Thứ tư, 24/04/2024, 05:25 [GMT+7]

Nà Khuy: Tìm lời giải cho bài toán thoát nghèo

Thứ ba, 09/07/2019 - 10:52'
(BLC) - So với khoảng 10 năm về trước, cuộc sống của người dân bản Nà Khuy (xã Bản Bo, huyện Tam Đường) đã có sự đổi thay đáng kể. Bà con được sống trong những ngôi nhà mái ngói hay nhà gỗ kiên cố. Được tiếp cận các phương tiện truyền thông, có đường giao thông thuận lợi, điện thắp sáng... Nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo của bản (xét theo tiêu chí đa chiều) vẫn chiếm 95%, còn lại là hộ cận nghèo. Nguyên nhân nào khiến Nà Khuy chưa thể bứt khá vươn lên? Và để giải bài toán giảm nghèo nơi đây không chỉ có sự giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương mà cần hơn nữa sự chung tay của cộng đồng và sự cần cù, chịu khó, nỗ lực hơn nữa từ mỗi người dân.

Vì sao Nà Khuy chưa thể thoát nghèo?

Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi về bản Nà Khuy. Cách trung tâm xã chừng 4km, con đường về bản giờ đã được trải nhựa phong quang, thuận lợi. Tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ bản tại nhà đồng chí Bí thư Chi bộ Quàng Văn Cu, chúng tôi được biết, Chi bộ bản có 6 đảng viên thì 2 đảng viên mới mất. Chi bộ được Đảng ủy xã điều động đồng chí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã về cùng sinh hoạt. Cùng với quán triệt các văn bản, chỉ thị của cấp trên, Chi bộ bản đặc biệt quan tâm phân tích, làm rõ báo cáo chuyên đề đạo đức Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân. Mặc dù đã rất cố gắng chuẩn bị, song trong quá trình họp Chi bộ, triển khai các văn bản, chỉ thị, báo cáo chuyên đề cũng như chấm điểm các tiêu chí đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt Chi bộ vẫn phải nhờ đến sự giúp đỡ của đồng chí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã.

Được biết, bản Nà Khuy có 49 hộ, 100% đồng bào dân tộc Kháng sinh sống. Đánh giá nguyên nhân dẫn tỷ lệ hộ nghèo của bản vẫn còn cao, đồng chí Bí thư Chi bộ Quàng Văn Cu nhận định. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là tình trạng sinh con thứ 3 của bản, hiện bản có 80% số hộ sinh con thứ 3 trở lên. Đồng chí Trưởng bản cũng chưa được kết nạp Đảng do sinh con thứ 3. Cũng vì sinh nhiều con nên cuộc sống của bà con chỉ quanh quẩn lo cái ăn, cái mặc cho bọn trẻ, các bà mẹ không thể tách hẳn ra phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, trong bản có hộ gia đình nào có việc riêng như: cưới xin, hiếu hỉ thì bà con lại tụ tập ăn và uống rượu vài ngày. Thậm chí mổ một con lợn bỏ ăn cũng được bà con tổ chức ăn uống, bỏ bê việc đồng ruộng. Tập quán sinh hoạt này đã ăn sâu trong tiềm thức nên dù Chi bộ bản cũng như cấp ủy, chính quyền xã nỗ lực tuyên truyền song đến nay bà con vẫn chưa thay đổi được là bao.

Buổi sinh hoạt Chi bộ bản Nà Khuy.

Buổi sinh hoạt Chi bộ bản Nà Khuy.

Không khó để chúng tôi tiếp cận hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên, chị Lò Thị Đón là một điển hình. Nhà chị Đón nằm ngay giữa bản, chị Đón cho biết, tôi sinh được 5 người con trai. Con trai lớn sinh năm 1996, song đến năm 2016 tôi lại nhỡ kế hoạch nên mang thai cậu con trai út. Sinh con út được hơn 1 tuổi thì con trai cả của tôi cũng lập gia đình và sinh con. Con, cháu còn nhỏ nên tôi ở trông bọn trẻ, dọn dẹp, lo việc nhà cửa cơm nước cho cả gia đình. Việc sinh nhiều con đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân, khiến họ cứ mãi luẩn quẩn trong cái vòng đông con - nghèo đói - đông con mà không tìm được lối ra.

Nguyên nhân thứ 2 được Chi bộ bản xác định là tư tưởng trông chờ ỉ lại vào sự hỗ trợ giúp đỡ của nhà nước vẫn còn khá phổ biến. Bởi dân tộc Kháng là một trong những dân tộc ít người nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, nhà nước. Từ hỗ trợ điện thắp sáng, đường giao thông, thủy lợi đến hỗ trợ các loại cây, con giống mới để bà con thay đổi tập quán canh tác. Bên cạnh cái đạt được là bà con đã biết trồng 2 vụ, đưa giống mới vào sản xuất thì một bộ phận không nhỏ Nhân dân vẫn có suy nghĩ “không cần làm nhiều đã có nhà nước cho” hoặc “làm được rồi thì nhà nước không cho nữa”. Chính vì vậy, bài toán về “sức ì” nơi đây đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Chúng tôi tiếp tục ghé thăm nhiều hộ gia đình trong bản, điều dễ nhận thấy là nhà nào cũng có vài ba đứa trẻ, phụ nữ, thậm chí cả thanh niên cũng ở nhà quanh quẩn với việc uống trà trò chuyện. Một vài đứa bé chừng 7 – 10 tuổi tranh thủ mùa mưa đi xúc tôm cá ở ruộng, mương... về cải thiện bữa ăn. Hỏi nhà nào cũng nuôi được rất ít lợn, trâu, thậm chí không có con nào, hoặc chỉ có vài con gà khi nhà có việc thì đem ra mổ.

Nguyên nhân nữa là vào năm 2008, Công ty Cổ phần Minh Sơn (Hà Nội) đã triển khai Dự án trồng rừng tại bản với diện tích 35ha. Được hỗ trợ ban đầu là 5 triệu đồng, cùng với 3 tạ gạo, nên bà con tích cực tham gia để mong có ngày được đổi thay số phận. Song kết quả không như mong muốn, gần 10 năm trồng keo (do Công ty Cổ phần Minh Sơn cấp cây giống), cũng là ngần ấy thời gian bà con mong chờ Công ty trở lại thu mua sản phẩm gỗ như đã ký kết ban đầu, song đến thời điểm này vẫn chưa có hồi đáp. Số tiền và gạo cam kết hỗ trợ ban đầu đến nay cũng mới cấp được 50%. Cấp ủy chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị, liên hệ với Công ty nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Diện tích rừng trồng keo của bản nhiều cây đã phát triển với đường kính 40 - 50cm, song do keo đã quá lứa thu hoạch nên xã đành chỉ đạo bà con tận dụng cây nào có thể bán được thì chặt bán cho các công trình xây dựng trên địa bàn huyện làm cây chống. Còn lại đốn bỏ làm củi vì gỗ đã bị mục bên trong. Khó khăn chồng chất khó khăn khiến người dân nơi đây cứ bị cái nghèo mãi đeo bám.

Nỗ lực giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền địa phương

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi về bài toán thoát nghèo ở bản Nà Khuy, đồng chí Nguyễn Xuân Hoàn - Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo cho biết, những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cuộc sống của bà con nơi đây đã có những chuyển biến tích cực. Song để giải được bài toán giảm nghèo ở bản không chỉ trong một sớm một chiều, bởi tư tưởng trông chờ vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận người dân nơi đây, đặc biệt là trong tầng lớp người trung niên trở lên.

Tìm hướng phát triển kinh tế cho bản Nà Khuy, xã đã bố trí ngân sách, huy động cán bộ xã về bản triển khai một số mô hình trồng ngô nếp, lúa nước cho bà con học tập, làm theo. Nhiều ngày bám đồng ruộng trực tiếp làm đất, cấy lúa, trồng ngô. Mô hình thành công bà con đã tin và từng bước làm theo. Các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng được mở, giúp người dân tiếp cận áp dụng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm, lúc mới triển khai, người dân cũng dè dặt tiếp nhận. Có người còn nói: Nó là cái giống của huyện, của tỉnh nên đắt lắm, thôi cứ trồng giống cũ thôi. Chỉ khi thấy mô hình đem lại hiệu quả thực sự thì nhiều người mới tin, đón nhận, gieo trồng đại trà. Đến nay hầu hết diện tích lúa của bản đã được trồng giống mới, trong 18ha lúa đã có 8ha lúa cấy 2 vụ. Cùng với đó, xã chỉ đạo bà con mở rộng diện tích đất đồi nương trồng thêm ngô, sắn phục vụ chăn nuôi. Cũng nhờ đó, bản giờ không còn hộ đói, cùng với nguồn hỗ trợ mái ngói làm nhà, nhiều hộ đã chuyển từ nhà tranh tre nứa lá, tạm bợ sang làm nhà gỗ, thậm chí có cả nhà xây lợp ngói kiên cố.

Xác định giá trị kinh tế từ cây chè, ngay sau khi chặt bỏ diện tích rừng trồng keo, xã quyết định đưa cây chè vào trồng tại bản. Cùng với cử cán bộ khảo sát diện tích đất có thể trồng chè, xã đã vận động bà con tận dụng diện tích đất đồi thoải, ruộng nương, thậm chí là đất rừng trồng keo nếu có thể tận dụng được thì mở rộng diện tích chè nhằm tăng thêm thu nhập. Đến nay, cả bản cũng có hơn 15ha chè. Một số diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch. Cùng với đó, xã chỉ đạo các đoàn thể quan tâm triển khai nguồn vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội để bà con trong bản có vốn phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, tổng dự nợ của cả bản đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Một số hộ vay vốn đã đầu tư nuôi trâu từ 2 đến 4 con hoặc phát triển ngành nghề thủ công của dân tộc như đan lát, làm bem, đơm, đó, ống lươn, vó... để bán ra thị trường tăng thêm nguồn thu. Gia đình chị Lò Thị Hoa là một điển hình. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện, chị đã có điều kiện duy trì và phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình. Chị Hoa cho biết, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nhất là vào tháng mùa mưa, chị nhập giang, mây về làm từ 5 đến 10 chiếc bem (dụng cụ đựng quần áo của đồng bào các dân tộc Thái, Giấy, Dao), với giá 300.000 đồng/chiếc, chị cũng có thêm nguồn thu trên 2 triệu đồng/tháng để cải thiện đời sống gia đình. Theo chị Hoa thì nhiều khi làm không bem đủ để bán, hiện trong bản cũng có gần chục hộ làm nghề thủ công truyền thống, nếu được cấp trên quan tâm liên kết, thì các sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc có thể trở thành hướng phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho người dân lúc nông nhàn.  

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, kinh tế chưa phát triển, nhiều lao động thiếu việc làm, nhưng bản không có thanh niên thích ăn chơi, đua đòi, không có người nghiện ma túy. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định, bà con quan tâm đến việc học của con em (100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường)... Đó cũng là những điều kiện thuận lợi để bà con trong bản vững niềm tin vào hướng thoát nghèo bền vững.

Tạm biệt Nà Khuy, trên đường trở về chúng tôi đã bắt gặp màu xanh non mơn mởn của lúa, chè phủ kín sườn đồi, trải dài 2 bên con đường dẫn vào bản. Những cây chè cao ngang đùi, đang thỏa thuê đón mưa nắng của trời. Lòng thầm nghĩ, dẫu biết khó khăn còn chồng khó khăn với mảnh đất nghèo nơi đây... nhưng chúng tôi vẫn tin, trong một tương lai không xa, với sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, địa phương, hướng đi cho Nà Khuy đã mở, bà con nơi đây sẽ biết phát huy nội lực để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Và trong dịp trở lại lần sau, chúng tôi sẽ bắt gặp một bản Nà Khuy đổi mới, khởi sắc, hòa nhập cùng với sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...