Thứ sáu, 26/04/2024, 06:23 [GMT+7]

Hôn nhân cận huyết thống: Bài toán khó

Thứ tư, 14/04/2021 - 11:19'
Mặc dù được tuyên truyền nhiều, nhưng hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra trên địa bàn huyện Than Uyên; cùng với tảo hôn trở thành hai vấn nạn xã hội của huyện. Điều này gây ra những hậu quả khôn lường.

Những câu chuyện buồn
Chúng tôi đến Trường THCS xã Phúc Than, nơi em Mùa Thị Mỷ - một trong những “hậu quả” của hôn nhân cận huyết thống. Ngồi trước mặt chúng tôi là một học sinh lớp 6 với dáng người mảnh khảnh, còi cọc như học sinh lớp 3, mái tóc dài màu trắng vàng; đôi mắt vàng hoe; làn da trắng nhưng thô ráp. Mỷ là con gái của anh Mùa A Rồng (SN 1977) và chị Hờ Thị Dơ (SN 1980) ở bản Sam Sẩu (xã Phúc Than). Được biết, cuộc hôn nhân của bố mẹ Mỷ là con của chị gái lấy con của em trai. Mỷ là út trong gia đình, trên Mỷ có 2 anh trai cũng có màu tóc, da giống em.
Cô giáo Phạm Thị Lan, giáo viên bộ môn lịch sử, Trường THCS xã Phúc Than cho biết: Trên Mỷ còn có anh trai Mùa A Kênh, đang theo học lớp 8A2 ở trường; nhưng Kênh đang nghỉ học ở nhà chăn trâu. 2 anh em Mỷ đều bị thiểu năng trí tuệ, học theo kiểu tái hòa nhập, vẫn chơi cùng các bạn. Nhận thức ở mức độ đơn giản như đứa trẻ 6 tuổi, biết cộng phép tính trong phạm vi 10.
Chúng tôi đưa một tờ giấy có vài dòng chữ trên đó cho Mỷ, chỉ vào chữ đơn giản có 1 âm tiết, rồi bảo Mỷ đọc thử cho các cô nghe. Mỷ ngập ngừng: Em không biết đọc! Thế em có biết viết tên em hay thuộc một câu thơ, một câu hát nào không? Chúng tôi hỏi và nhận lại được cái lắc đầu và ánh mắt đảo liên tục của Mỷ. Nắm tay em, chúng tôi hỏi, sau này em ước mơ lớn lên sẽ làm nghề gì? Mỷ chỉ nói rằng em có ước mơ. Nhưng làm nghề gì thì không biết.

Cán bộ dân số Trạm Y tế xã Phúc Than (huyện Than Uyên) cùng cô giáo Trường THCS xã Phúc Than hỏi thăm về cuộc sống của học sinh Mùa Thị Mỷ.

Cán bộ dân số Trạm Y tế xã Phúc Than (huyện Than Uyên) cùng cô giáo Trường THCS xã Phúc Than hỏi thăm về cuộc sống của học sinh Mùa Thị Mỷ.

Rời Trường THCS xã Phúc Than, chúng tôi đến bản Sam Sẩu, tìm đến nhà Mỷ nhưng không có ai ở nhà. Cùng cán bộ dân số của xã và trưởng bản, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Vàng A Hứ có con trai tên là Vàng A Chua (SN 2000) lấy con gái của chị anh Hứ tên là Thào Thị Mú (SN 2000, ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Khi chúng tôi đến nơi, chỉ có chị Vừ Thị Ninh vợ của anh Hứ và đứa con gần 2 tuổi của A Chua ở nhà. Còn mọi người đều đi làm ăn xa. Thật khó để chúng tôi có thể nói chuyện được với chị Ninh vì chị không biết nhiều tiếng phổ thông và mới chuyển về sống với chồng được vài tháng nay.
Anh Vàng A Sùng - Trưởng bản Sam Sẩu cho biết: Nhìn trước mắt, con của A Chua có tóc màu đen, da ngăm đen chưa biểu hiện rõ như anh em nhà Mỷ. Không biết sau này, nhận thức của đứa trẻ ra sao, vì bây giờ bé mới đang tập nói.
… chưa có hồi kết
Theo thống kê của Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, từ năm 2016 - 2020, toàn huyện có 3 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, trong đó xã Phúc Than có 2 trường hợp, xã Ta Gia có 1 trường hợp. Tuy nhiên, đây chỉ là con số từ các xã báo lên và cán bộ dân số điều tra được, trên thực tế, các trường hợp hôn nhận cận huyết thống còn nhiều hơn số này.
Đồng chí Nguyễn Liên Chung - Trưởng Phòng Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Y tế huyện Than Uyên cho hay, những năm qua, phòng thường xuyên phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, các đoàn thể của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền xuống các bản, khu dân cư theo hình thức “mềm dẻo” để đánh vào tâm lý, nhận thức của người dân; nhất là các hộ ở khu vực vùng khó khăn, ít giao tiếp với xã hội. Mỗi lần tuyên truyền đều có tranh, ảnh thực tế làm ví dụ minh họa, để bà con nhận diện rõ nhất về những tác hại của hôn nhân cận huyết thống. Đó không chỉ gây suy giảm chất lượng giống nòi, làm rào cản cho sự phát triển của xã hội mà trực tiếp ảnh hướng tới kinh tế gia đình, sự phát triển của đứa trẻ khi sinh ra. Chúng có thể mắc các căn bệnh như: tan máu bẩm sinh, bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD, các bệnh dị dạng về xương, bụng phình to, thiểu năng trí tuệ, lùn, ốm yếu mù màu, da vảy cá... Các bệnh này khiến cho người mắc sống cuộc đời tàn tật, nguy cơ tử vong rất cao và bệnh di truyền tiếp cho thế hệ sau.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cử cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn, thông qua nguồn tin báo trong quần chúng Nhân dân để tuyên truyền, vận động kịp thời các cặp đôi có cùng huyết thống đang có ý định kết hôn; với những trường hợp cố tình sẽ xử phạt hành chính.
Anh Vàng A Sùng - Trưởng bản Sam Sẩu, xã Phúc Than cho biết: “Bản còn cho các hộ ký cam kết không vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đưa ra các mức phạt đối với từng trường hợp. Thế nhưng, một số gia đình vẫn chấp nhận các mức hình phạt đó, mặc dù chúng tôi đến nhà tuyên truyền, vận động có trường hợp hơn 10 lần. Các cháu thì nằng nặc đòi lấy nhau, còn bố mẹ thì không có cách gì để ngăn cấm”.
Chị Lò Thị Sinh, cán bộ dân số của Trạm Y tế xã Phúc Than chia sẻ: Một trong những cái khó của chúng tôi khi đi tuyên truyền là nhiều cặp đôi đòi tự tử bằng cách ăn lá ngón, bỏ nhà đi; hay có những hành động phẫn nộ, cố tình làm thương bản thân để đổi lỗi trách nhiệm cho người đi tuyên truyền. Mặt khác, có nhiều trường hợp, khi chúng tôi đến gia đình tuyên truyền thì cặp đôi đó đã có con hoặc người phụ nữ đang mang thai.
Tình trạng hôn nhân cận huyết thống diễn ra ở Than Uyên hay các huyện trong tỉnh nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung quả thực là bài toán khó từ trước đến nay vẫn chưa thể chấm dứt.
Câu chuyện của Mỷ hay đứa bé con của A Chua khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Cả một tương lai của Mỷ và 2 anh trai không biết sẽ đi về đâu khi các em không biết chữ, không biết tính toán. Với con của A Chua, liệu rằng sau này bé sẽ khỏe mạnh, phát triển tri thức bình thường như những đứa trẻ khác. Ý thức, nhận thức kém của người cha, người mẹ và người thân trong gia đình khiến cho những đứa trẻ “vô tội” phải “gánh” trên mình tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần với một tương lai mịt mờ.
Thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần phối hợp hơn nữa để tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân, nhất là vùng có nguy cơ cao các trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Pháp luật cần có những xử phạt “mạnh tay” để răn đe. Và, trên hết là người trẻ tuổi cần nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Ngân Khánh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...