Thứ bảy, 20/04/2024, 14:17 [GMT+7]

Nậm Nhùn: Xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Thứ tư, 05/05/2021 - 16:34'
(BLC) - Theo phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 3762/CĐ-XN của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương ngày 30/4/2021 kết luận: Hai mẫu bệnh phẩm được lấy từ 2 con bò của hộ gia đình ông La Văn Phin và Khoàng Văn Thủy (bản Tổng Pịt, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn) dương tính với virus gây bệnh viêm da nổi cục (VDNC). Theo đó, huyện Nậm Nhùn là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh xuất hiện bệnh VDNC .

Ổ dịch bệnh VDNC trên trâu, bò trên địa bàn huyện Nậm Nhùn được phát hiện tại khu vực chăn nuôi tập trung của 6 hộ gia đình tại bản Tổng Pịt (xã Mường Mô) với 25 con bò, 6 con trâu bị mắc bệnh.

Theo chia sẻ của anh Quàng Văn Thủy, 1 trong 6 hộ gia đình có đàn trâu, bò bị mắc bệnh, từ ngày 22/4 khi anh đến kiểm tra đàn gia súc của gia đình tại khu vực chăn thả tập trung của nhóm hộ thì phát hiện trên da của trâu, bò xuất hiện các nốt sần sùi nhưng anh cứ nghĩ chỉ là do muỗi, ruồi, ve đốt thông thường nên sẽ tự lành. Vài ngày sau, khi quay lại kiểm tra, anh thấy các nốt không thuyên giảm mà càng lan rộng, không chỉ một con mà nhiều con cũng có biểu hiện tương tự. Phát hiện căn bệnh lạ trên đàn vật nuôi, anh Thủy và các hộ gia đình khác nhanh chóng báo cho chính quyền địa phương, đề nghị các cơ quan chức chuyên môn của huyện lấy mẫu xét nghiệm để xác định bệnh trên đàn vật nuôi.

Ngay khi nhận được báo cáo của xã Mường Mô về tình hình dịch bệnh trên đàn trâu, bò của các hộ chăn nuôi của tại bản Tổng Pịt với các biểu hiện, triệu chứng của bệnh VDNC; UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiến hành kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm. Theo phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 3762/CĐ-XN của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương ngày 30/4/2021 kết luận: hai mẫu bệnh phẩm được lấy từ 2 con bò của hộ gia đình ông La Văn Phin và Khoàng Văn Thủy, tại bản Tổng Pịt (xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn) dương tính với virus gây bệnh VDNC.

Sau khi phát hiện bệnh VDNC xảy ra trên địa bàn, huyện Nậm Nhùn chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với xã Mường Mô hướng dẫn các hộ chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tổ chức tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi trong khu vực đã xuất hiện bệnh; thực hiện cách ly, nuôi nhốt gia súc bị bệnh và có các biểu hiện bệnh theo quy định. Thống kê gia súc, yêu cầu các hộ chăn nuôi cam kết không bán chạy, giết mổ, vứt xác gia súc ra môi trường… Tuyên truyền hướng dẫn người dân không thả rông gia súc, chủ động theo dõi, giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bệnh, kịp thời phát hiện báo cáo chính quyền, cơ quan chuyên môn để có các biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.

Cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Nhùn kiểm tra biểu hiện bệnh VDNC trên đàn bò tại bản Nậm Nhùn (thị trấn Nậm Nhùn).

Cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Nhùn kiểm tra biểu hiện bệnh VDNC trên đàn bò tại bản Nậm Nhùn (thị trấn Nậm Nhùn).

Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát, kiểm tra báo tình hình, biểu hiện của bệnh VDNC trên gia súc, lấy mẫu xét nghiệm và công bố dịch theo quy định. Qua kiểm tra thực tế của các địa phương và cơ quan chuyên môn huyện, ngoài ổ bệnh đã xuất hiện tại xã Mường Mô, hiện nay, tại khu vực chăn nuôi tập trung (trên 100 con trâu, bò) của bản Nậm Nhùn (thị trấn Nậm Nhùn) và khu chăn nuôi theo nhóm hộ (dưới 15 con trâu, bò) tại bản Chang (xã Lê Lợi) cũng xuất hiện các biểu hiện, triệu chứng của bệnh VDNC, đã được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Nhùn, do virus tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô. Đặc biệt, trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt, ví dụ như chuồng trại bị ô nhiễm, virus có thể tồn tại trong nhiều tháng và cơ chế lây lan của bệnh VDNC chủ yếu qua vật trung gian như: muỗi, ve, bọ, ruồi... Nên nếu các hộ chăn nuôi không làm tốt công tác chăn nuôi an toàn và vẫn duy trì thói quen chăn thả tự do tại các bãi sẽ khiến dịch bệnh khó khống chế, tiếp tục lây lan, phát sinh.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trâu, bò mắc bệnh VDNC thường có những dấu hiệu: sốt cao, có thể trên 41 độ C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu. Giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi). Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển. Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời. Bò mang thai có thể sảy thai và động dục trong vài tháng. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày. Hiện, biện pháp kiểm soát, phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc-xin phòng bệnh và thực hiện tiêu hủy gia súc bị bệnh. Tuy vậy, nguồn kinh phí để triển khai tiêm phòng vắc - xin bệnh VDNC trên trâu, bò và hỗ trợ kinh phí tiêu hủy cho các hộ chăn nuôi còn hạn chế. Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến công tác phòng bệnh VDNC trên trâu, bò của huyện Nậm Nhùn hiện nay. Cùng với đó, do cơ chế lây lan từ nhiều nguồn, nhất là việc lây nhiễm bệnh lại từ việc chích, đốt từ các loại ruồi, muỗi, ve… nên việc khoanh vùng bệnh rất khó. Do đó, kể cả những địa phương chưa xuất hiện ổ bệnh cần chủ động thực hiện công tác giám sát dịch bệnh.

Bên cạnh việc giám sát của chính quyền, cơ quan chuyên môn, cán bộ thú y cơ sở… để phòng, chống bệnh hiệu quả, các hộ chăn nuôi cần chủ động giám sát và khai báo khi phát hiện trâu, bò có biểu hiện bệnh, không tự ý chữa trị. Khi phát hiện trâu, bò bị bệnh, cần cách ly gia súc bị bệnh với gia súc khỏe mạnh; thường xuyên kiểm tra, không thả trâu, bò bị bệnh ra bãi chăn thả, tuân thủ nghiêm quy trình phun khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho đàn gia súc. Các địa phương, nhất là những xã, bản đã phát sinh ổ bệnh cần tích cực tiêu độc, khử trùng, tiêu diệt các loại côn trùng truyền bệnh; tiêu hủy gia súc bị bệnh chết...

Thực tế về cơ chế, tốc độ lây lan của dịch bệnh VDNC trên trâu, bò tại địa bàn huyện Nậm Nhùn cho thấy nguy cơ cao gây thiệt hại cho người chăn nuôi, bởi loại gia súc này có giá trị kinh tế lớn. Do vậy, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất lúc này chính là người dân phải chủ động vệ sinh chuồng trại và có các biện pháp phòng dịch cần thiết, bảo vệ đàn vật nuôi. 

Lò Dinh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...