Thứ bảy, 20/04/2024, 05:21 [GMT+7]

Lai Châu: Cảnh báo tình trạng tự tử tăng cao

Thứ sáu, 25/05/2018 - 11:28'
(BLC) - Từ đầu năm đến nay, Khoa hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tiếp nhận, điều trị hơn 50 ca tự tử do ăn lá ngón, uống thuốc trừ sâu và trừ cỏ (tăng 30 ca so với cùng kỳ năm trước).

Điều dưỡng Khoa hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc bệnh nhân ngộ độc thuốc trừ sâu.

Đã hẹn lịch làm việc nhưng chúng tôi vẫn phải đợi bác sỹ Phạm Văn Vượng - Khoa hồi sức cấp cứu cùng kíp trực cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Văn Bách (27 tuổi, tổ 18, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) tự tử bằng thuốc trừ sâu. Được biết, Bách nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, toàn thân tím tái, hơi thở mùi thuốc trừ sâu. Nguyên nhân do thường xuyên mâu thuẫn với các thành viên trong gia đình dẫn đến mệt mỏi, chán nản, 14 giờ ngày 20/4, Bách uống cả lọ thuốc trừ sâu để tự tử. May mắn được người nhà sớm phát hiện đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu và 17 giờ cùng ngày, Bách đã qua cơn nguy kịch.

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Vượng cho biết: “Thời gian gần đây, tình trạng bệnh nhân tự tử nhập viện tăng cao. Có hôm, tôi cùng đồng nghiệp cấp cứu 4 bệnh nhân ngộ độc do ăn lá ngón, uống thuốc trừ sâu và trừ cỏ. Sau mỗi ca cấp cứu thành công, chúng tôi đều phân tích, động viên bệnh nhân không nên vì xích mích nhỏ mà tìm đến cái chết. Đối với bệnh nhân tự tử bằng thuốc trừ sâu, trừ cỏ nếu kịp thời đưa đến bệnh viện có thể cứu sống nhưng về sau có thể để lại nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe”.

Ngày 22/2/2018, Khoa hồi sức cấp cứu tiếp nhận ông Má A Hù (62 tuổi) ở xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) hôn mê sâu do ngộ độc thuốc trừ sâu. Nguyên nhân do đi uống rượu về nhà bị vợ và các con mắng. Các y, bác sỹ trong Khoa thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ cấp cứu và sau 1 tháng điều trị, ngày 20/3, ông Hù được xuất viện. Mặc dù vậy, hệ lụy để lại là ông Hù không thể tự thực hiện được những việc nhỏ, ngay cả vệ sinh cá nhân cũng phải nhờ đến người nhà giúp đỡ.

Thăm các buồng bệnh của Khoa hồi sức cấp cứu, chúng tôi được các y, bác sỹ cho biết có 5 bệnh nhân vừa được điều trị ổn định do ngộ độc lá ngón.  Nguyên nhân của tình trạng tự tử tăng cao là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Khi tức giận, nhiều người nghĩ quẩn ăn lá ngón hoặc uống thuốc trừ sâu, trừ cỏ nhằm kết liễu cuộc đời. Hầu hết, thời gian gần đây, bệnh nhân được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên chưa có trường hợp nào tử vong. Đây là lời cảnh báo đến người dân không nên hành động tiêu cực, lựa chọn tự tử để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình.

Bệnh nhân tự tử đang là vấn đề đáng báo động. Các ca tự tử hệ lụy khôn lường về công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Để ngăn chặn tình trạng trên, hơn bao giờ hết, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu tác hại của việc ăn lá ngón, uống thuốc trừ sâu và trừ cỏ. Không vì một phút nông nổi mà kết liễu cuộc đời, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...