyển đổi; xem xét đầu ra của sản phẩm; giúp đơn vị và người lao động có việc làm ổn định.

Thực hiện các văn bản của Chính phủ, của tỉnh về chấm dứt hoạt động của tất cả các cơ sở sản xuất gạch thủ công trước năm 2017; các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lò vòng trước năm 2020. UBND huyện Than Uyên đã tạm dừng được 2 lò gạch thủ công, còn lại 7 lò gạch thủ công (có 2 nhà máy gạch đất nung công nghệ lò vòng hoffman của HTX Công nông nghiệp Xuân Thủy, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bảo Dương; 5 lò gạch thủ công của các hộ đốt bằng than đá tập trung ở xã Mường Than). Nếu như thực hiện đúng lộ trình, đến hết năm 2017, các lò gạch thủ công phải được xóa bỏ. Thế nhưng, đến nay đã quá thời hạn gần 4 năm nay, một số lò gạch thủ công vẫn còn hoạt động.

Về nguyên nhân chưa dứt điểm xóa bỏ lò gạch thủ công, ông Nguyễn Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Các chủ lò gạch đã bỏ kinh phí lớn để đầu tư xây dựng các lò gạch hay nhiều lao động cũng trông chờ thu nhập từ việc sản xuất gạch. Việc chuyển đổi cải tiến công nghệ cho các lò gạch cần nguồn kinh phí lớn, các hộ gặp khó khăn về vốn đầu tư để thực hiện chuyển đổi. Trong khi Chính phủ không có cơ chế chính sách, ngân sách huyện lại hạn hẹp không thể hỗ trợ cho việc chuyển đổi cải tiến các lò gạch thủ công. Do vậy, việc dừng hoạt động các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống các gia đình và bản thân chủ cơ sở sản xuất gạch.

Cũng theo ông Thăng, thời gian tới huyện căn cứ theo quy định của Chính phủ, của tỉnh sẽ cương quyết xử lý dứt điểm các cơ sở này và lồng ghép các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các lao động. Song huyện cũng mong tỉnh có chính sách hỗ trợ các cơ sở chuyển đổi công nghệ cho phù hợp.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...