Thứ bảy, 20/04/2024, 20:40 [GMT+7]

Khó khăn quản lý, khai thác công trình thủy lợi

Thứ năm, 14/05/2020 - 06:20'
Hiện nay, việc khai thác nguồn nước phục vụ cho sản xuất trên các cánh đồng do Công ty TNHH MTV Quản lý thủy nông Lai Châu đảm nhận đang gặp nhiều khó khăn, cần sớm có phương án tháo gỡ.

Nhiều công trình cần sửa chữa
Thời gian gần đây, trong những lần về cơ sở, chúng tôi được người dân phản ánh nhiều về tình trạng công trình thủy lợi hư hỏng, làm giảm hiệu quả điều tiết nước sản xuất. Trong đó có những công trình bà con đã kiến nghị tới đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Chẳng hạn như các công trình thủy lợi: Nậm Lằn (xã Ka Lăng, huyện Mường Tè), Thèn Thầu (xã Bình Lư, huyện Tam Đường), Nậm Mít (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên), Cuổi Tở (xã Nậm Cuổi, huyện Sìn Hồ)... Đây là những đề nghị chính đáng và thiết thực, gắn liền với sản xuất, đời sống của bà con. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã “mục sở thị” một số công trình thủy lợi.
Trong cái nắng gay gắt đầu hè, chúng tôi ngược dốc bản Hô Pù (xã Hố Mít, huyện Tân Uyên) thị sát công trình thủy lợi Bó Lun - Cóc Nhủng. Đây là công trình đảm bảo tưới tiêu cho 103ha lúa mùa, 22ha lúa đông xuân trên địa bàn 2 xã: Hố Mít và Pắc Ta. Thế nhưng, đập đầu mối đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn năm 2018; tuyến kênh dài bị cát sỏi bồi lấp thường xuyên và liên tục bị vỡ tại một số điểm. Chị Sùng Thị Tính (bản Hô Pù) cho biết: Vào vụ đông xuân thường thiếu nước canh tác, đặc biệt là từ giữa đến cuối tuyến kênh. Bà con rất mong các cấp, ngành sớm làm đập đầu mối dâng nước, sửa chữa và thường xuyên nạo vét tuyến kênh, đáp ứng nhu cầu sản xuất của Nhân dân.

Do mưa lũ, công trình thủy lợi C23 (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên) bị cuốn trôi khoảng 60m kênh ngay sau đập đầu mối.

Do mưa lũ, công trình thủy lợi C23 (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên) bị cuốn trôi khoảng 60m kênh ngay sau đập đầu mối.

Men theo sườn đồi quanh co, gồng tay lái trên con đường vừa dốc vừa trơn trượt đầy ổ trâu, ổ gà, chúng tôi tiếp tục tới đập đầu mối của công trình thủy lợi C23 (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên). Theo chia sẻ của cán bộ quản lý thủy nông phụ trách địa bàn huyện Tân Uyên, đây là công trình cung cấp nước cho 150ha lúa mùa, 122ha lúa đông xuân. Cũng trong mùa mưa lũ năm 2018, đã cuốn trôi hoàn toàn khoảng 60m kênh ngay sau đập đầu mối. Để dẫn nước vào tuyến kênh, đơn vị phải thường xuyên lót tạm đá và rải bạt dẫn dòng, tuy nhiên đó chỉ là phương án tạm thời. Do công trình không có hầm thu nước và lưới chắn rác nên mới vào đầu mùa mưa năm nay đã xuất hiện khối lượng lớn bùn cát và sỏi bồi lấp. Để chủ động trong việc cấp nước sản xuất, khơi thông dòng chảy, điều cần thiết phải làm tuyến kênh mới để kết nối đồng bộ với đập đầu mối.
Thực tế cho thấy, các công trình hư hỏng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là công trình được đầu tư nâng cấp sửa chữa đã lâu, đầu tư không đồng bộ, đi theo tuyến (dài, men theo triền đồi với điều kiện địa chất không ổn định). Trong khi đó, hàng năm mưa lũ trên diện rộng, nhiều công trình bị cuốn trôi, sạt lở đất gây bồi lấp, đứt gẫy các tuyến kênh... Ngoài ra, việc thi công các công trình lân cận, trong đó có thủy điện, đường giao thông nông thôn, kéo đường dây tải điện… cũng tác động xấu đến công trình thủy lợi.
Thiếu nguồn kinh phí
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chung - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý thủy nông Lai Châu cho biết: Công ty hiện quản lý 95 công trình thủy lợi, 2 hồ chứa nước; 91 đập dâng, 452km kênh mương kiên cố, trên 100km chưa kiên cố… Hệ thống này đảm bảo nước tưới cho 9.591ha, trong đó: 8.846ha lúa, 625ha hoa màu, 120ha thủy sản.
Năm 2019, Công ty đã tiến hành sửa chữa 106 lượt công trình, tổng kinh phí khoảng 11 tỷ đồng từ các nguồn: hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, nguồn sự nghiệp. Qua nâng cấp cải tạo đã góp phần đảm bảo tưới tiêu, kịp thời khắc phục một phần thiệt hại do mưa lũ, nâng cao tuổi thọ công trình, tăng năng suất, sản lượng lúa, hoa màu.
Trả lời câu hỏi tại sao trước nhu cầu bức thiết của người dân về sửa chữa kênh mương phục vụ sản xuất mà việc này chưa được đẩy mạnh, ông Chung không khỏi băn khoăn, trăn trở: Nhu cầu đó là chính đáng, Công ty rất muốn thực hiện và đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo sản xuất cho bà con nhưng nguồn kinh phí hạn chế. Do đó, việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình chưa đáp ứng được nhu cầu.
Cũng theo ông Chung, nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai hàng năm ít, chậm, không kịp thời, gây khó khăn trong khắc phục thiệt hại. Trong kế hoạch năm 2020, Công ty đã báo cáo tỉnh và xin kinh phí nguồn sự nghiệp thủy lợi để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình nhưng không được tỉnh bố trí. Mùa mưa năm 2019, trên địa bàn tỉnh thiên tai liên tiếp xảy ra gây ảnh hưởng lớn tới các công trình thủy lợi nhưng nguồn kinh phí khắc phục bão lũ được bố trí chậm và ít (tháng 3/2020 mới được cấp tổng 1,4 tỷ đồng). Nhiều công trình do ảnh hưởng của mưa lũ chưa được khắc phục triệt để.
Trước trực trạng trên, Công ty rất mong các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí đủ nguồn kinh phí để Công ty thực hiện nhiệm vụ. Song song với giải pháp trên, Công ty cũng sẽ theo dõi sát diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra nguồn nước trên các sông, suối. Tổ chức quản lý khai thác, điều tiết nguồn nước hợp lý. Phối hợp cùng chính quyền các xã, thị trấn, các đơn vị thi công có liên quan (thủy điện) điều hòa phân phối nguồn nước. Ưu tiên duy tu, sửa chữa các công trình hư hỏng nặng; chủ động khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai...
Thiết nghĩ, các cấp, ngành chức năng cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời, sớm khắc phục tình trạng trên. Bởi, nước là yếu tố đặc biệt quan trọng, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nông dân và có ý nghĩa lớn trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực địa phương.

Trang Thủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...