Thứ sáu, 29/03/2024, 02:32 [GMT+7]

Giảm ăn muối để bảo vệ sức khỏe

Thứ bảy, 10/04/2021 - 19:44'
(BLC) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 4,1 triệu người tử vong do các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp...) liên quan đến ăn thừa muối. Tại nước ta, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc.

Đa số người dân ăn thừa muối

Theo tính toán của Bộ Y tế, 5g muối tương đương với 1 thìa cà phê muối, hoặc 1,5 thìa cà phê bột canh hay 2 thìa cà phê bột nêm hoặc 2,5 thìa canh nước mắm... và người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày. Nhưng thực tế, đa số người dân đang ăn nhiều gấp 2 lần so với khuyến cáo.

Tại các gia đình điều dễ nhận thấy hàng ngày là hầu như khi sơ chế đã ướp muối, lúc chế biến lại nêm nếm thêm và khi ăn trên mâm cơm dường như không bao giờ thiếu bát nước chấm. Thậm chí có gia đình sử dụng tới 2 - 3 loại đồ chấm cho phù hợp từng món ăn.

Bà Nguyễn Thị Ngân (68 tuổi ở thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) tâm sự: Từ nhỏ, tôi đã ăn mặn. Tôi rất thích và thường xuyên ăn dưa muối, cà nén, hôm nào có cào cào rang mặn thì lại càng ngon, có thể “đánh bay” 4 - 5 bát cơm. Nếu nấu nhạt, tự nhiên ăn ít hơn.

Đối với giới trẻ, nhất là cán bộ công chức viên chức, việc ăn vặt những món đồ chua, hoa quả chấm ngập muối ớt hay nước chấm “thần thánh”… là chuyện thường ngày. Nhiều người lớn khi đi ăn bún, phở, hôm nào ngon miệng còn uống cạn nước dùng. Không chỉ người lớn, qua khảo sát thực tế trên địa bàn trung tâm các huyện, thành phố của tỉnh cho thấy hầu hết trẻ em rất thích ăn súp mì tôm, xúc xích, bim bim… Từ ngày có lọ súp Hảo Hảo chua cay xuất hiện trên thị trường, ngày nào trên bàn ăn của gia đình anh Ngô Tiến Đạt ở phường Đông Phong (thành phố Lai Châu), ngoài bát nước mắm cũng có thêm đĩa súp Hảo Hảo để bọn trẻ chấm. Anh nào đâu biết rằng 1 gói súp mì tôm tương đương với 5g muối, đã đáp ứng nhu cầu về muối của một người trưởng thành, chưa kể trong ngày sẽ còn sử dụng rất nhiều thực phẩm khác có chứa muối. Trong khi đó, nhu cầu muối của trẻ em thấp hơn nhiều so với người lớn.

Hàng chục năm về trước, do cuộc sống đa phần khó khăn, nhiều gia đình nấu mặn để sử dụng được lâu và tiết kiệm. Nhưng nay, cuộc sống đã khấm khá hơn thì vị mặn lại trở thành thói quen của mỗi nhà và nếu ăn nhạt sẽ cảm thấy không ngon miệng.

Điều đáng nói là mặc dù hầu hết người Việt Nam ăn nhiều muối nhưng chỉ có 16% số người cho rằng bản thân có ăn mặn. Nhiều người còn không nhận biết được những thực phẩm thông thường có chứa nhiều muối.

Tác hại của ăn mặn

Bác sỹ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền người dân điều chỉnh chế độ ăn ít muối để bảo vệ sức khỏe.

Bác sỹ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám bệnh cho người dân bị bệnh Basedow do ăn thừa muối.

Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ CKI Trần Đỗ Kiên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Muối là gia vị quen thuộc đối với mỗi gia đình, trong đó natri là một trong hai nguyên tố chính, chiếm khoảng 40% trọng lượng của muối. Ăn thừa natri là yếu tố nguy cơ chính đối với sức khỏe. Ngoài ra, natri còn có nhiều trong các loại gia vị mặn khác như: nước mắm, nước tương, bột canh và kể cả trong mì chính... Mặc dù muối rất cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn thừa muối lại gây ra tác hại cho sức khỏe, gây nguy cơ cao mắc các bệnh, rối loạn chuyển hoá. Đáng chú ý, ăn thừa muối có thể gây tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ (tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành…).

Do chế độ ăn nhiều muối, nhiều năm nay bà Nguyễn Thị Vít (tổ 26, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) bị huyết áp cao, phải điều trị tại cơ sở y tế. Tại Phòng khám đa khoa của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sau khi được bác sỹ kiểm tra huyết áp, bà chia sẻ với chúng tôi: Năm 2011, tôi đi khám, phát hiện mình bị cao huyết áp. Một phần tôi bị bệnh này là do ngày xưa tôi ăn mặn; rau, thịt thì phải chấm ngập nước mắm, ăn mới ngon. Những năm qua, ngoài điều trị theo phác đồ của bác sỹ, tôi ăn nhạt dần và bây giờ hầu như tôi không chấm mắm hay muối. Nhờ đó, huyết áp tôi ổn định.

Cũng do ăn mặn, bà Nguyễn Thị Ngân (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) bị bệnh đái tháo đường. Từ năm 2019 đến nay, bà điều trị tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Mỗi tháng 1 lần, bà lại đón xe khách từ huyện lên tỉnh để tái khám. Do ăn thừa muối, bà không chỉ bị đái tháo đường mà trước đây còn từng bị bướu cổ, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Cho bớt muối - chấm nhẹ tay - giảm ngay đồ mặn

Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh – Phó trưởng Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay: Các bệnh không lây nhiễm có thể phòng tránh được thông qua việc thay đổi hành vi, lối sống như: không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống, tập luyện thể thao hợp lý... Đặc biệt, giảm bớt việc sử dụng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày là một trong những biện pháp can thiệp hiệu quả để phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác. Ba biện pháp chính để giảm ăn muối, đó là: cho bớt muối; chấm nhẹ tay và giảm ngay đồ mặn.

Hàng ngày muối được đưa vào cơ thể qua bữa ăn từ 3 nguồn chính: 70% cho vào khi sơ chế, nấu và khi ăn; 20% từ thực phẩm chế biến sẵn; 10% có sẵn trong thực phẩm tự nhiên. Theo khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới (WHO), thực hiện giảm tiêu thụ muối xuống dưới 5g/ngày sẽ cứu sống 2,5 triệu người mỗi năm trên toàn cầu.

Để bảo vệ sức khỏe, mỗi người cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác hại của ăn thừa muối. Đặc biệt, các bà nội trợ đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết lượng muối ăn vào bữa ăn hàng ngày của gia đình. Khi nấu ăn mỗi ngày giảm dần lượng muối và gia vị chứa nhiều muối cho đến khi giảm một nửa. Nếm thức ăn trước khi cho thêm muối, mắm. Tự nấu ăn ở nhà để kiểm soát lượng muối sử dụng. Sử dụng các gia vị khác (tiêu, ớt, chanh...) để ăn ngon hơn mà không cần dùng nhiều muối. Tăng cường các món luộc, hấp thay cho món kho, rim, rang.

Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ CKI Trần Đỗ Kiên khuyến cáo: Mọi người dân cần hình thành thói quen chấm nhẹ tay, bỏ ngay thói quen chấm ngập thức ăn vào nước chấm, gia vị... Hạn chế để nước mắm, nước tương, muối ăn trên bàn ăn. Không nên rưới nước mắm, nước kho/rim cá, thịt hay nước sốt vào cơm khi ăn. Và cũng không nên cố uống hết nước canh, nước phở, bún, miến, nhất là khi ăn ở hàng quán. Việc ăn trái cây chấm với muối và gia vị nhiều muối cũng cần được hạn chế.

Bên cạnh đó, mỗi gia đình giảm ngay đồ mặn bằng việc hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như: mì tôm, xúc xích, giò chả, bim bim... Tăng cường ăn các thực phẩm tự nhiên, đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua; sử dụng muối và các gia vị mặn ít natri.

Trước băn khoăn: ăn giảm muối liệu có ảnh hưởng đến sức khoẻ không, tại Hội thảo truyền thông vừa được tổ chức tại Lai Châu ngày 19/3 vừa qua, Thạc sỹ Hồ Thiên Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương khẳng định: Người bình thường giảm ăn muối không làm cho cơ thể bị thiếu muối. Chỉ cần ăn thực phẩm tự nhiên hằng ngày cũng đã cung cấp đầy đủ lượng natri cho cơ thể vì thực phẩm tự nhiên đã có muối.

Đinh Đông - Hồng Thủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...