Thứ ba, 23/04/2024, 22:06 [GMT+7]

Khoanh vùng, tích cực phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng

Thứ tư, 14/04/2021 - 12:39'
(BLC) - Hiện, huyện Tân Uyên có 14ha lúa vụ đông xuân nhiễm đạo ôn lá và 4ha ngô vụ xuân hè bị sâu keo mùa thu gây hại. Xác định đây là thời kỳ quan trọng quyết định năng suất, chất lượng cây trồng, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các địa phương bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân khoanh vùng, tổ chức phòng trừ đồng loạt, triệt để.

Vụ lúa chiêm xuân năm nay, toàn huyện triển khai gieo cấy 1.777ha. Trong đó, 288,8ha lúa hàng hóa. Ngay từ đầu vụ sản xuất, trên địa bàn đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại kèm sương muối, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng cũng như sự phát triển của mạ, lúa mới cấy. Nhờ chủ động trong công tác chăm sóc, toàn bộ diện tích sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện, lúa trà sớm giai đoạn đứng cái - làm đòng, chính vụ cuối đẻ nhánh - đứng cái, trà muộn đẻ nhánh rộ.

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, thời tiết có sương vào sáng sớm, mưa nắng xen kẽ là điều kiện thuận lợi để các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá. Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, đến thời điểm này, toàn huyện có 14ha lúa nhiễm đạo ôn lá, tập trung tại thị trấn Tân Uyên 5ha, Trung Đồng 2ha, Tà Mít 3ha, Pắc Ta 4ha. Nếu không tiến hành phòng trừ kịp thời, nguy cơ bệnh đạo ôn sẽ tiếp tục gây hại đốt thân, cổ bông… ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa.

Cùng với đó, trong tổng số 908ha ngô vụ xuân hè giai đoạn 3-9 lá cũng bị sâu keo mùa thu gây hại ở hầu hết các xã, thị trấn. Trong đó, tập trung tại xã Trung Đồng, Thân Thuộc với diện tích nhiễm 4ha. Đây là loại sâu hại mới xâm nhập, có khả năng di trú xa, gây hại nặng cho ngô và nhiều cây trồng khác. Điểm đáng lưu ý là sâu có thể cắn phá làm lá bị thủng, lỗ trỗ, xơ xác hoặc chui vào nõn, cắn nát chồi non, phá hủy khả năng phát triển của cây. Đây không phải vụ đầu tiên, cây ngô trên đất Tân Uyên bị loại sâu này gây hại. Những vụ ngô trước đã bị ảnh hưởng rất nặng nề về năng suất, nhất là ngô nếp.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Hữu Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khẳng định: Ngay khi nắm bắt thông tin, ngày 26/3, Trung tâm đã tham mưu UBND huyện ban hành công văn hỏa tốc về việc chủ động phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây lúa, ngô. Theo đó, các xã, thị trấn đã phối hợp với cơ quan chuyên môn cử cán bộ bám sát đồng ruộng, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân khoanh vùng, chủ động phòng, trừ; chăm sóc đảm bảo lúa, ngô sinh trưởng tốt, chống chịu được với sâu bệnh trên các giống lúa: sén cù, việt lai 20, lúa thuần.

Chú trọng công tác điều tra dự tính, dự báo đối với sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô và bệnh đạo ôn lá trên cây lúa. Hiện nay, diện tích phòng trừ đối với lúa đạt 100%. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo bà con tranh thủ thời tiết nắng ráo phun mở rộng diện tích, không để bệnh đạo ôn lây lan diện rộng.

Nông dân thị trấn tân uyên phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa.

Nông dân thị trấn Tân Uyên phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa.

Trên các cánh đồng lúa, hình ảnh nông dân phun thuốc, làm cỏ, bón phân, phát cỏ bờ, bụi rậm vào thời điểm này rất dễ bắt gặp. Nhất là bà con đã tuân thủ, áp dụng đúng nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách), phun vào chiều muộn nhằm nâng cao hiệu quả phòng trừ.

Anh Lò Văn Thái ở bản Chạm Cả - thị trấn Tân Uyên cho biết: Vụ chiêm xuân, gia đình tôi gieo cấy hơn 4.000m2 lúa. Gần một nửa diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá nhẹ nhưng mấy ngày qua, tôi tiến hành phun thuốc phòng trừ cho cả diện tích, kết hợp phun thêm thuốc phòng chống bọ xít gây hại. Cùng với đó, bón thêm phân, dọn sạch cỏ bờ hạn chế chuột phá hoại. Sau khi kiểm tra, bệnh đạo ôn lá cơ bản đã được loại bỏ, hy vọng sẽ không tái phát.

Đối với diện tích ngô bị sâu keo mùa thu gây hại hiện nay phương thức phòng trừ khá nan giải. Đáng nói là hiện tại, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam chưa có thuốc trừ sâu keo. Do đó, cơ quan chuyên môn đang hướng dẫn nông dân sử dụng một số hoạt chất, chú ý phun ướt 2 mặt lá và phun vào chiều tối. Đồng thời, kết hợp bắt sâu, ngắt ổ trứng thủ công, ưu tiên biện pháp sinh học và bẫy bả.

Cùng với chỉ đạo quyết liệt công tác phòng trừ sâu bệnh, hiện các địa phương đang chủ động khai thác tối đa công năng sử dụng của hệ thống mương phai, công trình thủy lợi cũng như vận động nông dân đầu tư phân bón, thực hiện đúng quy trình chăm sóc. Tin rằng, với công tác chỉ đạo “bài bản” và quyết tâm “đảm bảo năng suất, chất lượng”, hy vọng huyện Tân Uyên sẽ có thêm mùa vụ thắng lợi.

Hoàng Nam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...